Tài chính Ngân hàng

Luật hoá Nghị quyết 42: Chuyên gia dự báo lợi nhuận ngân hàng sẽ bật tăng từ quý III/2026

Minh Anh 15/07/2025 14:41

Chuyên gia Lê Hoài Ân cho rằng, chỉ báo then chốt cần theo dõi là mục “thu nhập khác” – nơi ghi nhận dòng tiền từ các khoản nợ từng bị coi là mất. Nếu mục này tăng đột biến từ nửa cuối 2026, đó sẽ là tín hiệu rõ ràng nhất cho việc chính sách đã thẩm thấu vào thực tế tài chính.

Sau nhiều năm loay hoay với nợ xấu và những “vùng xám” pháp lý, ngành ngân hàng kỳ vọng luật hóa Nghị quyết 42 sẽ là cú hích thực sự để tăng tốc thu hồi nợ và làm sạch bảng cân đối. Nhưng hiệu quả có đến như kỳ vọng? Nhóm ngân hàng nào sẽ bung lãi mạnh nhất? Liệu rủi ro lạm dụng quyền thu giữ tài sản có tạo ra “sân sau” mới?

Lý giải thẳng thắn những câu hỏi này, ông Lê Hoài Ân, CFA – chuyên gia nghiên cứu chiến lược ngành ngân hàng, đã chỉ rõ loạt điểm nghẽn pháp lý, phân tích những chỉ số cần theo dõi trên báo cáo tài chính, và đặc biệt nhấn mạnh chất xúc tác mang tính quyết định cho làn sóng đầu tư mới vào ngân hàng trong thời gian tới.

Nghị quyết 42, còn được biết đến với tên gọi đầy đủ là Nghị quyết 42/2017/QH14, là một nghị quyết của Quốc hội Việt Nam về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết này đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2024, và hiện nay đang có các thảo luận về việc luật hóa các nội dung của Nghị quyết 42 để tạo hành lang pháp lý ổn định cho việc xử lý nợ xấu.
Luật hoá Nghị quyết 42: Chuyên gia dự báo lợi nhuận ngân hàng sẽ bật tăng từ quý III/2026
Ông Lê Hoài Ân, CFA, Chuyên gia nghiên cứu chiến lược ngân hàng

>>>Chuyên gia AFA Capital: Muốn tăng trưởng bền vững, cần khơi thông tín dụng bằng luật hóa nợ xấu

Trong bối cảnh nợ xấu từng lên đến hơn 10% và ngành ngân hàng gần như 'nghẹt thở’ vì pháp lý, ông đánh giá thế nào về vai trò của Nghị quyết 42 trong việc giải tỏa áp lực đó? Và tại sao luật hóa lại được xem là bước ngoặt có tính nền tảng?

Ông Lê Hoài Ân: Quay lại thời điểm gần 10 năm trước, ngành ngân hàng từng rơi vào thời kỳ khó khăn chồng chất hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu. Bất động sản đóng băng, nợ xấu dâng cao, hệ thống tín dụng đối mặt nguy cơ tắc nghẽn. Khi đó, nợ xấu toàn hệ thống lên tới hơn 10% nếu tính cả tại VAMC – một con số đáng báo động.

Nhiều người vẫn nghĩ đơn giản vay không trả thì ngân hàng siết nợ là xong. Nhưng thực tế, ngân hàng không thể hành xử như "xã hội đen". Việc xử lý tài sản đảm bảo phải theo quy trình pháp lý chặt chẽ, phải đưa ra tòa, chờ phán quyết, trải qua nhiều cấp xét xử, thậm chí mất 2 – 5 năm, chưa kể những vụ án bị “treo” vô thời hạn vì vướng tranh chấp phức tạp.

Chính trong bối cảnh đó, Nghị quyết 42 ra đời năm 2017 như một giải pháp đặc biệt để giải phóng các khoản nợ xấu khỏi ách tắc pháp lý. Trước đó, chỉ khoảng 20% khách hàng hợp tác – tức 5 người nợ xấu thì có tới 4 người “câu giờ” hoặc không hợp tác. Nghị quyết này đã tạo hành lang pháp lý cho ngân hàng chủ động hơn, đồng thời giảm tải áp lực cho hệ thống tòa án.

