Kiến thức

Mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới hình thành từ hơn 1 tỷ năm trước, nằm trên mảnh vỏ Trái Đất

Khả Vy 04/08/2024 14:12

Quá trình tan vỡ của siêu lục địa cổ đã tạo ra những điều kiện địa chất đặc biệt, hình thành nên mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới.

Mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới được hình thành khi siêu lục địa cổ đại Columbia tan vỡ khoảng 1,4 tỷ năm trước, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí PNAS, Live Science đưa tin hôm 1/8. Khu mỏ này nằm ở tỉnh Hamersley, Tây Australia ngày nay, trên một mảnh vỏ Trái Đất gọi là Pilbara Craton. Pilbara Craton là một trong hai mảnh vỏ Trái Đất đã biết từ niên đại Thái Cổ (2,5 - 3,8 tỷ năm trước) và chứa một số loại đá cổ nhất hành tinh. Mảnh vỏ còn lại từ niên đại Thái Cổ là Kaapvaal Craton ở phía Nam châu Phi.

Hình ảnh vệ tinh của Pilbara Craton ở Tây Australia. Ảnh: NASA/ Alamy Stock Photo

Hình ảnh vệ tinh của Pilbara Craton ở Tây Australia. Ảnh: NASA/ Alamy Stock Photo

Các nhà nghiên cứu cho biết các loại đá ở Pilbara Craton đã chứng kiến ​​sự ra đời và tan rã của một số siêu lục địa , nghĩa là chúng chứa đựng những manh mối về nguồn gốc của các mỏ khoáng sản phong phú trong khu vực. Đặc biệt, sự tan rã của siêu lục địa Columbia, tồn tại từ 1,45 - 1,7 tỷ năm trước và sự kết hợp sau đó thành lục địa Australia từ 1,1 - 1,4 tỷ năm trước, có thể giải thích cách hình thành trữ lượng quặng sắt khổng lồ ở tỉnh Hamersley.

Theo Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà địa chất học Liam Courtney-Davies từ Đại học Colorado, Boulder, hoạt động địa chất mạnh mẽ là nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành hàng tỷ tấn đá giàu sắt tại vùng Pilbara.

Tỉnh Hamersley có hơn 55 tỷ tấn quặng sắt mà các nhà địa chất từng cho rằng chúng được hình thành cách đây khoảng 2,2 tỷ năm. Nhưng dựa trên các kỹ thuật xác định niên đại trực tiếp, nghiên cứu mới phát hiện ra các mỏ thực sự có niên đại nhỏ hơn nhiều, hình thành từ 1,1 tỷ đến 1,4 tỷ năm trước.

Lõi quặng sắt 1,3 tỷ năm từ tỉnh Hamersley. Ảnh: Liam Courtney-Davies

Lõi quặng sắt 1,3 tỷ năm từ tỉnh Hamersley. Ảnh: Liam Courtney-Davies

Để xác định tuổi của mỏ quặng, nhóm nghiên cứu của Courtney-Davies đã áp dụng một phương pháp địa thời học tiên tiến. Họ tiến hành phân tích đồng vị uranium và chì trong các oxit sắt có trong các thành hệ sắt dải ở tỉnh Hamersley, từ đó xác định được niên đại chính xác của mỏ quặng. Các phép đo cho thấy quặng sắt hình thành vào cùng thời điểm siêu lục địa Columbia, còn được gọi là Nuna, đang tách ra để kéo theo sự hình thành của lục địa Australia nguyên thủy.

"Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng các mỏ này hình thành cùng với các sự kiện kiến ​​tạo lớn", đồng tác giả nghiên cứu Martin Danisik , Phó Giáo sư địa chất tại Đại học Curtin ở Australia cho biết.

Hoạt động khai thác quặng sắt ở Australia. Ảnh: Global Road Technology

Hoạt động khai thác quặng sắt ở Australia. Ảnh: Global Road Technology

Những phát hiện này có thể giúp các nhà địa chất xác định vị trí các mỏ sắt khác trong tương lai. Quặng sắt là thành phần thiết yếu trong sản xuất sắt và thép . Do đó, các công ty thăm dò tài nguyên luôn tìm kiếm các mỏ quặng sắt mới mà họ có thể khai thác.

>> Phát hiện thành phố dưới lòng đất lớn nhất thế giới chỉ mới khám phá được 3%, sức chứa 70.000 người

Khoan thăm dò ở độ sâu 2.931m, quốc gia có diện tích gấp 6 lần Việt Nam vừa 'chạm tay' tới mỏ dầu gần 400 triệu thùng

Thực hư siêu lục địa tan rã khiến kim cương đặc biệt quý trồi lên

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/mo-quang-sat-lon-nhat-the-gioi-hinh-thanh-tu-hon-1-ty-nam-truoc-nam-tren-manh-vo-trai-dat-d129523.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới hình thành từ hơn 1 tỷ năm trước, nằm trên mảnh vỏ Trái Đất
POWERED BY ONECMS & INTECH