Xã hội

Phát hiện khảo cổ chấn động trong lòng hồ, hé lộ bí ẩn về người Việt cổ

Mộng Kha 22/06/2024 - 19:25

Toàn di chỉ có diện tích khoảng 15.000m2 nằm lọt thỏm trong vùng ngập vĩnh viễn của lòng hồ thủy điện.

Thông tin trên Báo Dân Trí chia sẻ, vào cuối năm 1999, giới khoa học trong nước đã bị chấn động bởi một phát hiện khảo cổ học quan trọng, đó chính là di chỉ khảo cổ Lung Leng.

Di chỉ Lung Leng nằm tại xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nằm trên hữu ngạn sông Pô Kô, cách thị xã Kon Tum khoảng 15km về phía Tây. Với diện tích khoảng 15.000m², di chỉ này tọa lạc ở độ cao 503-509m trong vùng ngập vĩnh viễn của lòng hồ thủy điện Yaly.

Một góc thủy điện Yaly, khu vực nơi phát hiện di chỉ Lung Leng (Ảnh: Internet)

Một góc thủy điện Yaly, khu vực nơi phát hiện di chỉ Lung Leng (Ảnh: Internet)

Đợt khai quật đầu tiên diễn ra vào tháng 9/1999 chỉ với diện tích 106m² đã phát hiện hàng trăm di vật bằng đá và hàng vạn mảnh gốm các loại, báo hiệu sự phong phú tiềm tàng của di chỉ này. Cho đến nửa cuối năm 2001, di chỉ đã được khai quật toàn bộ.

Qua các đợt khai quật, người ta phát hiện rằng Lung Leng là một di chỉ có tầng văn hóa nguyên vẹn, phản ánh rõ ràng các giai đoạn phát triển từ thời đại đá cũ đến thời đại đá mới, qua thời kỳ kim khí, và thậm chí cả thời kỳ trung đại.

Một số công cụ đá tìm thấy tại di chỉ khảo cổ học Lung Leng (Ảnh: Internet)

Một số công cụ đá tìm thấy tại di chỉ khảo cổ học Lung Leng (Ảnh: Internet)

Dấu tích của cư dân hậu kỳ đá cũ được tìm thấy trong lớp đất laterite hóa ở độ sâu 1,2-1,4m. Những cư dân này đã chế tác và sử dụng các công cụ ghè đẽo thô sơ với kích thước lớn, được làm từ cuội thạch anh hoặc đá bazan. Các công cụ này bao gồm mũi nhọn, công cụ chặt rìa lưỡi dọc, và công cụ nạo hình múi bưởi. Những dấu tích này cho thấy cư dân Lung Leng sống trong điều kiện khí hậu nóng ẩm và hơi khô của giai đoạn cuối Pleistocene, giai đoạn cách đây hơn mười nghìn năm. Hoạt động kinh tế của họ chủ yếu là săn bắn và hái lượm, họ chưa biết đến nông nghiệp, kỹ thuật mài, hay sản xuất đồ gốm.

Đặc biệt, gần chúng ta hơn, trong lớp đất phía trên là dấu tích của văn hóa hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí, tương ứng với niên đại Toàn Tân (Holocene), từ 2000 đến 4000 năm trước. Tại đây, có mật độ cao các loại hình di vật và di tích như rìu bôn đá mài toàn thân, bàn mài, hòn ghè, hòn nghiền, đồ gốm, than tro và mộ táng.

Ngoài ra, tại Lung Leng, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều loại di tích như bếp lửa, lò luyện kim loại, mộ táng, di cốt người và dấu vết thực vật như vỏ trấu, cho thấy nghề trồng lúa đã xuất hiện rất sớm ở Tây Nguyên. Trong các bếp này có than tro và nhiều mảnh gốm. Một số bếp có đá phiến xếp xung quanh, cách đều nhau và ở cùng độ cao, có thể là chỗ ngồi để các thành viên trong bộ lạc cổ quây quần bên bếp lửa.

Điểm mới trong lần khai quật này là việc phát hiện mộ nồi vò úp nhau và mộ kè gốm, cho thấy tục táng người chết của cư dân cổ. Mộ chum vò khá phổ biến trong di chỉ này, được chôn trong các chum hoặc vò có kích thước lớn, thân hình cầu hoặc nửa quả trứng, với đường kính miệng khá rộng.

Mộ vò tìm thấy tại di chỉ Lung Leng (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Kon Tum)

Mộ vò tìm thấy tại di chỉ Lung Leng (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Kon Tum)

Được biết, hiện vật thu được ở Lung Leng bao gồm đồ đá, đồ gốm và kim loại. Theo thống kê, có trên 23.000 tiêu bản đồ đá, khoảng một triệu mảnh đồ gốm, và rất ít hiện vật bằng sắt. Khối lượng hiện vật thu được là rất lớn, bao gồm 14.552 hiện vật đá từ hậu kỳ thời đại đồ đá cũ đến cuối thời đại đồ đá mới - sơ kỳ kim khí, với các loại hình như công cụ sản xuất, vũ khí và đồ trang sức. Ngoài ra, có 244 hiện vật gốm các loại cùng hàng triệu mảnh gốm và 37 hiện vật kim loại.

Qua tổng thể các di tích và di vật, có thể thấy Lung Leng là một di chỉ khảo cổ học đặc biệt quan trọng. Với nguồn sử liệu phong phú, di chỉ này đóng góp lớn vào việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa của dân tộc trong quá khứ xa xưa.

>> Một tỉnh miền Trung phát hiện hơn 1.000 hiện vật khảo cổ quý báu có niên đại lên đến 4.000 năm

Phong tỏa khẩn cấp hiện trường tìm thấy lăng mộ bị chôn vùi dưới đáy hồ hàng trăm năm, chuyên gia khảo cổ lập tức có mặt, danh tính chủ nhân khiến ai nấy ngỡ ngàng

Khám phá ngôi mộ 2.000 năm tuổi của bác sĩ La Mã cổ đại, thứ chôn cất bên trong khiến các nhà khảo cổ ngỡ ngàng

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/phat-hien-khao-co-chan-dong-trong-long-ho-he-lo-bi-an-ve-nguoi-viet-co-d125755.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Phát hiện khảo cổ chấn động trong lòng hồ, hé lộ bí ẩn về người Việt cổ
POWERED BY ONECMS & INTECH