Lời gan ruột của Chủ tịch Coteccons (CTD)

20-01-2022 15:28|Đức Quân

Là một trong những cổ phiếu tăng mạnh thời gian gần đây, CTD của Coteccons kết phiên 20/1/2022 tại mức 100.600 đồng/cổ phiếu - tăng gần gấp đôi so với đáy tháng 5/2021.

Được biết, đà tăng cổ phiếu CTD diễn ra ngay sau thông báo mua vào cổ phiếu của Chủ tịch là ông Bolat Duisenow. Cùng với đó, thông tin ngoài lề liên quan đến biến động cơ cấu cổ đông cũng tác động đến giá cổ phiếu CTD.

Trong báo cáo mới đây, ông Bolat Duisenow cho biết chỉ mua 570.000 cổ phiếu/740.000 cổ phiếu đã đăng ký. Nói về điều này, Chủ tịch cho biết: "Như đã chia sẻ trong buổi đối thoại với cổ đông, tôi đã dành tất cả số tiền tiết kiệm mà tôi có và mua vào CTD để bày tỏ niềm tin với cổ đông. Tuy nhiên do tình hình giá CTD đã tăng quá cao nên tôi chưa thể mua được đủ số lượng cổ phiếu như đã đăng ký.

Thời gian tiếp theo, tôi sẽ tập trung cụ thể hóa kế hoạch, chiến lược kinh doanh và bạn hãy chờ xem các con số biết nói đó sẽ là những bằng chứng thuyết phục nhất".

Nhìn lại năm 2021, vượt qua những khó khăn, nhiều khách hàng lớn vẫn làm việc với công ty, tổng thầu bắt đầu tăng lại và đội ngũ nhân sự CTD vẫn đảm bảo yêu cầu công việc.

Thậm chí, nhiều nhân sự cũ cũng dần quay về công ty. Với những luận điểm đưa ra, ông Bolat Duisenov khẳng định, CTD đã trở lại đường đua. Riêng quý IV/2021, CTD công bố nhiều các gói thầu lớn, tổng giá trị xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.

Dù vậy, để bức tranh kinh doanh thực sự rõ nét, theo ước tính của phòng đấu thầu và phòng kiểm soát hợp đồng, thời điểm giữa năm 2022 sẽ cho những tín hiệu rõ ràng nhất về doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, đây là những tính toán theo lộ trình và không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bất khả kháng như dịch bệnh hay những biến động giá vật liệu xây dựng một cách bất thường.

Liên quan đến thông tin biến động về bộ máy lãnh đạo cấp cao cũng như nhân sự CTD, đại diện tiếp tục khẳng định bộ máy lãnh đạo cấp cao CTD đến nay có thể nói luôn ổn định. Công ty hiện có 2 Phó Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Ngọc Lân và Phạm Quân Lực – thành viên gắn bó và làm việc ở công ty từ những ngày đầu thành lập cho tới nay cũng đã 16 - 17 năm.

Ngoài ra, với vị trí Giám đốc dự án, CTD ghi nhận có 21 người gắn bó với công ty từ 10 - 15 năm, vị trí Chỉ huy trưởng có đến 35 người trên 10 năm.

"Với tình hình lực lượng và thiết bị của CTD bây giờ, chúng tôi có thể đáp ứng được trên 20 dự án triển khai cùng lúc. Tôi hy vọng những con số mà phòng nhân sự cung cấp phía trên đây đã cho thấy được bộ máy và năng lực thi công, triển khai các dự án của CTD đang ổn định ra sao.

Đặt kế hoạch cho năm 2022, CTD cho biết vẫn tập trung chủ yếu và xây dựng dân dụng. Riêng mảng đầu tư công công ty đã bắt đầu tham gia và xúc tiến bởi giá trị đầu tư công rất lớn từ 5 – 7 tỷ USD và cách làm việc của phía Nhà nước cũng đã cởi mở hơn nhiều. Do đó, CTD xem đây là một trong những định hướng sẽ tham gia, nhưng hướng vào các công trình mang tính trọng điểm như trung tâm dữ liệu, nhà ga sân bay, cao ốc văn phòng…

Ước tính cả năm 2021, tổng giá trị thầu của CTD đạt 25.000 tỷ đồng; công ty ghi nhận 8.500 - 9.000 tỷ doanh thu - tương đương thực hiện hơn 50% mục tiêu cả năm.

Về kế hoạch huy động vốn, ban lãnh đạo nhận định với giá trị trúng thầu tăng mạnh thời gian gần đây thì việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu để tạo ra dòng tiền linh hoạt cho những chi phí thanh quyết toán tại các công trường dự án mới là cần thiết.

Được biết, CTD đã chào bán 500 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu và có kỳ hạn 3 năm kể từ ngày phát hành với lãi suất cố định 9,5%/năm nên việc tiếp tục tăng tỷ lệ huy động vốn hay phát hành cổ phiếu sẽ được ban lãnh đạo cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021, tổng nợ Coteccons ghi nhận trên báo cáo tài chính là 4.700 tỷ đồng. Sau đợt chào bán trái phiếu kể trên, tổng nợ phải trả của nhà thầu xây dựng này tăng lên mức 5.200 tỷ đồng, tương đương 62,6% vốn chủ sở hữu.

Đáng chú ý, với việc huy động thành công 500 tỷ đồng trái phiếu kể trên, Coteccons đã ghi nhận khoản nợ vay tài chính đầu tiên kể từ khi doanh nghiệp này công bố báo cáo tài chính.

Suốt từ năm 2007 đến nay, báo cáo tài chính của công ty này chưa từng ghi nhận các khoản vay và nợ tài chính (vay ngân hàng, trái phiếu, cá nhân…). Khoản mục nợ phải trả của Coteccons chủ yếu bao gồm phải trả người bán; người mua trả tiền trước, các khoản phải trả, phải nộp khác,…

Việc nhà thầu xây dựng lớn nhất thị trường Việt Nam phát sinh khoản vay trái phiếu đầu tiên diễn ra không lâu sau khi doanh nghiệp ghi nhận một loạt biến động ở thượng tầng ban lãnh đạo.

Trong đó, sau nhiều năm không tìm được tiếng nói chung giữa ban lãnh đạo và cổ đông, ông Nguyễn Bá Dương và Nguyễn Sỹ Công đã rời ghế chủ tịch và Tổng Giám đốc Coteccons, nhường lại vị trí để ông Bolat Duisenov (đại diện nhóm cổ đông lớn Kusto) lên nắm quyền.

Hàng loạt nhân sự cấp cao của Coteccons gắn bó dưới thời ông Nguyễn Bá Dương làm Chủ tịch HĐQT cũng rời đi sau đó và nhà thầu xây dựng này phải bổ nhiệm loạt lãnh đạo mới.

Hiện tại, công ty này vẫn để trống ghế Tổng Giám đốc sau khi quyền Tổng Giám đốc Võ Thanh Liêm rời đi.

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 21/11: VNM, BSR, CTD

Xoay chuyển thế cờ đón làn sóng mới, Coteccons (CTD) mang về hàng loạt dự án triệu USD

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/loi-gan-ruot-cua-chu-tich-coteccons-ctd-121817.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lời gan ruột của Chủ tịch Coteccons (CTD)
    POWERED BY ONECMS & INTECH