Logistics lên ngôi, Hải Dương muốn đầu tư cảng thủy nội địa 1.400 tỷ đồng
Hải Dương vừa xem xét đầu tư dự án trung tâm logistics, cảng thủy nội địa gần 27 ha với công suất 3 triệu tấn hàng hoá/năm.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 (lần 5) của UBND tỉnh Hải Dương, ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương đã cơ bản nhất trí với báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa Ninh Giang.
Báo cáo về chủ trương đầu tư dự án, ông Nguyễn Hải Châu, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho biết: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã đề xuất đầu tư xây dựng Trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa Ninh Giang nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, bốc xếp, lưu giữ, phân hối hàng hoá tại khu vực. Đồng thời, xây dựng đầu mối vận tải đa phương thức, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.
Dự án có quy mô gần 27 ha thuộc địa bàn xã Hồng Phúc (Ninh Giang) với công suất 3 triệu tấn hàng hoá/năm. Tổng vốn đầu tư dự án gần 1.400 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư. Nếu được chấp thuận, dự án dự kiến hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý 3/2024, khởi công xây dựng trong quý 4/2024.
Trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa Ninh Giang cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở huyện Ninh Giang và các khu vực lân cận; lưu kho, lưu bãi hàng hoá, bốc xếp, vận tải bằng đường thuỷ, đường bộ; thông quan hải quan; bảo dưỡng, sửa chữa vỏ container, phương tiện vận tải...
Cũng tại phiên họp này, UBND tỉnh Hải Dương cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo của UBND huyện Nam Sách về phương án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu công nghiệp cao An Phát 1.
Theo báo cáo của UBND huyện Nam Sách, việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu công nghiệp An Phát 1 để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp. Công ty cổ phần Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1 đề nghị nâng công suất nhà máy cấp nước sạch từ 20.000 m3/ngày đêm lên 45.000 m3/ngày đêm, nâng công suất trạm biến áp 110 Kv từ 43,85 MvA lên 130 MvA, nâng công suất trạm xử lý nước thải từ 4.100 m3/ngày đêm lên 25.000 - 28.000 m3/ngày đêm.
Đồng thời, chủ đầu tư hạ tầng đề nghị bổ sung mở lối ra vào lô đất công trình hành chính dịch vụ, lối ra vào các nhà máy đi qua dải đất cây xanh hai bên đường và hạng mục cổng chính khu công nghiệp.
Theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu công nghiệp An Phát 1 đã được phê duyệt, 3,93 ha đất hành chính với mật độ xây dựng 60%, chiều cao 5 tầng không đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở công nhân. Do đó, bố trí quỹ đất nhà ở công nhân vào khu dân cư, dịch vụ, nhà ở công nhân phía bắc khu công nghiệp An Phát.
Tập đoàn Singapore muốn xây "đường cao tốc" logistics tại Việt Nam, ăn theo siêu cảng miền Bắc
'Con tàu' chở 870 thuyền viên ra biển, mỗi ngày thu lãi hơn 5 tỷ đồng
Hà Nội sắp có trung tâm outlet đầu tiên, nằm cách sân bay lớn nhất miền Bắc khoảng 7km