Lộ diện ông lớn ngành thép ‘đồng cam cộng khổ, có sống cùng sống, chết cùng chết’ với Xây dựng Hòa Bình (HBC)

03-05-2024 12:07|Hải Băng

Thép SMC đồng ý chuyển đổi nợ lấy cổ phiếu HBC cao hơn giá trị trường dù bản thân cũng đang trong giai đoạn “rất khó khăn”. Tuy nhiên, đây là phương án khả thi, nếu không doanh nghiệp buộc phải trích lập dự phòng khoản nợ trên.

Mới đây, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) đã thông qua phương án phát hành 74 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp để hoán đổi nợ với các nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất của công ty. Theo đó, 10.000 đồng nợ sẽ đổi được 1 cổ phiếu HBC và bị giới hạn chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Nếu thành thành công, Xây dựng Hòa Bình sẽ xóa được khoản nợ 740 tỷ đồng từ các đối tác. Trên thị trường ngày 3/5, giá cổ phiếu HBC đang giao dịch quanh 7.700 đồng/cp và giá trị sổ sách hơn 500 đồng/cp. Như vậy các đối tác của Hòa Bình sẵn sàng hoán đổi nợ lấy cổ phiếu cao hơn 30% so với giá thị trường và nhiều lần giá trị sổ sách.

Tính đến ngày 18/4, Hòa Bình thông báo đã có trên 99 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý ký biên bản thỏa thuận hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu HBC, đạt giá trị lên đến trên 660 tỷ đồng.

Chủ tịch Lê Viết Hải ví những đối tác trên như những người bạn trung thành có niềm tin tuyệt đối dành cho Hòa Bình, sẵn sàng đồng cam cộng khổ, sống thì cùng sống, chết sẽ cùng chết.

Lộ diện ông lớn ngành thép ‘đồng cam cộng khổ, có sống cùng sống, chết cùng chết’ với Xây dựng Hòa Bình (HBC)
Thép SMC đồng ý cho Xây dựng Hòa Bình hoán đổi nợ bằng cổ phiếu

Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên mới diễn ra, bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi - Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) tiết lộ về khoản nợ 105 tỷ đồng với HBC, thép SMC đã ký văn bản thỏa thuận về việc hoán đổi công nợ sang cổ phiếu. Cụ thể, SMC dự kiến nhận hơn 10 triệu cổ phiếu HBC với giá chuyển đổi 10.000 đồng/cp. Như vậy, trong 99 đối tác, một mình thép SMC đã chiếm 16% số nợ.

Được biết, đây cũng là phương án khả thi với SMC, nếu không doanh nghiệp buộc phải trích lập dự phòng nợ khó đòi trên báo cáo tài chính với khoản nợ trên, ảnh hưởng đến quy mô tài sản và nguồn vốn.

Về SMC, bản thân doanh nghiệp cũng đang trong giai đoạn “rất khó khăn” khi lỗ ròng năm 2022 là 651,8 tỷ đồng và lỗ năm 2023 là 925,3 tỷ đồng.

Kết thúc quý I/2024, SMC lãi ròng 179,4 tỷ đồng nhưng được đóng góp chủ yếu là do bán bớt các khoản đầu tư, đặc biệt là khoản đầu tư cổ phiếu NKG từ nhiều năm trước, mang về khoản lãi 215 tỷ đồng.

Trong quý II/2024, SMC dự kiến tiếp chuyển nhượng tòa nhà văn phòng tại Điện Biên Phủ, với giá chuyển nhượng là 170 tỷ đồng, sau khi trừ đi các khoản chi phí, SMC dự kiến lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng từ thương vụ này.

Tại thời điểm ngày 31/3, vốn chủ sở hữu của SMC là 977,2 tỷ đồng, trong khi đó, nợ phải trả là 4.492,4 tỷ đồng (nợ vay là 2.724,4 tỷ đồng). Vay nợ lớn nhưng SMC phải tài trợ cho dòng tiền “khó về” với 1.309,4 tỷ đồng nợ xấu, trong đó, hơn 700 tỷ đồng đến từ nhóm Novaland dù đã quyết liệt đòi nợ.

>> Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình khẳng định: 'Giá trị cổ phiếu HBC phải trên 26.000 đồng'

Lại nóng vấn đề M&A mùa ĐHCĐ 2024: Người muốn M&A quỹ đất, người hỏi 'M&A để làm gì?'

Thủ tướng: Khẩn trương hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lo-dien-ong-lon-nganh-thep-dong-cam-cong-kho-co-song-cung-song-chet-cung-chet-voi-xay-dung-hoa-binh-hbc-233338.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lộ diện ông lớn ngành thép ‘đồng cam cộng khổ, có sống cùng sống, chết cùng chết’ với Xây dựng Hòa Bình (HBC)
    POWERED BY ONECMS & INTECH