Từng là quần thể lăng mộ lớn thứ 2 ở Việt Nam nhưng đến nay, khu vực này đã trở thành phế tích.
Lăng mộ đá cổ 100 tuổi giữa lòng thành phố
Ngõ 252, phố Tây Sơn (Trung Liệt, Đống Đa) thoạt nhìn cũng ồn ào, huyên náo như bao ngõ chợ khác tại Hà Nội. Thế nhưng, người ta lại hay gọi nơi đây bằng cái tên: Phố âm - dương, nơi người sống ở chung cùng người chết suốt hàng chục năm qua.
Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải là khu vực lăng mộ đá có tuổi đời hơn 100 năm nằm ở ngõ 252, phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), được xây dựng bởi Tổng đốc Hoàng Cao Khải (1850 - 1933) vào năm 1893. Ông từng là một vị đại thần dưới triều vua Thành Thái.
Nhiều tài liệu ghi nhận, Hoàng Cao Khải là một vị quan giàu có. Năm 1893, khi về hưu, cụ lập ấp Thái Hà với diện tích khoảng 120ha, làm nơi an hưởng tuổi già. Cụ cũng đã dành một phần diện tích khu thái ấp, mời thầy địa lý chọn thế đất, xây dựng cụm công trình lăng mộ cho gia tộc mình.
Ấp Hoàng Cao Khải có tổng diện tích 17ha, là một quần thể gồm 14 công trình kiến trúc về lăng mộ, đình chùa như: Lăng Hoàng Cao Khải, Lăng con Hoàng Trọng Phu, đồi Nghinh Phong, hồ Tẩm Nguyệt, khu đền thờ họ Hoàng với bảy gian theo phong cách kiến trúc dân gian nằm rải rác ở khu vực phía Tây của gò Đống Đa. Quần thể di tích có độ kiến trúc tinh xảo trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt.
Để xây dựng và thiết kế khu lăng mộ này, Hoàng Cao Khải đã mời rất nhiều kiến trúc sư người Pháp và người Việt Nam cùng tham gia. Trong đó có kiến trúc sư Nguyễn Duy Đạt (1850 - 1933). Vị kiến trúc sư này cũng được khắc tên trên bia đá, ngay gần cổng vào lăng mộ.
Lăng mộ Hoàng Cao Khải thiết kế theo kiểu chữ Đinh, dài 8m, cao 6m, trần cách sàn hơn 4 mét. Theo phong tục, mộ cụ ông nằm bên trái và vợ bên phải. Toàn bộ công trình đều bằng đá cẩm thạch trắng, chạm khắc tinh xảo, khắc dòng chữ bằng tiếng Pháp ghi rõ quốc hiệu, tên họ và chức tước người trong mộ.
Các cột, trụ, xà, bẩy, cửa võng, diềm, tường, nền đều được làm bằng đá và được chạm trổ cầu kỳ. Họa tiết chủ yếu được chạm khắc trên đá là hoa sen, lá thông, đầu rồng, mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn cuối thế kỷ 19. Đôi rồng đá chầu trước cửa lăng dù đã xuống cấp nhưng vẫn còn lưu giữ được nhiều họa tiết tinh xảo. Trước cửa lăng có hai dãy tượng đá gồm 8 chiến binh cao khoảng 1,3 m đừng gác hai bên. Trải qua hơn 100 năm xây dựng, đến nay chỉ còn lại 3 bức tượng kết cấu không hoàn chỉnh.
Cách lăng mộ của Hoàng Cao Khải không xa là lăng mộ của con trai cụ - Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu. Về quy mô, lăng con Hoàng Trọng Phu xây sau đồ sộ hơn lăng cha. Toàn bộ mặt cắt ngang của lăng dài 15m, được chia làm nhiều khu nhỏ, trần cũng cao hơn 4 m với những họa tiết và Hán tự đặc trưng.
Xót xa một di tích bị quên lãng
Với những giá trị của quần thể di tích kiến trúc này, hơn 70 năm trước đã có chủ trương giữ nguyên hiện trạng ấp Thái Hà và khu lăng mộ Hoàng Cao Khải. Bộ Văn hóa Thể thao (nay là bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) từng đánh giá: “Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương”.
Bên cạnh đó, các nhà sử học Việt Nam từng đánh giá đây là công trình đá lớn nhất Hà Nội và lớn thứ hai Việt Nam chỉ sau Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), bởi khu lăng mộ có kiến trúc độc đáo, nhiều công trình tinh xảo, đạt đến trình độ kỹ thuật cao trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt.
Đá xây dựng lăng được chở về từ phủ Quốc Oai (Hà Tây cũ) và qua bàn tay chế tác đá của các hiệp thợ nổi tiếng quanh vùng núi An Hoạch (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Giới nghiên cứu lịch sử người Pháp cho đây là một trong những công trình đỉnh cao của kiến trúc đá phương Đông.
Có giá trị về kiến trúc như vậy nhưng hiện nay, khu lăng mộ không được quan tâm bởi “Lăng mộ này chẳng có xếp hạng nên không được quan tâm bảo tồn. Nếu là di tích xếp hạng đã có ban quản lý đàng hoàng”, một người dân địa phương chia sẻ.
Thực tế, khu lăng mộ Hoàng Cao Khải được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1962. Theo người nhiều dân khu vực xung quanh, nhiều năm trước, con cháu cụ Khải ở Pháp, Anh, Mỹ về đây, có ý định mua lại lăng mộ của cha ông nhưng sau vì lý do nào đó không thấy họ đề cập nữa. Thi thoảng con cháu vẫn về Việt Nam thắp hương, thăm phần mộ cha ông vào dịp Tết.
Thế nhưng dù có lý do gì đi chăng nữa, một di tích lịch sử được xếp hạng đã xuống cấp và gần như bị lãng quên.