Loài cây chỉ mọc ở Việt Nam và Trung Quốc thuộc danh sách cực kỳ nguy cấp, nghiêm cấm mọi hành vi khai thác
Đây là loài cây có mức độ tái sinh thấp từ 10-25% và quá trình phát triển chậm.
Cây Bách vàng có tên khoa học là Xanthocyparis Vietnamensis, là một loại cây quý hiếm, trăm năm mới trưởng thành. Bách vàng cao trung bình khoảng 10-15m, sinh trưởng ở độ cao khoảng 1.060-1.180m, tại những nơi có độ dốc lớn, dễ bị xói mòn và khó tiếp cận như các vách đá vôi dựng đứng.
Cây Bách vàng lần đầu tiên được phát hiện ở dãy núi Bát Đại Sơn thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Kể từ đó, tại Cao Bằng và Tuyên Quang, các quần thể phụ rất nhỏ cũng đã được tìm thấy. Sau đó, vào tháng 4/2012, một cây duy nhất đã được báo cáo từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Mulun ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Bách vàng là loài cây thân gỗ nhỏ đến trung bình. Thân cây Bách vàng tròn, thẳng, đơn chân. Vỏ cây có màu từ tím đến nâu đỏ, nhẵn và mỏng, bong thành từng dải mỏng; trên thân cây trưởng thành, vỏ cây thường có màu nâu đến nâu xám, mềm và xơ, cũng bong thành nhiều dải mỏng. Cây thường mọc cùng các loài lá kim khác, các loài thực vật hạt kín lá nhỏ,... Gỗ của loài cây này có màu vàng nâu, rất cứng, có mùi thơm và thớ gỗ mịn.
Năm 2013, Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã xếp cây Bách vàng vào danh sách các loài cây cực kỳ nguy cấp do phạm vi phân bố hẹp.
Ngoài ra, trong Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng Nguy cấp, Quý, Hiếm (Kèm theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ), Bách vàng được xếp vào nhóm IA, nghiêm cấm mọi hành vi khai thác, buôn bán, vận chuyển trái phép.
Bách vàng là loài cây thân gỗ nhỏ đến trung bình - Ảnh: Internet |
Trước đây, Bách vàng thường được người dân sử dụng để dựng nhà, làm nông cụ,...vì vậy, những cây Bách vàng lớn ở thấp hầu như đã bị đốn hạ. Bên cạnh đó, cháy rừng, nạn khai thác rừng bừa bãi, nạn buôn lậu gỗ đã khiến số lượng cây Bách vàng giảm sút. Ngoài ra, đây là loài cây có mức độ tái sinh thấp từ 10-25% và quá trình phát triển chậm nên số lượng cây ngày càng ít.
Hồi giữa năm nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang tổ chức kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn và phát hiện nhiều cơ sở đang tàng trữ gỗ hiếm trái phép. Cụ thể, 9 cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản bị phát hiện có dấu hiệu vi phạm, sử dụng gỗ không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Sau đó, Đoàn kiểm tra Chi cục Kiểm lâm đã lập biên bản kiểm tra và tạm giữ số lượng gỗ vi phạm.
Trong đó, Sa mộc dầu thuộc nhóm IA có 1,38m3; gỗ Thông đỏ nhóm IIA có 0,170m3; gỗ Bách vàng thuộc nhóm IA có 0,037m3.
Trước thực trạng này, tỉnh Hà Giang nói riêng và các địa phương trên cả nước cần tăng cường bảo vệ những loài cây quý hiếm và có biện pháp xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ cũng như những hành vi khai thác rừng trái phép.