Liêm chính và chuyện cơm áo gạo tiền của người làm khoa học
Sau khi vụ việc liên quan đến PGS.TS Đinh Công Hướng được báo chí phản ánh, đa số ý kiến bày tỏ sự cảm thông với ông, đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách để nhà khoa học sống được bằng chính năng lực trí tuệ của mình.
PGS.TS Đinh Công Hướng hiện là giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Ông là một nhà toán học có năng lực nghiên cứu, thành viên của Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted.
Từ năm 1997 đến tháng 2/2023, PGS.TS Đinh Công Hướng là giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Quy Nhơn. Từ tháng 3/2023, ông chuyển công tác, về làm giảng viên cơ hữu của Trường đại học Công nghiệp TP.HCM cho đến nay.
Ngày 31/10 vừa qua, PGS.TS Đinh Công Hướng bị tố bán nhiều bài nghiên cứu khoa học. Theo đó, một "báo cáo vi phạm liêm chính khoa học của PGS.TS Đinh Công Hướng" đã được gửi đến Ban điều hành Quỹ Nafosted, Hội đồng ngành toán của Quỹ Nafosted và các cơ quan khác.
Theo thông tin tố cáo, một loạt bài báo khoa học của tác giả Đinh Công Hướng đăng trên các tạp chí từ năm 2020 đến năm 2022 đều ghi địa chỉ Trường đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) mà không phải là Trường đại học Quy Nhơn, nơi ông Hướng đang công tác.
Thông tin tố cáo cho rằng, đó là hành vi vi phạm liêm chính khoa học: "Trường hợp này tại sao lại được đưa vào hội đồng xét duyệt đề tài Nafosted. Việc xét duyệt như thế có nhằm cổ súy cho việc mua bán bài của các trường đại học hay không?”
Chuyện PGS.TS Đinh Công Hướng “bán bài nghiên cứu khoa học” – thực chất là bán chất xám của mình – làm dấy lên những ý kiến trái chiều trong dư luận.
Ông Hướng cho biết, khi còn là giảng viên cơ hữu của Trường ĐH Quy Nhơn, ông có 69 bài báo thuộc ISI/Scopus, trong đó có 15 bài đứng tên ĐH Tôn Đức Thắng và 6 bài đứng tên ĐH Thủ Dầu Một. Ông Hướng đã ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với hai trường trên bởi các lý do: Trường đại học Quy Nhơn không có quy định giảng viên cơ hữu không được ký hợp đồng nghiên cứu khoa học với trường khác, chỉ yêu cầu giảng viên hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của trường. Bản thân ông liên tục trong nhiều năm liền thừa giờ nghiên cứu khoa học theo quy định của trường.
PGS.TS Hướng sau khi hoàn thành vượt mức nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu mà cơ quan giao, đã cho ra một loạt những bài báo khoa học được đánh giá cao trong khi chỉ sử dụng mỗi cái laptop và chất xám của mình. Ông chia sẻ: “Để viết được một bài nghiên cứu rất khó, rất khổ, phải đổ nhiều công sức, trải qua nhiều công đoạn. Đi cùng đó cũng là cảm xúc rất sung sướng, hạnh phúc, giống như mình nhìn đứa con mình vậy”.
Nhưng ông Hướng nghiên cứu khoa học không chỉ vì nhiệt huyết và đam mê. Tâm sự sau đây của ông thật đáng suy ngẫm: “Để kiếm tiền, cải thiện kinh tế tôi cũng chỉ biết lấy từ năng lực, chất xám của mình. Tôi dùng chất xám của mình để kiếm thêm thu nhập, tạo dựng cuộc sống”.
Đó là bi kịch với không chỉ riêng ông Hướng. Không ít nhà khoa học chân chính, thành đạt bằng chính năng lực, trí tuệ của mình trong sự nghiệp phải đối mặt với gánh nặng cơm áo gạo tiền hằng ngày.
Ở thời điểm PGS.TS phải kiếm thêm thu nhập bằng chất xám của mình thì mức lương của một giảng viên Đại học cao cấp (hạng I) hệ số lương thấp nhất 6,20 là 9.238.000đ, hệ số lương cao nhất 8,00 là 11.920.000đ. Với mức lương đó thật khó để nhà khoa học yên tâm giành hết công sức, trí tuệ, tâm huyết cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo.
Hành vi bán chất xám của PGS.TS Đinh Công Hướng có vi phạm liêm chính khoa học không? Câu hỏi đó có nhiều đáp án nếu soi từ nhiều lăng kính khác nhau.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, hiện chưa có một quy định, văn bản nào về việc công tác ở trường này và hợp tác với trường khác để đưa vào công tác quản lý. Liêm chính học thuật là vấn đề tương đối mới, mặt khác sáng tạo khoa học không thể hành chính hoá, chủ yếu quản lý làm sao đừng vi phạm pháp luật, tự do quá trớn, ảnh hưởng liêm chính khoa học cũng như vi phạm quản lý.
Điều 20 Nghị định 109/2022/NĐ-CP về “Liêm chính học thuật trong cơ sở giáo dục đại học” không có nội dung nào đề cập hành vi mua bán chất xám thông qua các bài báo khoa học.
Sau khi vụ việc liên quan đến PGS.TS Đinh Công Hướng được báo chí phản ánh, đa số ý kiến bày tỏ sự cảm thông với ông, đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách để nhà khoa học sống được bằng chính năng lực trí tuệ của mình.
Xin dẫn một vài ý kiến độc giả trên các báo để thay cho lời kết bài viết này:
"Nếu Trường đại học Quy Nhơn không cấm và thầy đã hoàn thành nhiệm vụ với trường rồi thì tôi nghĩ việc này cũng giống như giáo viên dạy thỉnh giảng. Ngoài giờ thì giáo viên có quyền làm thêm. Việc này là chính đáng, chả có gì là liêm chính với không liêm chính cả. Có sai hay không là đơn vị mua sản phẩm của thầy để làm gì, mục đích gì...".
"Ở đây thầy bán các sản phẩm của chính mình, không làm gì hại cho dân cho nước cả. Nếu như các sản phẩm của thầy được trả công xứng đáng để thầy có thể nuôi sống bản thân và gia đình thì có lẽ đã không có việc bán bài nghiên cứu. Thế mới thấy cơ chế, chính sách hiện nay chưa thể nuôi sống và khó giữ chân các nhà khoa học tài năng."
“Rất thông cảm với ông Đinh Công Hướng. Nhà nghiên cứu khoa học cũng như bất kỳ ai khác cần có gì trong bụng mới có thể làm việc được…”.
Nguyễn Duy Xuân