Nghị quyết 42 đã khơi thông 6 điểm nghẽn lớn:

Khách hàng cố tình không hợp tác trong quá trình xử lý nợ; Tài sản bảo đảm bị coi là tang vật hình sự, ngân hàng buộc phải “ngồi chờ” điều tra xong mới được xử lý; Tài sản hình thành trong tương lai (chưa có sổ đỏ, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính) không đủ điều kiện phát mãi; Tranh chấp nội bộ hoặc bên thứ ba, chữ ký không thống nhất, khiến hồ sơ kéo dài vô thời hạn; Bán nợ dưới giá thị trường bị coi là thất thoát tài sản nhà nước.

Thiếu cơ chế phối hợp liên ngành, ngân hàng muốn thu giữ tài sản nhưng công an, chính quyền địa phương từ chối hỗ trợ vì không thấy trách nhiệm của mình: Nghị quyết 42 cho phép bán theo giá thị trường, giảm trách nhiệm pháp lý cho cán bộ tín dụng, đặc biệt trong khối ngân hàng quốc doanh.

Và đến nay, việc luật hóa Nghị quyết 42 trong Luật các TCTD sửa đổi năm 2025 là một bước ngoặt, trước hết vì hiệu lực pháp lý của luật là ổn định và lâu dài, thay vì chỉ là thí điểm có thời hạn như nghị quyết.

Luật cũng bổ sung những quy định mang tính then chốt đó là thu giữ tài sản bảo đảm; Hoàn trả tài sản là tang vật vụ án hình sự; và xử lý tài sản của bên phải thi hành án đang chiếm giữ tài sản thế chấp – những vấn đề từng gây ách tắc nghiêm trọng. Cùng với đó, phạm vi áp dụng được mở rộng, thay vì chỉ giới hạn với các khoản vay phát sinh nợ xấu trước ngày 15/8/2017 như Nghị quyết 42, giờ đây luật áp dụng cho mọi khoản nợ xấu hiện hành, không bị rào cản thời điểm.

Tóm lại, Nghị quyết 42 là "mũi khoan thí điểm" giúp đục thủng bức tường nợ xấu, còn luật hóa là việc xây dựng hẳn một con đường pháp lý ổn định để ngành ngân hàng xử lý nợ triệt để và hiệu quả hơn. Đây là cú hích quan trọng giúp hệ thống tài chính nhẹ gánh, lành mạnh hóa bảng cân đối, và mở ra dư địa tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

Nghị quyết 42 từng được kỳ vọng là 'lá chắn' trong xử lý nợ xấu, nhưng sau hơn 6 năm triển khai, hiệu quả vẫn bị đánh giá là chưa tương xứng với kỳ vọng. Theo ông, vấn đề nằm ở đâu? Và liệu phiên bản luật hóa có đủ công cụ để biến cơ chế đặc thù này thành một hành lang pháp lý thực chất, chứ không chỉ là giải pháp tình huống?

Bản chất của Nghị quyết 42 là giải pháp ngắn hạn, được thiết kế để tháo gỡ từng “nút thắt” cụ thể của hệ thống tín dụng giai đoạn hậu khủng hoảng. Nhưng khi đi vào thực tế, không ít điều khoản trong nghị quyết đã bộc lộ sự “xung đột mềm” với những luật nền tảng như Bộ luật Dân sự hay Luật Thi hành án Dân sự.

Đơn cử như quyền thu giữ tài sản bảo đảm, trước đây, ngân hàng muốn xử lý tài sản phải thông qua tòa án, rất mất thời gian và phức tạp. Nghị quyết 42 cho phép thu giữ nếu có thỏa thuận trong hợp đồng, miễn tài sản đó không vướng kê biên, thi hành án hoặc điều tra hình sự. Nhưng cơ chế này, dù hiệu quả, lại đứng ở “lằn ranh pháp lý”, bởi chưa được đồng bộ với hệ thống luật hiện hành.

