Láng giềng Việt Nam tìm thấy ‘xưởng châu báu’ 3.400 tuổi tại khu vực khảo cổ vĩ đại nhất thế giới
Xưởng sản xuất ngọc bích và đá này có chứa các hiện vật như ngọc thô, đá nguyên liệu, các thành phẩm cũng như các mảnh vụn.
Một phát hiện khảo cổ đáng kinh ngạc vừa được công bố tại di chỉ Tam Tinh Đôi khi các nhà khoa học đã tìm thấy một xưởng chế tác đá và ngọc bích cổ đại, có niên đại hơn 3.400 năm. Xưởng chế tác đá và ngọc bích ở Tam Tinh Đôi nằm cách hố hiến tế vừa khai quật gần nhất khoảng 1km về phía Bắc.
Theo thông tin từ Tân Hoa Xã, phát hiện khảo cổ mới nhất tại di chỉ huyền thoại Tam Tinh Đôi giúp tiết lộ nguồn gốc của các cổ vật văn hóa được khai quật trước đó. Bên cạnh đó, phát hiện này là bước tiến đáng kể trong cuộc khai quật khảo cổ ở di chỉ huyền thoại thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc, Viện Khảo cổ và Di tích Văn hóa tỉnh Tứ Xuyên thông tin ngày 23/7.
Xưởng sản xuất này như một bảo tàng thu nhỏ về quá trình chế tác ngọc bích và đá. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy tại đây đủ loại hiện vật, bao gồm cả nguyên liệu thô và thành phẩm, cùng với những mảnh vụn nhỏ bé cho thấy từng công đoạn trong quá trình sản xuất. Sự đa dạng của các hiện vật này là bằng chứng rõ ràng cho một xưởng chế tác hoạt động quy mô và phức tạp của Tam Tinh Đôi.
“Việc phát hiện ra xưởng làm sáng tỏ một số bí ẩn, như nguồn gốc của số lượng lớn nguyên liệu đá và ngọc bích ở Tam Tinh Đôi, các kỹ thuật được sử dụng trong chế tác, quy trình sản xuất và phương pháp phân phối liên quan” - Honglin, người phụ trách hoạt động khảo cổ tại khu di tích Tam Tinh Đôi, chia sẻ.
Việc khám phá Tam Tinh Đôi đã mở ra một chương mới trong lịch sử khảo cổ học Trung Quốc. Hơn 400 địa điểm khảo cổ, từ các khu dân cư đến các khu sản xuất, đã được phát hiện. Hơn 4.000 hiện vật gốm, ngọc và đá, mang đậm dấu ấn văn hóa Thục cổ, đã được đưa ra ánh sáng. Những phát hiện này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một nền văn minh cổ đại phát triển rực rỡ ở vùng Tây Nam Trung Quốc.
Di chỉ Tam Tinh Đôi có diện tích 12km2, nằm ở thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên. Tam Tinh Đôi được cho là tàn tích của Vương quốc Thục, có niên đại cách nay khoảng 4.500 - 3.000 năm. Nơi đây được mệnh danh là một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất thế giới trong thế kỷ 20. Di chỉ khảo cổ này được phát hiện cuối những năm 1920.
Kể từ khi được phát hiện, hơn 60.000 hiện vật quý giá đã được khai quật, hé lộ những bí ẩn về một nền văn minh cổ đại phồn thịnh. Sự hấp dẫn của những phát hiện này được minh chứng qua con số ấn tượng: Bảo tàng Tam Tinh Đôi, mới đi vào hoạt động chưa đầy một năm, đã đón tiếp hơn 5 triệu lượt khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới.
Cũng liên quan tới Tam Tinh Đôi, đài CGTN đưa tin ngày 23/7, hơn 50 cổ vật được khôi phục, bao gồm đồ đồng, vàng và ngọc bích được khai quật tại khu di tích Tam Tinh Đôi đã được trưng bày trong triển lãm khai mạc cùng ngày. Triển lãm dự kiến kéo dài đến cuối năm 2024.
Các hiện vật hiện trưng bày tại Bảo tàng Tam Tinh Đôi ở thành phố Quảng Hán là kết quả của quá trình bảo vệ và phục dựng khảo cổ đang triển khai ở di chỉ khảo cổ quan trọng này. Gần 90% cổ vật trong triển lãm lần này là lần đầu được trưng bày cho công chúng.
Kể từ năm 2020, một liên minh các nhà khảo cổ học đến từ nhiều cơ sở nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm Viện Khảo cổ và Di tích Văn hóa tỉnh Tứ Xuyên, đã tập trung vào việc khai quật các hố hiến tế từ số 3 đến số 8 tại di chỉ Tam Tinh Đôi. Qua quá trình làm việc miệt mài, các nhà khoa học đã đưa ra ánh sáng hơn 17.000 hiện vật quý giá, trong đó có hơn 4.500 hiện vật được bảo tồn gần như nguyên vẹn.
>> Phát hiện thành phố dưới lòng đất lớn nhất thế giới chỉ mới khám phá được 3%, sức chứa 70.000 người