Mồi lửa nhập siêu đã bập bùng quay trở lại, tuy nhiên, tính chung 5 tháng, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục duy trì trạng xuất siêu hơn 8 tỷ USD.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng ngày 29/5, trong tháng 5/2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,2%; nhập khẩu tăng 18,2%.
Cụ thể, về xuất khẩu, tháng 5/2024 ước đạt 32,81 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,37 tỷ USD, tăng 2,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,44 tỷ USD, tăng 6,9%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2024 tăng 15,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 13,0%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 17,0%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước đạt 43,69 tỷ USD, tăng 20,5%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,08 tỷ USD, tăng 13,3%, chiếm 72,1%.
Việt Nam có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,3%). Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 137,39 tỷ USD, chiếm tỷ lệ cao nhất 87,7%.
Trị giá một số mặt hàng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2024 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Ở chiều ngược lại, về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 33,81 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 12,81 tỷ USD, tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,0 tỷ USD, tăng 13,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2024 tăng 29,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 38,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 25,3%.
Tính chung năm tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 54,95 tỷ USD, tăng 24,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 93,81 tỷ USD, tăng 14,9%.
Trong năm tháng đầu năm 2024 có 27 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 84,5% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 47%).
Trị giá một số mặt hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2024 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Như vậy, sau 23 tháng xuất siêu liên tục, 'mồi lửa' nhập siêu đã bập bùng quay trở lại trong tháng 5, tuy nhiên tính chung 5 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,01 tỷ USD (thấp hơn mức 10,2 tỷ USD cùng kỳ năm trước). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,27 tỷ USD.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,9 tỷ USD.
Chia sẻ với PV báo Tiền Phong, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, việc nhập siêu trong thời điểm này là dấu hiệu tốt, chứng tỏ nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Các doanh nghiệp bắt đầu tăng nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu để sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 36 khoản phí, lệ phí
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu tìm giải pháp “trợ lực” từ ngân hàng