Trên thực tế, Nghị quyết 42 vận hành như một cơ chế ngoại lệ trong tình huống khẩn cấp, giúp vượt rào thủ tục để xử lý các khoản nợ bị tắc. Tuy nhiên, nó lại phụ thuộc rất lớn vào sự phối hợp của các cơ quan liên quan mà ở Việt Nam, phối hợp liên ngành thường lệ thuộc vào quan điểm cá nhân, thậm chí cả yếu tố “xin – cho”.

Ví dụ, ngân hàng được quyền xin lại tài sản bảo đảm đang nằm trong vụ án hình sự, miễn là tài sản không phục vụ điều tra. Nhưng khi nào là “không liên quan”? Không có quy chuẩn rõ ràng. Cơ quan điều tra tỉnh này có thể cho rằng tài sản đó không liên quan, nơi khác lại nghĩ ngược lại. Kết quả là việc xin – trả tài sản lại quay về phụ thuộc vào quan điểm chủ quan của từng cơ quan tố tụng.

Tương tự, Nghị quyết 42 kêu gọi UBND và công an hỗ trợ thu giữ tài sản, nhưng Luật Công an nhân dân 2018 lại không hề quy định trách nhiệm phối hợp này. Do đó, ngân hàng muốn thu giữ được tài sản, đôi khi còn phải trông vào thiện chí hoặc “mối quan hệ” với lãnh đạo công an địa phương. Đây chính là lỗ hổng khiến nhiều vụ việc rơi vào thế giằng co.

Ngay cả khi đã được luật hóa trong Luật Các TCTD sửa đổi năm 2025, hai nút thắt lớn vẫn chưa được gỡ triệt để.

Thứ nhất, sự phối hợp hành chính ở cấp địa phương còn rời rạc. UBND xã, công an phường – những nơi trực tiếp hỗ trợ ngân hàng trong xử lý tài sản, vẫn chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng buộc phải phối hợp. Nhiều nơi xử lý rất chậm hoặc né tránh trách nhiệm.

Thứ hai, sự thiếu kết nối dữ liệu giữa ngân hàng và các cơ quan tố tụng, thi hành án. Hiện không có hệ thống nào cho phép ngân hàng tra cứu xem tài sản bảo đảm có đang bị kê biên, tranh chấp, hay vướng vào vụ án hình sự không. Điều này khiến ngân hàng bị động hoàn toàn và kéo dài thời gian xử lý.

Ngay cả khái niệm vật chứng vụ án cũng chưa có hướng dẫn rõ ràng. Tài sản nào mới thực sự ảnh hưởng đến điều tra? Khi nào thì có thể hoàn trả cho ngân hàng? Tất cả vẫn là “vùng xám” phụ thuộc vào quan điểm từng điều tra viên, kiểm sát viên.

Vì vậy, dù việc luật hóa Nghị quyết 42 là bước đi cần thiết, nhưng chưa đủ. Muốn công cụ pháp lý này thực sự phát huy hiệu quả, rất cần những văn bản hướng dẫn mang tính liên ngành. Chỉ khi đó, quá trình thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm mới được thực thi nhanh chóng, minh bạch và nhất quán đúng tinh thần cải cách thể chế, giảm thiểu rủi ro nợ xấu cho toàn hệ thống tài chính.

Luật hoá Nghị quyết 42: Chuyên gia dự báo lợi nhuận ngân hàng sẽ bật tăng từ quý III/2026
Luật hóa Nghị quyết 42 là bước đi cần thiết, nhưng chưa đủ. Muốn công cụ pháp lý này thực sự phát huy hiệu quả, rất cần những văn bản hướng dẫn mang tính liên ngành.

>>>Nợ xấu nguy cơ mất vốn vọt lên 176.000 tỷ: Điều gì đang diễn ra?

Trong bối cảnh quyền lực được mở rộng, theo ông, liệu có tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng công cụ này để phục vụ lợi ích nhóm, tạo ra những ‘góc khuất’ mới dưới danh nghĩa xử lý nợ? Và làm sao để thiết kế được hành lang pháp lý đủ chặt chẽ nhưng vẫn tạo không gian linh hoạt cho ngân hàng vận hành hiệu quả?

