Thành phố giàu nhất Việt Nam sắp có thêm tuyến đường sắt hơn 65.000 tỷ, tốc độ khai thác lên tới 160km/h
Theo báo cáo, đây là tuyến đường sắt khổ 1.435mm, phục vụ vận chuyển cả hành khách và hàng hóa.
Theo Báo Tuổi Trẻ, báo cáo tiền khả thi mới nhất cho biết tuyến đường sắt TP. HCM - Lộc Ninh (đoạn Dĩ An - Bàu Bàng) có tổng chiều dài hơn 52,3km, trong đó khoảng 39,5km đi trên cao, phần còn lại trên mặt đất.
Cụ thể, tuyến bắt đầu từ ga An Bình, chạy về phía Bắc, song song bên trái đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đến khu vực Bình Chuẩn thì rẽ phải, hướng về phía Đông qua khu vực TP. Thủ Dầu Một cũ. Sau đó, tuyến tiếp tục chạy về phía Tây khu công nghiệp VSIP II và kết thúc tại ga Bàu Bàng.
Về thông số kỹ thuật, đây là tuyến đường sắt khổ 1.435mm, phục vụ vận chuyển cả hành khách và hàng hóa. Để tăng sức hấp dẫn, báo cáo tiền khả thi đề xuất tốc độ khai thác của tàu khách là 160km/h, còn tàu hàng đạt 120km/h.
>> Tỉnh hẹp nhất Việt Nam cần hơn 17.000 tỷ cho công tác GPMB phục vụ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 64.148 tỷ đồng, dự kiến sử dụng vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương cùng các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, ngân sách địa phương sẽ được huy động từ vốn đầu tư hạ tầng, phát hành trái phiếu và nguồn thu từ phát triển theo định hướng TOD.
Về tiến độ, tại phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm và dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực đường sắt ngày 9/7, UBND TP. HCM cho biết dự án từng được tỉnh Bình Dương cũ thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ.
Thời gian tới, thành phố sẽ nghiên cứu Luật Đường sắt (sửa đổi) năm 2025 cùng các quy định mới ban hành để đẩy nhanh quá trình đầu tư.
Theo quy hoạch, mạng lưới đường sắt quốc gia tại đầu mối TP. HCM gồm 8 tuyến.
Hiện nay, cả nước mới có tuyến TP. HCM - Hà Nội (dài 1.726km) đang khai thác; tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng đang được triển khai. Các tuyến mới dự kiến xây dựng gồm: Biên Hòa - Vũng Tàu, TP. HCM - Lộc Ninh, TP. HCM - Cần Thơ, Thủ Thiêm - Long Thành, TP. HCM - Tây Ninh, đường sắt kết nối cảng Hiệp Phước và cảng Long An.
Hiện Bộ Xây dựng đang chủ trì lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia; đồng thời thực hiện quy hoạch các tuyến và ga đường sắt khu vực đầu mối TP. HCM.
Đáng chú ý, theo thuyết minh báo cáo cuối kỳ quy hoạch do Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện, trước đây ngoài trục chính Bắc - Nam, người Pháp từng xây dựng tuyến nhánh Sài Gòn - Lộc Ninh.
Năm 1933, đoạn Bến Đồng Sổ - Lộc Ninh dài 69km bắt đầu khai thác và đến 1937 được sáp nhập vào hệ thống hỏa xa Đông Dương thành tuyến Sài Gòn - Lộc Ninh. Đoạn từ Sài Gòn đến Dĩ An đi chung với đường sắt Bắc - Nam, từ Dĩ An lên Lộc Ninh thì tách riêng.
Sau 27 năm hoạt động, tuyến này dừng khai thác vì nhiều lý do. Hiện nay, chỉ còn dấu tích nền đường, một số đoạn sạt lở và vài mố cầu cũ bị vùi lấp trong cỏ dại.
Theo quy hoạch mới, tuyến đường sắt TP. HCM - Lộc Ninh sẽ tận dụng một số đoạn nền đường cũ hoặc chạy cách khoảng 200m.
Tuyến đường này nằm trong mạng lưới đường sắt đầu mối TP. HCM, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - một khu vực phát triển năng động và đóng góp lớn cho nền kinh tế cả nước.
TP. HCM là thành phố giàu nhất Việt Nam nhờ vai trò trung tâm kinh tế, tài chính và thương mại hàng đầu cả nước. Sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, vai trò "đầu tàu kinh tế" của thành phố tiếp tục được củng cố khi quy mô của TP. HCM mới chiếm đến 1/4 GDP của cả nước.
>> Gần 1.300 hộ dân tại Hà Tĩnh chuẩn bị di dời, nhường chỗ cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Tỉnh hẹp nhất Việt Nam cần hơn 17.000 tỷ cho công tác GPMB phục vụ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Hơn 17.000 tỷ giải phóng mặt bằng dự án đường sắt tốc độ cao qua Quảng Trị