Bất động sản

Lối ra nào cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP.HCM?

Anh Phương 20/08/2023 08:13

Để dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng thi công trở lại và đưa vào khai thác, UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ hai cơ chế. Trong đó có phương án uỷ thác ngân sách 1.800 tỷ đồng.

Xác định 3 khu đất thanh toán cho chủ đầu tư

Như PV đã đề cập trong bài viết “Gần xong, vì sao dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM bị tạm dừng?”, dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – Giai đoạn 1 (Chống ngập khu vực TP.HCM) bị tạm dừng gần 2 năm qua vì vướng mắc về nguồn vốn và rà soát pháp lý.

Đây là dự án do CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Công ty Trung Nam) làm chủ đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (hợp đồng BT).

Báo cáo về phương án tháo gỡ vướng mắc để dự án tái khởi động, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) kiến nghị UBND TP.HCM đề xuất Chính phủ cho phép thành phố được thực hiện cơ chế thanh toán song song bằng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng và ngân sách.

Cống Tân Thuận (Q.7), 1 trong 6 cống ngăn triều thuộc dự án Chống ngập khu vực TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Giám)

Việc thanh toán song song bằng hai hình thức này chỉ thực hiện theo tiến độ, khối lượng công trình đã hoàn thành và được cơ quan kiểm toán xác nhận.

Nếu được chấp thuận, UBND TP.HCM sẽ phối hợp với các bộ, ngành để báo cáo, giải trình các vấn đề có liên quan và đề xuất Chính phủ chấp thuận cho Thành phố thanh toán 3 khu đất cho chủ đầu tư dự án. Đó là các khu đất tại Q.7, Q.Bình Thạnh và TP.Thủ Đức.

Đối với phần vốn cần để hoàn thành dự án, Công ty Trung Nam đề nghị TP.HCM cho phép vay khoảng 1.759 tỷ đồng từ Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM (Công ty HFIC).

Quá trình thực hiện dự án Chống ngập khu vực TP.HCM, Công ty Trung Nam đã vay của Ngân hàng BIDV hàng ngàn tỷ đồng. Tính đến tháng 5/2023, dư nợ gốc và lãi quá hạn của dự án tại BIDV lên đến 6.567,5 tỷ đồng.

Theo Sở KH&ĐT TP.HCM, với tình hình hiện nay của dự án, việc thanh toán cho Công ty Trung Nam là yêu cầu cấp bách, là điều kiện tiên quyết để tháo gỡ vướng mắc, tiếp tục triển khai các công việc khác để hoàn thành công trình.

Hai phương án

Trên cơ sở báo cáo của Sở KH&ĐT, cuối tháng 7/2023, UBND TP.HCM đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vướng mắc của dự án và kiến nghị hai cơ chế giải quyết.

Cơ chế thứ nhất, TP.HCM đề xuất thanh toán cho Công ty Trung Nam theo tiến độ thi công bằng quỹ đất và bằng tiền.

Với phần thanh toán bằng tiền, Ngân hàng Nhà nước cần cho phép Ngân hàng BIDV chưa thu nợ ngay, tạo điều kiện cho chủ đầu tư hoàn thành dự án. Khi đó, TP.HCM và chủ đầu tư sẽ nghiệm thu, thanh toán phần còn lại của dự án theo hợp đồng BT đã ký.

Nhược điểm của cơ chế này là không chủ động được thời gian thực hiện, chi phí lãi vay phát sinh sẽ tăng cao do thời gian hoàn thành dự án kéo dài.

Tiến độ thi công tại hạng mục cống Tân Thuận hiện nay đã đạt 93%. (Ảnh: Hoàng Giám)

Cơ chế thứ hai, TP.HCM đề xuất Công ty HFIC sẽ nhận uỷ thác vốn ngân sách của Thành phố, sau đó cho Công ty Trung Nam vay để tiếp tục thi công dự án.

Cụ thể, UBND TP.HCM sẽ uỷ thác ngân sách khoảng 1.800 tỷ đồng cho Công ty HFIC để doanh nghiệp này cho Công ty Trung Nam vay lại.

Khi công trình được nghiệm thu, UBND TP.HCM sẽ thanh toán cho Công ty Trung Nam theo hợp đồng BT đã ký. Sau khi được thanh toán nợ từ Công ty Trung Nam, Công ty HFIC sẽ phải hoàn trả số vốn này cho ngân sách Thành phố.

Phương án này sẽ giúp UBND TP.HCM chủ động trong việc bố trí vốn ngân sách, rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, để thực hiện được thì cần phải có hướng dẫn từ Bộ Tài chính.

Rủi ro của phương án này là sau khi thi công hoàn thành, nếu công trình không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng để nghiệm thu thì khó thu hồi vốn. Đồng thời, khả năng thất thoát ngân sách Nhà nước cũng có thể xảy ra.

Cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè) hiện tiến độ thi công đạt 93%. (Ảnh: Hoàng Giám)

Qua phân tích ưu và nhược điểm của hai cơ chế, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cơ chế thứ hai do có nhiều thuận lợi hơn trong việc triển khai. Nếu chọn cơ chế này, TP.HCM cần hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan.

UBND TP.HCM đảm bảo nguồn vốn uỷ thác cho Công ty Trung Nam vay sẽ được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, sớm triển khai thi công hoàn thiện dự án để nghiệm thu, đưa công trình vào khai thác.

Từ kiến nghị của UBND TP.HCM, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành liên quan khẩn trương có ý kiến bằng văn bản gửi về để cơ quan này tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy nhanh tiến độ pháp lý siêu dự án lấn biển 8,5 tỷ USD của Vingroup tại TP. HCM

TPHCM dự kiến bảng giá đất cao nhất hơn 687 triệu đồng/m2, thay vì 810 triệu

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/loi-ra-nao-cho-du-an-chong-ngap-10-000-ty-dong-cua-tp-hcm-2178206.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lối ra nào cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP.HCM?
    POWERED BY ONECMS & INTECH