Dòng tiền vào nhóm tài chính, khối ngoại 'săn' cổ phiếu có tỷ lệ bao phủ nợ xấu top đầu
Trong làn sóng phục hồi sau cú sốc chính sách, EVF nổi bật như một lựa chọn hàng đầu của dòng tiền thông minh nhờ nền tảng tài chính vững chắc, kiểm soát rủi ro tốt, định giá hấp dẫn và triển vọng lợi nhuận tăng tốc trong năm 2025.
Sau giai đoạn điều chỉnh vì cú sốc thuế quan Mỹ hồi đầu tháng 4, VN-Index đã phục hồi ấn tượng gần 380 điểm (+34,7%), kéo theo đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu tài chính, đặc biệt là ngân hàng và công ty tài chính. Nổi bật trong số này là EVF của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance, sàn HoSE), mã cổ phiếu đã tăng hơn 51% từ vùng giá 7.940 đồng lên 12.000 đồng/cp (tính đến phiên sáng 15/7), cao nhất trong vòng một năm.
Thanh khoản cũng bùng nổ: Trung bình 20 phiên gần nhất, EVF khớp lệnh hơn 12,3 triệu đơn vị/ngày; riêng phiên 15/7, hơn 17,5 triệu cổ phiếu được trao tay. Khối ngoại đóng vai trò lực cầu chính, mua ròng liên tiếp nhiều phiên, trong đó phiên 14/7 gom gần 1,9 triệu đơn vị.
EVNFinance thu hút nhà đầu tư nhờ mô hình hoạt động gần giống ngân hàng bán lẻ, danh mục sản phẩm đa dạng như cho vay tiêu dùng, tín dụng dự án, bảo lãnh và phát hành giấy tờ có giá. Dù hoạt động hiệu quả tiệm cận nhóm ngân hàng, cổ phiếu EVF hiện vẫn có mức định giá thấp.
Theo phân tích của Chứng khoán Phú Hưng (PHS), ROE của EVF đạt 10,1%, NIM cải thiện lên 3,2%, tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,79%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 134,9% – nằm trong nhóm cao nhất ngành tài chính. Doanh nghiệp cũng đẩy mạnh trích lập dự phòng, thể hiện định hướng kiểm soát rủi ro cẩn trọng.
Trong quý I/2025, EVNFinance ghi nhận lợi nhuận trước thuế 306 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ. Sau mức lợi nhuận sau thuế 580 tỷ đồng năm 2024, năm nay công ty đặt kế hoạch tăng lên 768 tỷ đồng – tương đương mức tăng gần 33%.

Không riêng EVF, toàn nhóm cổ phiếu tài chính – ngân hàng đang hút dòng tiền mạnh. Nhiều tổ chức như SSI, VND, Mirae Asset, PHS… đều khuyến nghị MUA nhóm này cho chiến lược tích sản nửa cuối năm. Dữ liệu giữa tháng 6 cho thấy nhiều cổ phiếu ngân hàng đang bị định giá thấp dù kết quả kinh doanh tích cực. Một số mã như BID, CTG, HDB được đánh giá cao nhờ tỷ suất sinh lời tốt và chất lượng tài sản vững.
Đặc biệt, thị trường đang hướng sự chú ý đến các thương vụ IPO lớn trong ngành tài chính như F88 và TCBS, hứa hẹn tạo hiệu ứng lan tỏa lên toàn nhóm ngành.
Tựu trung, trong làn sóng phục hồi sau cú sốc chính sách, EVF nổi bật như một lựa chọn hàng đầu của dòng tiền thông minh nhờ nền tảng tài chính vững chắc, kiểm soát rủi ro tốt, định giá hấp dẫn và triển vọng lợi nhuận tăng tốc trong năm 2025.
>> Lọc cổ phiếu ngành tài chính hấp dẫn cho nửa cuối năm 2025
Kỳ vọng câu chuyện tháng 10, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng cổ phiếu từ đầu tháng 7?
Chứng kiến khối ngoại rót hàng nghìn tỷ vào cổ phiếu SSI, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng lên tiếng