Lý do các cụm công nghiệp ở Hà Tĩnh bị… ế
Ngành công thương Hà Tĩnh cho rằng việc thu hút đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp theo quy hoạch còn chậm, hạ tầng chưa đồng bộ, vướng thủ tục, mặt bằng khiến tỷ lệ lấp đầy các dự án thấp, thu hút đầu tư khó khăn.
Từ năm 2013,Hà Tĩnh đã chú trọng phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Theo Sở Công Thương Hà Tĩnh, qua 11 năm thực hiện các chính sách phát triển CCN, đến nay Hà Tĩnh có 21 CCN được thành lập, mở rộng với tổng diện tích hơn 540 ha, có 325 cơ sở, dự án đăng ký trong đó có 248 cơ sở, dự án đã đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình hơn 55%, với tổng vốn đăng ký hơn 8.900 tỷ đồng.
Nhiều cụm công nghiệp ở Hà Tĩnh còn vắng nhà đầu tư. Ảnh: Phạm Trường. |
Trong 21 CCN trên địa bàn, có 10 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, số còn lại được giao UBND cấp huyện. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư, phát triển các CCN theo quy hoạch trên địa bàn được đánh giá còn chậm, hạ tầng chưa đồng bộ, xuống cấp, tỷ lệ lấp đầy khó khăn, chưa được như mong muốn.
“Sở và các địa phương có cụm công nghiệp luôn đưa ra các phương án thu hút đầu tư. Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình khó khăn chung về kinh tế cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, kéo theo việc đầu tư vào CCN hạn chế”, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh cho hay.
Theo vị lãnh đạo, việc các CCN gặp khó trong thu hút dự án đầu tư có nhiều nguyên nhân như hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, thiếu điện, thiếu nước sạch hay chưa hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường để đảm bảo tiếp nhận thêm dự án; dự án đầu tư chưa thực hiện hoặc chậm thực hiện hồ sơ thủ tục, tiến độ được giao; việc giải phóng mặt bằng vướng hoặc chậm triển khai dẫn đến thiếu mặt bằng thu hút dự án thứ cấp.
Ngoài ra, Hà Tĩnh là địa phương xa các trung tâm kinh tế lớn nên việc thu hút đầu tư khó khăn hơn. Trong khi các CCN thường có vị trí chưa thuận lợi, không được hưởng các chính sách như khu công nghiệp và khu kinh tế.
Hạ tầng thiếu đồng bộ, vướng mắc mặt bằng... khiến việc đầu tư các CCN ở Hà Tĩnh còn gặp khó. Ảnh: Phạm Trường. |
"Địa phương nào cũng cần có các CCN để đảm bảo việc quy hoạch, gom các ngành nghề, cơ sở sản xuất. Điều quan trọng với các CCN là phải hoàn thiện hạ tầng và thu hút đầu tư. Đối với các nơi chậm triển khai, tỉnh và Sở Kế hoạch đầu tư sẽ có phương án thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện”, lãnh đạo Sở Công thương Hà Tĩnh thông tin.
Ngành công thương Hà Tĩnh cũng cho rằng đối với các địa bàn có quy hoạch KCN, CCN thì không chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư có tính chất công nghiệp nằm ngoài, lân cận các KCN, CCN đã quy hoạch để đảm bảo công tác xử lý, bảo vệ môi trường. Đối với các địa bàn có khoảng cách xa với các KCN, CCN thì định hướng quy hoạch các địa điểm thực hiện dự án đầu tư có tính chất công nghiệp thành vùng tập trung.
Đồng loạt khởi công 3 cụm công nghiệp tổng quy mô hàng trăm tỷ đồng tại Hà Nội
Chỉ trong 1 ngày, huyện ngoại thành Hà Nội ‘bấm nút’ khởi công tới 3 cụm công nghiệp