Thực tế, ngành ngân hàng vẫn vận hành theo nguyên tắc “ba tuyến phòng vệ”. Tuyến đầu là cán bộ tín dụng, chịu trách nhiệm thẩm định, giải ngân, kiểm tra sau vay. Tuyến thứ hai là kiểm soát rủi ro tại chi nhánh. Tuyến thứ ba là tại hội sở chính. Toàn bộ quá trình này vận hành độc lập, có kiểm tra chéo, và được điều chỉnh theo khẩu vị rủi ro riêng của từng TCTD.

Nói cách khác, có trong tay công cụ mạnh hơn để xử lý nợ không đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ cho vay dễ dãi hơn, hay buông lỏng kiểm soát chất lượng tín dụng. Nếu có tình trạng “cho vay bất chấp”, thì nguyên nhân đến từ áp lực tăng trưởng dư nợ, chứ không nằm ở bản thân Nghị quyết 42 hay việc luật hóa nó.

Tuy vậy, bất kỳ công cụ nào cũng có thể bị lạm dụng nếu thiếu cơ chế giám sát đủ mạnh. Và luật hóa Nghị quyết 42 cũng không ngoại lệ.

Rủi ro lớn nhất là ở chỗ quyền xử lý tài sản bảo đảm đang nghiêng nhiều về phía ngân hàng. Trước đây, để thu giữ tài sản, ngân hàng phải xin phán quyết từ tòa án, qua thẩm định giá và đấu giá công khai. Nhưng nay, nếu đáp ứng đủ điều kiện theo luật, ngân hàng có thể chủ động thu giữ và phát mãi, không cần qua tòa, điều này mang lại hiệu quả xử lý nhanh, nhưng cũng tạo kẽ hở lớn.

Ví dụ, một tài sản có giá trị thực 30 tỷ có thể bị ngân hàng bán với giá 25 tỷ – dưới danh nghĩa thu hồi nợ, mà khách hàng không còn nhiều công cụ pháp lý để phản đối. Trong những trường hợp cá biệt, có thể xảy ra việc “gài điều khoản” ngay từ hợp đồng tín dụng, biến vi phạm nhỏ thành cái cớ để siết tài sản có giá trị cao.

Một số ngân hàng còn thông qua các công ty con chuyên xử lý nợ, gọi là AMC, mua lại nợ xấu nội bộ với giá thấp, sau đó tái cơ cấu tài sản để hưởng lợi. Việc này, nếu không minh bạch, sẽ dẫn đến nguy cơ thao túng giá trị tài sản và vi phạm quyền lợi chính đáng của khách hàng.

Chính vì thế, vai trò giám sát của Ngân hàng Nhà nước là cực kỳ quan trọng. Việc yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo đầy đủ khi xử lý nợ theo cơ chế luật hóa là bước đi cần thiết để đảm bảo công cụ pháp lý này không bị biến tướng, không tạo ra “sân sau” cho một số nhóm lợi ích, và quan trọng nhất là không làm tổn hại đến hình ảnh và uy tín của toàn ngành ngân hàng.

Tôi cho rằng, đa số TCTD đều vận hành nghiêm túc. Nhưng thực tế đã cho thấy, chỉ cần vài “con sâu” biết tận dụng kẽ hở pháp luật là đủ làm tổn thương niềm tin thị trường. Vì vậy, đi cùng với một khung pháp lý mạnh là điều tất yếu, nhưng không thể thiếu là một hàng rào giám sát chặt chẽ để bảo vệ sự minh bạch và công bằng trong hệ thống.

Việc luật hóa Nghị quyết 42 sẽ tạo lực đẩy cho toàn ngành, nhưng rõ ràng mức độ hưởng lợi sẽ khác nhau. Theo ông, đâu là nhóm ngân hàng có cơ cấu nợ xấu và tài sản bảo đảm đủ điều kiện để thụ hưởng tác động rõ rệt nhất từ chính sách này?

Nghị quyết 42 có thể xem là cơ hội chung cho tất cả ngân hàng. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi giữa các nhóm ngân hàng còn tùy thuộc vào cơ cấu tín dụng và bản chất tài sản bảo đảm.

