Luật Điện lực (sửa đổi) chính thức được thông qua, CTCK điểm tên các doanh nghiệp được hưởng lợi lớn
Chứng khoán Yuanta cho rằng Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ đảm bảo việc thực thi theo tiến độ Quy hoạch Điện VIII gần nhất là năm 2030.
Chiều ngày 30/11, với 439/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 91,65%), Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Đây là dự án Luật quan trọng, có tác động lớn đến nền kinh tế, đảm bảo cho các mục tiêu tăng trưởng, phát triển của đất nước cũng như an ninh năng lượng quốc gia.
Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) |
Theo báo cáo giải trình tiếp thu của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, trên cơ sở thực hiện theo đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không quy định nội dung chuyển tiếp đối với các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước và sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đã lựa chọn được chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.
Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã được rút ngắn từ 130 điều xuống còn 81 điều (giảm 49 điều so với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8); chỉ bổ sung 11 điều so với Luật Điện lực hiện hành.
Luật Điện lực (sửa đổi) đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2025.
Những doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lợi từ Luật Điện lực mới?
Chứng khoán Yuanta cho rằng Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ đảm bảo việc thực thi theo tiến độ Quy hoạch Điện VIII gần nhất là năm 2030. Do đó, các nhóm nguồn điện có tốc độ dự kiến tăng nhanh nhất là điện khí (chủ yếu điện khí LNG) và năng lượng tái tạo (chủ yếu điện gió), tiếp theo là thủy điện. Đây là 3 nhóm nguồn điện hưởng lợi nhất.
Cơ cấu nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII |
Luật Điện lực mới giúp giải quyết các nút thắt cho các dự án năng lượng tái tạo, chủ yếu điện gió và điện khí (chủ yếu LNG). Trong đó, có khung pháp lý cho năng lượng tái tạo, giúp cơ chế giá mới được triển khai vào năm 2025; chính sách phát triển và vận hành; quy định về BOT dự án; cho phép ký kết sản lượng hợp đồng tối thiểu cho LNG và điện gió ngoài khơi nhằm đảm bảo lợi nhuận ổn định.
Các doanh nghiệp hưởng lợi gồm điện khí LNG (POW, GAS), điện gió (PC1, HDG, TV2, GEX, REE, BCG, GEG, PVS).
Nhóm thủy điện sẽ có công suất lắp đặt tăng ít hơn đến năm 2030 nhưng kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhất về giá bán nhờ phê duyệt khung pháp lý cho giá bán lẻ điện hai thành phần và xu hướng tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; do giá thủy điện hiện đang thấp nhất và đã không tăng nhiều năm. Các doanh nghiệp hưởng lợi gồm: REE, HDG, DPG, TTA.
Cuối cùng, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng điện sẽ hưởng lợi khi phân cấp quyết định chủ trương đầu tư đến UBND cấp tỉnh đối với dự án lưới điện và cho phép tư nhân hóa các đường dây truyền tải từ 220kV trở xuống, điều này sẽ giúp đẩy mạnh hạ tầng điện. Các doanh nghiệp hưởng lợi gồm PC1, TV2.
>> Quốc hội sắp thông qua Luật Điện lực (sửa đổi): Động lực mới cho cổ phiếu ngành năng lượng
Khung giá phát điện cho nhà máy thủy điện năm 2024 từ 0 đến 1.110 đồng/kWh
Một doanh nghiệp thuỷ điện mạnh tay chi toàn bộ 506 tỷ tiền lãi để tạm ứng cổ tức