Nhân vật

Ly kỳ chuyện đời Đại tá tình báo có 1-0-2 Việt Nam: Là huyền thoại trong lịch sử quân sự, sĩ quan cao cấp trong Quân lực của địch

Nhật Linh 19/01/2024 - 00:27

Nhà tình báo nổi tiếng này là nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Thành Luân trong bộ phim Ván bài lật ngửa.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam không chỉ diễn ra ở ngoài mặt trận mà còn ở ngay trong lòng địch. Đó là nơi những tình báo xuất sắc nhất của quân đội ta âm thầm lập nên những chiến công.

Đặc biệt, trong lịch sử tình báo của Việt Nam, có 1 chiến sĩ tình báo được mệnh danh là điệp viên "có một không hai" khi ông đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc đến mức không bị địch phát hiện danh tính thật sự cho đến khi hi sinh.

Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo là điển hình cho 1 điệp viên có khả năng “luồn sâu, leo cao” thâm nhập vào cơ quan đầu não địch.

Huyền thoại xuất sắc trong lịch sử quân sự Việt Nam

Phạm Ngọc Thảo còn có tên gọi khác là Albert Thảo sinh ngày 14/2/1922, trong một gia đình trí thức giàu có ở Vĩnh Long, theo đạo Công giáo. Sau khi đỗ tú tài ở Sài Gòn, ông ra Hà Nội học, tốt nghiệp bằng kỹ sư công chánh năm 1942 và về làm việc tại Sài Gòn từ năm 1943. Ông tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ngay từ những ngày đầu.

Năm 1946, ông được cử đi học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây. Sau khi tốt nghiệp khóa 1 ở trường này, ông lập tức trở về miền Nam chiến đấu và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của kháng chiến: Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn phó, Trưởng phòng Mật vụ Nam bộ (chức vụ tương đương Trung đoàn trưởng).

Cũng vào năm 1946, đồng chí Lê Duẩn được Trung ương cử vào Nam làm Bí thư Xứ ủy Nam bộ. Khi quân Pháp đổ bộ vào miền Nam, giữa sự vây ráp ráo riết của địch, chính Phạm Ngọc Thảo là người trực tiếp bảo vệ, đưa ông Lê Duẩn từ Phú Yên, nơi đóng trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến miền Nam Việt Nam, về chiến trường Nam bộ để lãnh đạo kháng chiến.

Hiệp định Genève được ký kết, Phạm Ngọc Thảo được đích thân Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn chỉ định ở lại miền Nam, với nhiệm vụ chiến lược là thâm nhập vào hàng ngũ cấp cao của chính quyền Sài Gòn để “phục vụ cho mục tiêu thống nhất đất nước”.

Đại tá Phạm Ngọc Thảo khi hoạt động trong hàng ngũ của kẻ thù

Đại tá Phạm Ngọc Thảo khi hoạt động trong hàng ngũ của kẻ thù

Trong thời gian làm việc trong chế độ ngụy, Phạm Ngọc Thảo lần lượt là: Năm 1956, được phong Đại úy, Tỉnh trưởng Bảo an Vĩnh Long. Năm 1957, được đề bạt Thiếu tá, thuộc Sở Nghiên cứu chính trị-xã hội của Phủ Tổng thống (cơ quan mật vụ của ngụy do Trần Kim Tuyến phụ trách). Năm 1958, được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre).

Cuối năm 1961, do bị nghi ngờ là nội tuyến của Việt Cộng, nên địch điều đồng chí đi học nước ngoài, đến giữa năm 1962 về đảm nhiệm chức Tham vụ chuyên môn Phủ Tổng thống. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, với ý thức kỷ luật cao, đồng chí luôn thể hiện là một cán bộ tình báo mưu trí, sáng tạo, giành thế chủ động tấn công địch.

Những năm làm tỉnh trưởng, với bình phong bất lợi nhưng đồng chí đã cung cấp được nhiều tin tức, tài liệu liên quan đến các cuộc hành quân của địch trong tỉnh và quân khu, nên đã ngăn chặn và hạn chế thiệt hại do các cuộc hành quân quy mô lớn của địch gây ra.