Về lý thuyết, các ngân hàng có tỷ trọng tín dụng bán lẻ cao có thể được hưởng lợi tương đối nhiều hơn. Các khoản vay cá nhân thường được thế chấp bằng bất động sản – loại tài sản có tính thanh khoản cao và ít ràng buộc pháp lý hơn so với tài sản bảo đảm của doanh nghiệp như máy móc, hàng tồn kho, hay các dự án bất động sản. Do đó, việc thu giữ và xử lý sẽ nhanh hơn khi Nghị quyết 42 được luật hóa, đặc biệt trong bối cảnh thủ tục pháp lý được đơn giản hóa.

Bên cạnh đó, các khoản vay cá nhân thường có giá trị nhỏ, phân tán theo địa lý, khiến chi phí quản lý và xử lý nợ xấu trở nên đáng kể. Việc rút ngắn quy trình pháp lý sẽ giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí nhân sự, thời gian và nguồn lực, từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động.

Nhóm ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, VietinBank hay BIDV có đặc điểm là thường chỉ nhận bất động sản làm tài sản bảo đảm và cho vay với tỷ lệ thấp (khoảng 70% giá trị thẩm định). Do đó, chất lượng tài sản bảo đảm của họ được đánh giá là khá vững chắc. Dù nhiều khoản vay đã được trích lập dự phòng và đưa ra ngoài bảng cân đối kế toán, các khoản này vẫn tiếp tục được theo dõi và có khả năng thu hồi, nhất là khi công cụ pháp lý mới cho phép xử lý nhanh hơn. Những khoản thu này, nếu xảy ra, sẽ được ghi nhận vào "thu nhập khác", tạo ra nguồn lợi nhuận đột biến.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng quy mô nhỏ như KienlongBank, ABBank, Nam A Bank... thường có tỷ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm cao hơn, đồng thời sử dụng nhiều loại tài sản bảo đảm khác ngoài bất động sản như máy móc, nhà xưởng, hàng tồn kho – vốn có thanh khoản thấp hơn. Tuy nhiên, họ vẫn có thể được hưởng lợi từ việc luật hóa Nghị quyết 42 nhờ khả năng thu giữ tài sản nhanh hơn, rút ngắn quy trình xử lý và giảm áp lực chi phí pháp lý.

Tuy vậy, để đánh giá chính xác ngân hàng nào thực sự được hưởng lợi nhiều nhất, cần phân tích sâu vào cơ cấu nợ xấu cụ thể, tỷ lệ nợ đã xử lý nhưng đang theo dõi, và khả năng hiện thực hóa "thu nhập khác" trong các kỳ báo cáo tới.

Thực tế, ngay sau khi thông tin về Nghị quyết 42 được công bố, giá cổ phiếu nhóm ngân hàng đã tăng từ 1–3%, cao hơn mức trung bình thị trường. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức tăng đột biến, vì thị trường đã phần nào thẩm thấu kỳ vọng này trước đó. Điều nhà đầu tư cần chờ là các văn bản hướng dẫn cụ thể, xem có chi tiết nào tạo lợi thế cho từng ngân hàng trong xử lý nợ xấu không. Lúc đó, phản ứng thị trường mới có thể rõ rệt hơn.

Luật hoá Nghị quyết 42: Chuyên gia dự báo lợi nhuận ngân hàng sẽ bật tăng từ quý III/2026
Nghị quyết 42 có thể xem là cơ hội chung cho tất cả ngân hàng. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi giữa các nhóm ngân hàng còn tùy thuộc vào cơ cấu tín dụng và bản chất tài sản bảo đảm.

>>> Thống đốc NHNN: Luật hóa Nghị quyết 42 tạo thuận lợi cho xử lý nợ xấu, bảo vệ người gửi tiền

Dưới góc độ tài chính, theo ông, những chuyển động nào sẽ phản ánh rõ nhất tác động của chính sách này lên bảng cân đối kế toán và báo cáo tài chính của ngân hàng? Đâu là những chỉ số then chốt mà nhà đầu tư và thị trường nên theo dõi để ‘định lượng’ hiệu quả của Nghị quyết 42 trong thực tiễn?

