Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã hạ nhiệt về 5,3% (giảm 100 điểm cơ bản).
NHNN phát hành tín phiếu với khối lượng lớn
Theo báo cáo mới cập nhật tại Chứng khoán SSI Research, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng tương đối ổn định trong tuần trước và NHNN linh hoạt sử dụng nghiệp vụ thị trường mở trong đó xu hướng nghiêng nhiều về hút ròng.
Cụ thể, 85 nghìn tỷ đồng ở kỳ hạn 7 ngày được phát hành trên kênh trên kênh tín phiếu theo phương thức đấu thầu lãi suất và mặt bằng lãi suất trúng thầu đã hạ nhiệt, xuống chỉ còn 4,55%/năm.
Bên cạnh đó, nghiệp vụ mua kỳ hạn vẫn tiếp tục được thực hiện với khối lượng hạn chế (8,4 nghìn tỷ đồng).
Kết tuần, tổng khối lượng hút ròng trên nghiệp vụ thị trường mở lên tới 142,4 nghìn tỷ đồng, và khối lượng trên kênh tín phiếu và cầm cố đang lưu hành lần lượt là 85 nghìn tỷ và 29,3 nghìn tỷ đồng.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã hạ nhiệt về 5,3% (giảm 100 điểm cơ bản), tính đến cuối tuần trước trong khi các kỳ hạn 1 tuần – 1 tháng giảm về 5,8-7,5% (giảm 30-70 điểm cơ bản).
Đối với lãi suất thị trường, SSI Research quan cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng đó có điều chỉnh giảm tại một số ngân hàng trong thời gian qua, mặc dù mức độ giảm không đáng kể (chỉ 50 điểm cơ bản).
Hiện tại, lãi suất huy động trong khoảng 8% đến 9,5% đối với tiền gửi thông thường, nhưng lãi suất cho vay không có nhiều thay đổi – vẫn ở mức trung bình khoảng 12%-16%/năm.
Tuần qua, các NHTM cũng đã có cuộc họp trước Hội nghị về tín dụng bất động sản (BĐS) (tổ chức bởi NHN) đã thống nhất giảm lãi suất huy động 12 tháng tối đa từ 9,5% về 8,7%/năm.
NHNN đã tổ chức Hội nghị về tín dụng bất động sản (BĐS) trong tuần trước tuy nhiên không có nhiều biện pháp hỗ trợ cụ thể được đưa ra.
Điểm đáng chú ý trong cuộc họp là một số thông tin về dư nợ tín dụng bất động sản được cung cấp, với mức tăng khá manh.
Cụ thể, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021, là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất; chiếm tỉ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, cao nhất trong 5 năm qua.
Tỷ giá USD/VND tăng giá
Trong tuần qua, các quan chức của Fed đã có những nhận định đáng chú về về chính sách tiền tệ, trong đó mức lãi suất được kỳ vọng ở 5,25% - cao hơn kỳ vọng trước đó của thị trường mặc dù họ nhấn mạnh Fed sẽ đưa ra quyết định dựa trên tình hình kinh tế chung.
Theo dữ liệu từ CME Group, xác suất Fed tăng lãi suất thêm 3 lần nữa trong năm nay (tăng thêm 75 điểm cơ bản, tức ở vùng 5,25-5,5%) đang là 38% - từ mức 6% ờ 1 tháng trước. Nhờ vậy, đồng USD đã có 1 tuần tăng giá mạnh, khi chỉ số DXY tăng 0,7% trong khi các đồng tiền chủ chốt đều mất giá so với USD như EUR -1,08%, JPY -0,13%,…
Trên thị trường trong nước, áp lực từ thị trường quốc tế và nguồn cung ngoại tệ chậm lại (yếu tố mùa vụ của kiều hối chậm dần và cán cân thương mại tháng 1 chỉ thặng dư hơn 600 triệu USD) đã khiến tỷ giá niêm yết tại các NHTM, tỷ giá chợ đen và tỷ giá liên ngân hàng bật tăng trong tuần trước.
Kết tuần, tỷ giá niêm yết từ Vietcombank tăng 125 đồng/USD, trong khi tỷ giá chợ đen tăng 65 đồng/USD. Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng tăng 0,52%, lên VND 23,580/USD.