Một Công viên địa chất toàn cầu của Việt Nam được UNESCO tái công nhận danh hiệu
Theo UBND tỉnh Đắk Nông thông báo ngày 1/7, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã được tái công nhận danh hiệu cho giai đoạn 2024-2027.
Quyết định này được thông qua bởi Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu tại Kỳ họp thứ 8 trong khuôn khổ Hội nghị Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu lần thứ 10, diễn ra tại Vương quốc Maroc vào năm 2023.
Công viên Địa chất Đắk Nông, được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7/2020, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ ba tại Việt Nam, sau Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang và Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng.
Trải dài trên diện tích 4.760km2, công viên bao gồm các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’long và thị xã Gia Nghĩa. Nơi đây có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10km, các miệng núi lửa, thác nước...
Lịch sử của vùng đất này bắt nguồn từ 140 triệu năm trước, khi nơi đây còn là một phần của đại dương rộng lớn. Vận động kiến tạo của lớp vỏ trái đất đã nâng khu vực này lên và xuất hiện núi lửa. Hoạt động phun trào núi lửa đã che phủ một nửa diện tích khu vực bằng các lớp dung nham bazan.
Điểm đặc biệt nhất trong khu vực Công viên Địa chất Đắk Nông là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đray Sáp – Chư R’Luh, được phát hiện từ năm 2007. Hệ thống hang động núi lửa này đã được Hiệp hội Hang động Núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về quy mô, độ dài và tính độc đáo.
Ngoài những nét đặc trưng về địa chất, Công viên địa chất Đắk Nông còn có bề dày văn hóa, lịch sử với nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài ra, nơi đây còn có các di tích cấp quốc gia đặc biệt như Đường mòn Hồ Chí Minh và những di tích cấp quốc gia khác như Ngục Đắk Mil, Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV, di tích lịch sử lưu niệm N’Trang Gưh...
Việc tái công nhận danh hiệu “Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông” không chỉ khẳng định giá trị độc đáo của công viên mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch bền vững cho khu vực.
>> Công viên địa chất toàn cầu có hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á của Việt Nam