Việc xử lý nợ xấu không chỉ là bài toán tài chính đơn thuần, mà là một chuỗi quy trình kế toán phức tạp, có ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ số sinh lời, năng lực vốn và hình ảnh tín nhiệm của ngân hàng.

Giả sử tổng danh mục nợ xấu của một ngân hàng là 100 tỷ đồng, có ba hướng xử lý phổ biến. Thứ nhất, thu hồi nợ trực tiếp từ khách hàng. Dù khoản vay bị phân loại là nợ xấu, nhưng không đồng nghĩa với mất trắng. Nhiều khách hàng vẫn có khả năng xoay xở từ dòng tiền các mảng kinh doanh khác, vay mượn người thân, hoặc nguồn vốn ngoài hệ thống để trả nợ. Đây là cách xử lý “mềm”, tốn ít chi phí và tránh va chạm pháp lý.

Thứ hai, xử lý tài sản bảo đảm, một phương án “cứng” nhưng hiệu quả nếu khách hàng hợp tác. Ngân hàng sẽ thu hồi nợ qua việc bán tài sản đảm bảo. Nếu số tiền thu được vượt dư nợ, phần dư sẽ trả lại khách hàng.

Thứ ba, trích lập dự phòng –phương án “chịu trận” trong trường hợp bất khả kháng. Ngân hàng phải ghi nhận chi phí dự phòng tương ứng với mức độ rủi ro. Với các khoản vay thuộc nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), mức trích lập lên đến 100%. Ví dụ khoản vay 10 tỷ, ngân hàng phải ghi lỗ toàn bộ 10 tỷ, làm giảm lợi nhuận và ảnh hưởng trực tiếp đến cổ tức, lương thưởng nhân sự và định giá doanh nghiệp.

Sau khi trích lập đủ, các khoản nợ này có thể được xuất ngoại bảng, tức đưa ra khỏi bảng cân đối kế toán. Trên sổ sách, giá trị ghi nhận là 0, nhưng ngân hàng vẫn theo dõi và hy vọng thu hồi được. Nếu bất ngờ thu hồi lại toàn bộ khoản vay, ví dụ 13 tỷ cả gốc và lãi, số tiền này được ghi nhận vào mục “thu nhập khác”, tạo ra khoản lợi nhuận đột biến. Đây là lý do vì sao lợi nhuận ngành ngân hàng có thể biến động mạnh giữa các quý.

Việc luật hóa Nghị quyết 42 có thể tạo ra bước ngoặt trong cơ chế xử lý nợ xấu. Một trong những đột phá lớn nhất là rút ngắn thời gian thu giữ tài sản bảo đảm, từ đó giảm thiểu chi phí trích lập dự phòng và cải thiện biên lợi nhuận.

Trước đây, xử lý một khoản nợ xấu nội bảng có thể mất từ 1 đến 2 năm do phải trải qua quy trình tố tụng rườm rà, đặc biệt nếu khách hàng cố tình không bàn giao tài sản. Nghị quyết 42 với cơ chế cho phép thu giữ tài sản nếu đủ điều kiện pháp lý mà không cần chờ án tòa, đã giúp rút ngắn quá trình này xuống chỉ còn 1–2 quý.

Nếu các điều kiện vĩ mô tiếp tục ổn định – từ mặt bằng lãi suất đến sức hấp thụ vốn và nhu cầu tín dụng, thì tác động của việc luật hóa Nghị quyết 42 sẽ phản ánh rõ rệt từ quý II đến quý III/2026. Đây chính là thời điểm mà các ngân hàng, sau giai đoạn chuẩn hóa quy trình nội bộ và phối hợp với chính quyền địa phương, bắt đầu bước vào chu kỳ hiện thực hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo cơ chế pháp lý mới. Kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể trở thành tâm điểm hút dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

Một chỉ báo quan trọng cần theo dõi là mục “thu nhập khác” trong báo cáo tài chính của các ngân hàng– nơi phản ánh trực tiếp dòng tiền thu về từ các khoản nợ từng bị coi là mất vốn. Nếu chỉ số này bật tăng rõ rệt, đó sẽ là minh chứng cụ thể và sống động nhất cho hiệu quả thực thi của Nghị quyết 42, không chỉ trên giấy tờ mà cả trong sức bật tài chính thực tế. Nửa sau năm 2026 vì vậy được xem là giai đoạn bản lề, nơi chính sách đi vào kiểm chứng bằng kết quả.

