Tập đoàn Singapore muốn xây "đường cao tốc" logistics tại Việt Nam, ăn theo siêu cảng miền Bắc
Chúng tôi mong muốn kết hợp mạnh mẽ hệ thống cơ sở hạ tầng logistics phát triển để biến nơi này thành khu vực trung chuyển với tinh thần giảm chi phí nhiều nhất có thể” - đại diện doanh nghiệp Singapore cho hay.
Ngày 16/10, tại Hà Nội, tiếp nối chuỗi hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghịgặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “Đồng hành và phát triển”.
Báo cáo tại buổi gặp mặt cho thấy trong 9 tháng năm 2023, vốn ĐTNN đăng ký đạt 20,2 tỷ USD, tăng 7,7%, trong đó số dự án mới tăng 66,3%, dự án tăng vốn tăng 21,5%. Tính lũy kế đến tháng 9/2023 đã có 144 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 38,3 nghìn dự án, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ USD.
“Hiện nay, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 400 tỷ USD. Đồng thời, VN cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho hay.
Với những kết quả tích cực nêu trên, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế và nâng hạng tín nhiệm.
Là lãnh đạo đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam, ông Ng Boon Teck chia sẻ, doanh nghiệp Singapore có rất nhiều hoài bão và kỳ vọng xây dựng một hệ thống logistics càng đơn giản, hiện đại càng tốt, kết nối hạ tầng đường xá, thông tin, kinh tế.
Theo đó, có hai sáng kiến chính đã được đẩy mạnh. Sáng kiến thứ nhất là ASLN, mạng lưới logistics thông minh của ASEAN. Đây là một cơ chế hợp tác nhằm đẩy mạnh hơn sự kết nối và hội nhập trong ASEAN. Sáng kiến thứ hai là SG Connect, dự án nền tảng của ASEAN được triển khai từ năm 2018 với mong muốn hỗ trợ phát triển thành phố thông minh trong khu vực.
Ngoài ra, quy trình lãnh đạo cũng là một trong những lĩnh vực được tập trung đẩy mạnh để thúc đẩy phát triển và tính bao trùm trong khu vực. Những chương trình cụ thể đang được triển khai, đơn cử như 2 dự án chủ đạo đã được thực hiện từ năm 2022 tại Việt Nam và Phnom Penh. Thời gian tới, chúng tôi hy vọng sẽ triển khai được nhiều dự án hơn nữa.
Ông Ng Boon Teck, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam. (Ảnh: VGP). |
Ông Ng Boon Teck cho biết, hiện Việt Nam đã có "Super port" - "siêu cảng" trong lĩnh vực logistics - trung tâm logistics lớn đặt tại Vĩnh Phúc với diện tích rất lớn, có sự kết nối với nhiều khu vực như: Hà Nội, sân bay Nội Bài, cảng Hải Phòng và các tỉnh biên giới. Theo đó, tháng 8 vừa qua, Hiệp hội đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Vĩnh Phúc để đào tạo nguồn nhân lực, chuyên gia.
“Chúng tôi mong muốn kết hợp mạnh mẽ hệ thống cơ sở hạ tầng logistics phát triển để biến nơi này thành khu vực trung chuyển với tinh thần giảm chi phí nhiều nhất có thể”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Ng Boon Teck cũng đã chia sẻ 3 lĩnh vực cụ thể để cơ quan chức năng có thể triển khai. Thứ nhất, đẩy mạnh hơn dòng chảy thương mại, hợp tác, hỗ trợ với các quốc gia láng giềng. Thứ hai, khẳng định vai trò trung tâm, trung chuyển, đẩy mạnh giao thông giữa các tỉnh biên giới và giữa Trung Quốc - ASEAN. Thứ ba, Việt Nam cần nhìn kỹ hơn, rõ hơn vào quy trình thực hiện cơ chế một cửa, để quá trình thông quan trở nên đơn giản hơn.
Về phát triển bền vững, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam đề xuất tập trung về cơ chế tài chính, cơ chế đánh thuế, nghiên cứu thành lập điểm kết nối về điện,… làm sao để môi trường "xanh hơn".
“Chúng tôi mong muốn xây dựng những "đường cao tốc" logistics, củng cố chuỗi cung ứng”, ông Ng Boon Teck phát biểu.
Loạt ông lớn hàng hải tìm đến Việt Nam, "nhắm" vào siêu cảng Cần Giờ 5,5 tỷ USD
Bình Định sắp có nhà máy sản xuất sản phẩm thời trang cao cấp 20 triệu USD đến từ Singapore
Tập đoàn hàng đầu Singapore thoái 70% vốn tại dự án Saigon Sports City 500 triệu USD