Mời cưới qua email, mess vừa hiện đại vừa tiện lợi nhưng cô dâu nhận cái kết 'đắng'
Việc mời cưới qua email, mess ngày càng phổ biến nhưng cũng có không ít người rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.
Thời đại khoa học công nghệ phát triển, người ta có nhiều cách để giao tiếp, liên lạc như điện thoại, Messenger trên Facebook, Zalo, Email... Những tưởng đây sẽ là cách để giúp kết nối mọi người nhanh hơn nhưng lại cũng khiến một cô nàng nhận cái kết "đắng".
Theo đó, N. chuẩn bị tổ chức hôn lễ dù đang là sinh viên năm thứ 4. Thời điểm đó, dù N. mới chỉ 22 tuổi, chưa tốt nghiệp đại học nhưng ông xã hơn cô 16 tuổi, đã đến tuổi lập gia đình. Chính vì thế, cả hai quyết định kết hôn và tổ chức tiệc cưới ở quê, cách Hà Nội gần 200km.
Vì bận rộn công việc chuẩn bị ở quê, cũng có phần tâm lý chủ quan cho rằng thời đại hiện đại, việc liên lạc, trao đổi thông tin qua mạng xã hội nhanh chóng, tiện lợi nên N. đã soạn sẵn tin nhắn mời cưới. Tiếp đó, cô gửi đến hơn 50 bạn cùng lớp đại học với lý do ở xa, bận rộn không trực tiếp đưa thiệp cưới đến tận tay mọi người. Chưa kể, cô nàng còn chụp kèm ảnh một thiệp cưới không ghi tên ai và gửi chung cho cả nhóm lớp.
Có nhiều bạn rất khó chịu, không rep lại tin nhắn của N. Một số khác gửi lại tin nhắn chúc mừng cô. Khi biết đa số mọi người không sắp xếp thời gian tham gia đám cưới mình được, N. còn vô tư nhắn tin gửi số tài khoản trong tin nhắn để mọi người tiện... chuyển khoản tiền mừng cưới khiến không ít người ngao ngán.
Chưa hết, N. còn tiếp tục gửi tin nhắn mời cưới kèm thiệp mời không ghi tên người nhận trong các nhóm chat bạn bè khác, từ bạn cấp 3 đến bạn cấp 2. Cô vẫn thoải mái cho rằng đó là sự tiện lợi mà công nghệ hiện đại mang đến.
Có thể việc sử dụng chat qua các nền tảng mạng xã hội không còn là điều xa lạ với mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, những việc cần sự nghiêm túc, tôn trọng đối phương như mời cưới hoặc liên quan đến công việc nên hạn chế trao đổi, thông báo qua các ứng dụng chat này. Thậm chí, có người còn đăng một bài đăng lên mạng xã hội và gắn tên những người họ muốn mời cưới.
Điều này khiến không ít người cảm thấy không được tôn trọng và trở nên tức giận. Nếu thật sự không thể gặp bạn bè, họ hàng để mời cưới trực tiếp, hãy gọi cho họ một cuộc điện thoại, trò chuyện thân tình và bày tỏ về lời mời của mình. Tuy nhiên, đừng kỳ vọng quá nhiều hoặc đưa ra các yêu cầu cho đối phương, hãy khiến họ cảm thấy được tôn trọng và nhã ý mời cưới của bạn là thân tình.
Ở Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác, khách mời dự đám cưới thường tặng cô dâu chú rể một khoản tiền mừng với ý nghĩa chúc phúc, hỗ trợ một phần chi phí tổ chức hôn lễ hoặc thay cho món quà tặng bằng hiện vật. Thậm chí, nhiều người không thể dự đám cưới vẫn gửi tiền mừng.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cô dâu chú rể có thể đưa ra những yêu cầu vô lý, nhạy cảm như cụ thể số tiền hay gửi kèm số tài khoản cá nhân để nhận chuyển khoản tiền mừng. Điều này sẽ khiến khách mời cảm thấy khó xử.
>>Giới siêu giàu 'đổ bộ' làm đám cưới xa hoa, Đà Nẵng tận dụng phát triển mô hình du lịch cưới