Làm việc dưới trời nắng nóng, hai người nhập viện cấp cứu
Khi đang làm việc tại nhà máy gạch dưới trời nắng nóng, anh H.M.P thấy nóng bức, vã mồ hôi, nôn nhiều, sau đó co rút tay chân, phải đi cấp cứu.
Bệnh nhân là người đàn ông 33 tuổi, quê ở Hà Giang, đang làm việc tại nhà máy gạch trên địa bàn huyện Cẩm Khê (Phú Thọ). Khoảng 13h chiều 29/5, do môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao, cộng hưởng với mức nhiệt cao ngoài trời, anh P. cảm thấy nóng bức, vã mồ hôi, khát nước, nôn nhiều lần.
Đến tối, anh có thêm triệu chứng co rút tay chân, nóng bừng toàn thân nên được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cấp cứu.
Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân mạch nhanh (97 lần/phút), huyết áp tụt 80/50mmHg. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc giảm thể tích, sau 1 giờ bù nước và điện giải, mạch huyết áp trở về mức ổn định.
Trường hợp thứ 2 là bà N.T.T, 57 tuổi, làm việc thường xuyên ở môi trường ngoài trời. Trong khi đang làm việc, bà T. cảm thấy nóng bừng toàn thân, mệt mỏi, vã mồ hôi, khó thở, khát nước, nhiệt độ cơ thể 39 độ C. Bà được đưa vào cấp cứu, nhập viện chiều 29/5, chẩn đoán say nóng, được chỉ định bù nước và điện giải. Sau điều trị, đến ngày 30/5, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Những ngày qua, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Uyển, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho biết say nắng, say nóng là những hiện tượng thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột.
Các biện pháp phòng chống say nắng, say nóng
- Khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.
- Uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể ống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.
- Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút.
- Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi lao động, làm việc dưới trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm...
- Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò... rất có ý nghĩa trong việc phòng chống bị say nắng, say nóng.
- Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.
- Vào mùa nắng nóng, cần uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như: rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua..., mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi.
- Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy, trong thời tiết nắng nóng dù chỉ để trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe hơi có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.
>> Công nhân đội nắng nóng hơn 40 độ thi công cầu dây văng 1.200 tỷ tại Nam Định
Công nhân đội nắng nóng hơn 40 độ thi công cầu dây văng 1.200 tỷ tại Nam Định
Chuyên gia khuyến cáo gì để phòng nguy cơ đột quỵ, sốc nhiệt khi trời nắng nóng?