Thị trường

Một mặt hàng Việt Nam đang 'cháy hàng' ở châu Á: Lào, Campuchia, Hàn Quốc tranh nhau nhập khẩu

Khánh Vy 19/02/2025 20:02

Tháng 1/2025 chứng kiến một bước nhảy vọt trong xuất khẩu phân bón của Việt Nam sang các thị trường lớn tại châu Á, đặc biệt là Lào, Campuchia và Hàn Quốc.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2025, Việt Nam xuất khẩu hơn 147.000 tấn phân bón, đạt tổng kim ngạch trên 60 triệu USD. Con số này giảm 18,2% về lượng và 16,7% về trị giá so với tháng 1/2024. Tuy nhiên, giá xuất khẩu trung bình vẫn tăng nhẹ, đạt 411 USD/tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm chung, thị trường Lào lại nổi lên như một điểm sáng với mức tăng trưởng ấn tượng. Việt Nam đã xuất khẩu sang Lào 4.260 tấn phân bón, trị giá 1,26 triệu USD, tăng 237% về lượng và 246% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số các thị trường nhập khẩu phân bón của Việt Nam.

Ngoài Lào, Campuchia và Hàn Quốc cũng ghi nhận mức nhập khẩu tăng trưởng đáng kể. Trong tháng 1, Campuchia nhập khẩu gần 40.000 tấn phân bón từ Việt Nam, với tổng giá trị hơn 16 triệu USD, tăng gần 6% về lượng và 1,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu trung bình sang Campuchia đạt 408 USD/tấn, giảm nhẹ 4,1%.

Hàn Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu phân bón lớn nhất của Việt Nam với hơn 54.000 tấn, trị giá hơn 20 triệu USD. Dù lượng hàng xuất sang Hàn Quốc tăng 15,4%, nhưng giá trị chỉ tăng 6,5% do giá bán bình quân giảm 7,7%, đạt 378 USD/tấn.

Trong khi đó, Malaysia cũng đang gia tăng nhập khẩu phân bón từ Việt Nam, với gần 15.000 tấn trong tháng 1, tương đương 5,5 triệu USD. Đây là thị trường có mức tăng trưởng đáng chú ý khi tăng 14% về lượng và 33% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, giá xuất khẩu sang Malaysia đạt 370 USD/tấn, tăng 17%.

Một mặt hàng Việt Nam đang 'cháy hàng' ở châu Á: Lào, Campuchia, Hàn Quốc tranh nhau nhập khẩu
Trong tháng 1/2025, Việt Nam xuất khẩu hơn 147.000 tấn phân bón. Ảnh minh họa

>> Xung đột Ukraine và Nga khiến EU ‘khó thở’: Thuế tăng, nhưng mặt hàng này của 'xứ sở bạch dương' vẫn hot

Trong năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu phân bón đạt giá trị trên 700 triệu USD – một con số ấn tượng phản ánh nhu cầu toàn cầu tăng cao. Bước sang năm 2025, thị trường phân bón Việt Nam được dự báo sẽ đạt trạng thái cân đối cung – cầu tốt hơn so với năm 2024. Tổng cung dự kiến đạt khoảng 11,5 - 12 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa vào khoảng 10 - 10,5 triệu tấn.

Theo các chuyên gia, giá phân bón trên toàn cầu có thể tăng nhẹ từ 3 - 5% trong năm 2025, do ảnh hưởng từ các yếu tố như giá nguyên liệu đầu vào, giá khí tự nhiên, lưu huỳnh và amoniac – những nguyên liệu chính để sản xuất phân bón. Biến động của thị trường năng lượng toàn cầu cũng sẽ tác động đáng kể đến giá phân bón, đặc biệt là ở các khu vực phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến ngành phân bón trong nước là việc áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% từ ngày 1/7/2025. Theo dự báo, chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp phân bón trong nước được hoàn thuế đầu vào, từ đó giảm chi phí sản xuất, cải thiện biên lợi nhuận gộp và nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Đây được xem là một lợi thế đáng kể cho các doanh nghiệp nội địa, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

>> Giá Ure tăng cao trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và nhu cầu xuất khẩu gia tăng

Thị trường phân bón biến động: Giá ure tiếp tục lập đỉnh mới

Khởi tố vợ chồng 'trùm' phân bón giả chấn động Tây Nguyên

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mot-mat-hang-viet-nam-dang-chay-hang-o-chau-a-lao-campuchia-han-quoc-tranh-nhau-nhap-khau-277297.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Một mặt hàng Việt Nam đang 'cháy hàng' ở châu Á: Lào, Campuchia, Hàn Quốc tranh nhau nhập khẩu
    POWERED BY ONECMS & INTECH