Lợi dụng chức vụ tỉnh trưởng, đồng chí đã đẩy được một trung đoàn của Sư đoàn Bộ binh 3 của ngụy, 5 tiểu đoàn biệt động do địch đưa về đàn áp phong trào du kích Bến Tre ra khỏi tỉnh. Hoặc khi địch mở cuộc hành quân ở khu vực nào đó, đồng chí đã bí mật báo cho lực lượng ta biết để đối phó…

Đại tá Phạm Ngọc Thảo trong bộ quân phục quân đội Sài Gòn

Đại tá Phạm Ngọc Thảo trong bộ quân phục quân đội Sài Gòn

Năm 1965, không may sa vào tay địch, chúng tra tấn đồng chí rất dã man, song không hề lay chuyển được ý chí sắt đá của đồng chí. Cay cú trước khí phách hiên ngang của người cộng sản, địch đã giết hại đồng chí.

Đồng chí Phạm Ngọc Thảo là một cán bộ tình báo chiến lược, được Trung ương trực tiếp chỉ đạo đi sâu, leo cao vào những vị trí trọng yếu của địch. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng chí đã lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc.

Đồng chí đã được truy phong quân hàm Đại tá và được công nhận liệt sĩ. Xét thành tích đặc biệt xuất sắc của đồng chí trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngày 30/8/1995, đồng chí được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo nay là Bảo tàng tỉnh Bến Tre

Nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo nay là Bảo tàng tỉnh Bến Tre

Điệp viên có một không hai

Cho đến nay, những câu chuyện cũng như chi tiết về cuộc đời hoạt động tình báo của Phạm Ngọc Thảo vẫn chưa được công bố vì nhiều lý do. Ông được các nhà phân tích tình báo quốc tế gọi là “điệp viên có một không hai” vì ông không có đồng đội trực tiếp hỗ trợ, là điệp viên hoạt động đơn tuyến và chỉ chịu sự chỉ đạo về chiến lược của Trung ương.

Đáng nói, ông bị xem là đối tượng nguy hiểm và bị đe dọa tính mạng trong những cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái quân đội ngụy. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ mà không trốn chạy. Thậm chí khi bị bắt và tra tấn đến chết, ông vẫn không hề để lộ tung tích của mình.

Đến khi ông được truy phong Anh hùng LLVT nhân dân, nhiều người mới biết ông là điệp viên cộng sản. Đến thời điểm hiện tại, Phạm Ngọc Thảo vẫn được xem là 1 bí ẩn của báo chí quốc tế.

Nhân vật Nguyễn Thành Luân trong bộ phim Ván bài lật ngửa

Nhân vật Nguyễn Thành Luân trong bộ phim Ván bài lật ngửa

Nhà tình báo nổi tiếng này còn được công chúng biết đến với tư cách là nguyên mẫu của nhân vật huyền thoại Nguyễn Thành Luân trong bộ phim Ván bài lật ngửa. Ông được coi là một trong những huyền thoại xuất sắc của lịch sử quân sự Việt Nam.

>> Danh tính đại gia Việt U80 giàu "nứt vách" từng phải xây hầm giấu vàng, "ông trùm" sân golf, chi nghìn tỷ làm từ thiện được phong anh hùng châu Á

Nữ tình báo huyền thoại của Việt Nam: Từng làm dâu nhà Công tử Bạc Liêu, được quân Pháp ví như 'Thần vệ nữ phương Đông' và những chiến công hiển hách

Chân dung kỳ nhân được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là "Trưởng lão làng báo", TBT lớn tuổi và giữ chức lâu nhất làng báo Việt Nam, thọ 97 tuổi

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ly-ky-chuyen-doi-dai-ta-tinh-bao-co-1-0-2-viet-nam-la-huyen-thoai-trong-lich-su-quan-su-si-quan-cao-cap-trong-quan-luc-cua-dich-d115051.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Ly kỳ chuyện đời Đại tá tình báo có 1-0-2 Việt Nam: Là huyền thoại trong lịch sử quân sự, sĩ quan cao cấp trong Quân lực của địch
POWERED BY ONECMS & INTECH