Làng nghề cổ hơn 400 tuổi gìn giữ ‘báu vật’ đúc đồng, là nơi góp phần tạo ra Di sản văn hóa phi vật thể Cồng Chiêng Tây Nguyên
Đây là một trong những làng nghề đúc đồng có tuổi thọ cao nhất ở Quảng Nam.
Quảng Nam không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh đẹp, vùng đất có nền văn hóa lâu đời này còn nổi tiếng với những làng nghề truyền thống. Phước Kiều - làng nghề đúc đồng truyền thống 400 năm tuổi ở tỉnh Quảng Nam là một trong số đó.
Làng đúc đồng 400 năm tuổi
Làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều đã ra đời vào đầu thế kỷ 17, sau khi Chúa Nguyễn đặt Dinh trấn Quảng Nam tại đất Thanh Chiêm, thuộc tổng An Nhơn Trung, huyện Diên Khánh (sau là Diên Phước), phủ Điện Bàn. Nằm bên cạnh Dinh trấn về phía tây, đối diện lỵ sở phủ Điện Bàn. Nay thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Theo các cụ cao niên của làng nghề đúc đồng Phước Kiều, làng có lịch sử hình thành từ khi Dinh trấn Quảng Nam (dưới thời Chúa Nguyễn Hoàng) đặt tại đất Thanh Chiêm vào đầu thế kỷ 17, đã tồn tại và phát triển hơn 400 năm qua. Sản phẩm của làng nghề vào giai đoạn sơ khai chủ yếu phục vụ cho các sinh hoạt lễ nghi, thờ cúng và phong tục tập quán như lư đèn thờ, chuông, chiêng, súng đạn, nồi niêu, xoong chảo...
Dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn, những nghệ nhân của làng nghề được triều đình gọi ra Phú Xuân tham gia đúc đỉnh, vạc, súng và cả ấn tín. Một số nghệ nhân đã được phong "Cửu phẩm đội trưởng" như cụ Cửu Thuyên (Dương Ngọc Thuyên), Xã Mãi (Trần Tạo), Xã Diêm (Trần Diêm), Cửu Thìn (Trần Văn Niên). Trong quá trình đến Phú Xuân tham gia đúc đồng, các bậc tiền bối của làng Phước Kiều cũng đã hội nhập với phường đúc Huế để làm nghề, lập gia đình và tạo nên những tộc họ lớn gắn bó với nghề ở đây.
Khi xưa ở Phước Kiều có hàng chục hộ làm nghề đúc đồng, theo thời gian và trải qua những thăng trầm, đến nay chỉ còn khoảng 7 hộ làm nghề. Các mặt hàng chủ yếu vẫn là đồ thủ công truyền thống làm từ đồng như chuông, tượng, phù điêu, lư hương, đồ thờ, cồng, chiêng... với hoa văn tinh xảo, âm thanh vang, vọng, bền.
Đặc biệt, điều làm nên danh tiếng của làng đúc đồng Phước Kiều chính là khả năng thẩm âm của các nghệ nhân. Muốn có một bộ nhạc cụ dân tộc thì việc khó khăn nhất là thẩm âm, vì mỗi vùng dân tộc có một bộ âm thanh khác nhau, đòi hỏi người thợ phải am hiểu âm sắc của từng miền.
Có thể không quá nổi tiếng để khiến ai cũng biết đến, nhưng Phước Kiều là nơi đã chế tác ra hầu hết bộ cồng chiêng để tạo ra Di sản văn hóa phi vật thể Cồng Chiêng Tây Nguyên. Đông đảo du khách tới đây không khỏi ngạc nhiên trước sự khéo léo, sáng tạo của các nghệ nhân cũng như vẻ đẹp của sản phẩm đồ đồng Phước Kiều.
Nỗ lực "giữ lửa" làng nghề qua bao bể dâu, thời cuộc
Hiện nay, làng đúc đồng Phước Kiều đã trở thành một địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng. Đến với làng nghề, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những sản phẩm được chế tác tinh xảo, mà còn được tận mắt chứng kiến các công đoạn sản xuất, đúc đồng truyền thống.
Trải qua bao thăng trầm của đời người, của nghề, dù cuộc sống có những lúc bộn bề khó khăn, sản xuất bế tắc, nhưng những người con của làng vẫn tràn ngập niềm đam mê với cái nghề mà cha ông đã mất bao công sức gìn giữ.
Vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm, làng đúc đồng Phước Kiều lại tổ chức lễ cúng ông Tổ nghề, con cháu khắp nơi tề tựu về để dâng hương tưởng nhớ công ơn của bậc tiền nhân. Không riêng ở Phước Kiều, mà người dân ở các nơi khác nếu làm nghề buôn đồ đồng cũng tập trung về đây dâng hương.