Năm 2020, dù lỗ gộp 3.600 tỷ đồng nhưng Bamboo Aiways vẫn lãi 200 tỷ đồng. Đó là do Bamboo Aiways bán rất nhiều tài sản. Từ đây nhà đầu tư đặt ra nghi vấn “làm đẹp báo cáo tài chính” khi bên mua có công ty âm vốn nửa ngàn tỷ.
Bù đắp lỗ gộp 3.604 tỷ đồng bằng bán tài sản
Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trên thế giới, rất nhiều hãng thua lỗ thảm, một vài hãng thậm chí còn phá sản. Thế nhưng, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Aiways) do ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị lại khiến giới đầu tư bất ngờ khi công bố khoản lợi nhuận tăng trưởng đáng kể.
Cụ thể, báo cáo tài chính năm 2020 của Bamboo Aiways cho thấy năm 2020, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 311 tỷ đồng, tăng 69 tỷ đồng, tương đương 28,5% so với năm 2019.
Thế nhưng, đây chưa hẳn là tín hiệu tốt vì khoản lợi nhuận này có được chủ yếu từ việc bán hàng loạt tài sản để bù đắp cho khoản lỗ gộp lên đến 3.604 tỷ đồng.
Năm 2020, do doanh thu chỉ là 4.049 tỷ đồng không đủ bù đắp được giá vốn hàng bán lên đến 7.653 tỷ đồng nên công ty gánh khoản lỗ gộp 3.604 tỷ đồng. Để bù đắp cho khoản lỗ gộp khổng lồ này, Bamboo Airways đã bán tài sản là cổ phiếu FAM và FLC Travel để thu về doanh thu hoạt động tài chính 4.647 tỷ đồng.
Công ty bị bán thua lỗ triền miên vẫn có giá cao chót vót
Doanh thu hoạt động tài chính có được nhờ hoạt động bán hàng loạt cổ phần ở công ty khác của Bamboo Aiways. Đó là cổ phiếu FAM và FLC Travel.
Công ty cổ phần FLC Travel có người đại diện là bà Hương Trần Kiều Dung. Bà Dung cũng là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. FLC Travel thành lập năm 2008 nhưng cho tới nay, công ty đang có xu hướng đi xuống rõ nét.
Trong giai đoạn 2016-2020, FLC Travel đạt “đỉnh” về doanh thu là năm 2017 với 169 tỷ đồng. Sau đó, chỉ tiêu này lần lượt giảm xuống chỉ còn 84,7 tỷ đồng, 85,7 tỷ đồng và 29,2 tỷ đồng.
Trong năm đạt “đỉnh” doanh thu, FLC Travel cũng chỉ lãi 97,8 triệu đồng. Sau đó, công ty này chìm trong thua lỗ với các khoản lỗ là 5,9 tỷ đồng, 18,9 tỷ đồng và 21,9 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của FLC Travel chỉ còn 255 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 302 tỷ đồng của năm 2017.
Có thể thấy, FLC Travel thua lỗ triền miên nhưng lại được Bamboo Aiways bán với giá khá cao, trung bình khoảng 86.000 đồng/cổ phiếu.
Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nông sản FAM dù sở hữu lượng vốn lớn nhưng kết quả lại khá u ám. Năm 2016, vốn chủ sở hữu FAM chỉ là 100 tỷ đồng nhưng tới năm 2017, thời điểm FLC sáp nhập FAM theo hình thức hoán đổi cổ phần, chỉ tiêu này vọt lên hơn 1.600 tỷ đồng.
Năm 2017, lượng vốn dồi dào nhưng FAM lại ghi nhận doanh thu “rơi tự do” từ 264 tỷ đồng xuống chỉ còn 0 đồng, lợi nhuận đạt 1,2 tỷ đồng, cải thiện so với con số thua lỗ 22,3 tỷ đồng của năm 2016.
Trong 3 năm sau đó (2018, 2019 và 2020), doanh thu cải thiện nhẹ lên 1,3 tỷ đồng, 42,4 tỷ đồng và 20,5 tỷ đồng nhưng công ty lại lỗ 10,1 tỷ đồng, 20,2 tỷ đồng và lãi 10,5 tỷ đồng.
Vì vậy, tại thời điểm cuối năm 2020, FAM không duy trì được vốn chủ sở hữu hơn 1.600 tỷ đồng mà giảm xuống 1.565 tỷ đồng.
Với bức tranh tài chính không mấy tươi sáng, FLC Travel vẫn được Bamboo Aiways bán với giá khoảng 94.000 đồng/cổ phiếu.
Bên mua âm vốn nửa ngàn tỷ đồng
Bức tranh tài chính u ám nhưng cả FAM và FLC Travel vẫn được bán với giá rất cao đã đặt ra nhiều câu hỏi cho nhà đầu tư. Và câu hỏi các lớn hơn khi bên mua được nhận diện là không phải tất cả trong số đó đều “khoẻ mạnh”. Thậm chí, có đối tác phải gánh chịu thua lỗ triền miên và âm vốn chủ sở hữu hơn nửa ngàn tỷ đồng.
Công ty TNHH Đầu tư và phát triển ACO là bên mua gây chú ý nhất. Công ty thành lập năm 2017 nhưng tới năm 2018 đã lỗ 461 tỷ đồng khi ghi nhận doanh thu 0 đồng, từ đó dẫn đến âm vốn 441 tỷ đồng. Tới năm 2019, tình trạng doanh thu 0 đồng vẫn diễn ra, ACO lỗ thêm 159 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 599 tỷ đồng.
Năm 2020, ACO đã ghi nhận doanh thu 106 tỷ đồng nhưng ACO tiếp tục lỗ thêm hơn 73 tỷ đồng. Kết quả là ACO âm vốn chủ sở hữu 673 tỷ đồng tại ngày 31/12/2020.
Bất chấp việc doanh thu thê thảm, thua lỗ nặng và âm vốn nửa ngàn tỷ đồng, ACO vẫn mạnh tay mua vào 7,9 triệu cổ phiếu FAM với giá gần 677 tỷ đồng (trung bình 85.700 đồng/cổ phiếu) và mang lại khoản lãi 499 tỷ đồng cho Bamboo Airways và 4,95 triệu cổ phiếu FLC Travel với giá gần 466 tỷ đồng (trung bình 94.140 đồng/cổ phiếu) mang về cho Bamboo Airways khoản lãi 167 tỷ đồng.
Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SIP có trụ sở tại Vĩnh Phúc do một người họ Trịnh, tên Trịnh Văn Nam là người đại diện pháp luật. SIP đã mua 7,89 triệu cổ phiếu FAM với giá gần 681 tỷ đồng (trung bình 86.312 đồng/cổ phiếu). Bên mua này mang lại 499 tỷ đồng lợi nhuận cho Bamboo Airways.
Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của SIP chỉ khoảng 100 tỷ đồng. Doanh thu công ty biến động bất thường từ 2325 tỷ đồng tới 1.099 tỷ đồng nhưng lợi nhuận vô cùng mỏng, chỉ đạt 15,1 triệu đồng, 17,4 triệu đồng và 33,6 triệu đồng.
Công ty cổ phần Rosland chi hơn 1.000 tỷ đồng mua cổ phiếu FAM và FLC Travel.
Công ty cổ phần Rosland có vốn chủ sở hữu từ năm 2019 là gần 514 tỷ đồng. Tuy nhiên doanh thu trong vài năm gần đây chỉ đạt 0 đồng. Lợi nhuận 2019 và 2020 chỉ là 1,8 tỷ đồng và 2,1 tỷ đồng.