Từ tất cả những gì đã phân tích về chính sách, nội tại ngành và xu hướng xử lý nợ xấu, nếu phải chọn ra một ‘chất xúc tác’ then chốt có thể tạo ra khác biệt lớn cho dòng tiền đầu tư vào ngành ngân hàng trong thời gian tới, theo ông, đó sẽ là yếu tố nào?

Một nút thắt kỹ thuật quan trọng đang chờ được tháo gỡ là định nghĩa cụ thể về “tài sản bảo đảm đủ điều kiện thu giữ” – điều kiện tiên quyết để cơ chế thu giữ tài sản vận hành trên thực tế. Khi nghị định hướng dẫn được ban hành (dự kiến tháng 9/2025), sẽ thiết lập hành lang phối hợp rõ ràng giữa ngân hàng, Tòa án, Thi hành án, UBND xã, công an… giúp xử lý hiệu quả và đồng bộ trên thực địa.

Tuy nhiên, thứ làm thay đổi cục diện không chỉ là pháp lý mà chính là nền tảng dữ liệu số hóa, liên thông và minh bạch. Từ năm 2023, Chính phủ đã tiến hành số hóa dữ liệu công dân; đến 2025, làn sóng này đang mở rộng sang doanh nghiệp, bất động sản và tài sản đảm bảo. Mỗi công ty mới giờ đây không chỉ được định danh cá nhân bằng VNeID mà còn định danh tư pháp, gắn thông tin pháp lý và tài sản trực tiếp vào cơ sở dữ liệu quốc gia.

Khi đó, mọi dữ liệu liên quan đến quyền sử dụng đất, biến động tài sản, tư cách pháp lý người đại diện, tình trạng tranh chấp... đều được cập nhật tự động và kiểm chứng chéo. Đây chính là tiền đề để ngân hàng số hóa toàn bộ quy trình xử lý nợ xấu, từ định giá, niêm yết thông báo thu giữ, phối hợp cưỡng chế cho đến đấu giá, phát mãi.

Ở các ngân hàng quốc doanh, xử lý nợ ngoại bảng hiện rất chậm do lo ngại trách nhiệm pháp lý. Một quyết định sai có thể dẫn đến tổn thất không chỉ tài chính mà còn hình sự. Nhưng nếu có hệ thống số hóa minh bạch, truy vết đầy đủ, thì rủi ro pháp lý sẽ giảm đáng kể, giúp giải phóng “cục nợ ngoại bảng” trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng đang đè nặng lên bảng cân đối của toàn ngành.

Cuối cùng, khi thị trường mua bán nợ được tiếp thêm thanh khoản, gắn với cơ chế xử lý minh bạch và dữ liệu liên thông, tốc độ xử lý nợ sẽ nhanh hơn, niềm tin nhà đầu tư sẽ mạnh hơn. Khi ấy, ngân hàng không chỉ hấp dẫn nhờ lợi nhuận, mà còn nhờ năng lực kiểm soát và xoay vòng dòng vốn vượt trội – điều kiện tiên quyết để dòng tiền đầu tư quay trở lại mạnh mẽ.

Xin cám ơn những chia sẻ của ông!

>>> Xử lý nợ xấu: Vì sao ngành ngân hàng đang cần 'phao cứu sinh' từ luật hóa Nghị quyết 42?

Dòng tiền vào nhóm tài chính, khối ngoại 'săn' cổ phiếu có tỷ lệ bao phủ nợ xấu top đầu

Nợ xấu ngân hàng được 'cởi trói' nhờ Luật mới: Nhà đầu tư nên gom cổ phiếu nào nửa cuối 2025?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/luat-hoa-nghi-quyet-42-chuyen-gia-du-bao-loi-nhuan-ngan-hang-se-bat-tang-tu-quy-iii2026-296473.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Luật hoá Nghị quyết 42: Chuyên gia dự báo lợi nhuận ngân hàng sẽ bật tăng từ quý III/2026
    POWERED BY ONECMS & INTECH