Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa thông tin, CTCP Tôn Đông Á lên kế hoạch sẽ IPO trong tháng 11/2021 gồm 12,37 triệu cổ phiếu sơ cấp và 2,98 triệu cổ phiếu thứ cấp - tương ứng 12% và 3% vốn điều lệ trước chào bán.
Nếu thành công, tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Tôn Đông Á sẽ tăng từ 102,32 triệu đơn vị lên 114,69 triệu đơn vị sau IPO; Vốn điều lệ của Tôn Đông Á tại thời điểm tháng 6/2021 là 1.000 tỷ đồng cũng sẽ được tăng lên đáng kể.
Theo dự kiến, cổ phiếu dự kiến sẽ được niêm yết trên sàn HOSE trong tháng 1/2022.
Về hoạt động của công ty, hiện Tôn Đông Á là công ty sản xuất tôn mạ lớn thứ 2 tại Việt Nam với thị phần năm 2020 là 16%, chỉ sau Tập đoàn Hoa Sen (HSG). Trong 8 tháng đầu năm 2021, công ty bán ra gần 500.000 tấn tôn, tương đương 15% thị phần. Riêng tại miền Nam – thị trường chiếm khoảng 82% -84% sản lượng tiêu thụ nội địa của Tôn Đông Á, công ty đã chiếm thị phần cao nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây.
Xét theo cơ cấu, phần lớn doanh thu Tôn Đông Á đến từ kênh nội địa với tỷ trọng trung bình 60% tổng sản lượng tiêu thụ và doanh thu và 80% lợi nhuận gộp trong 3 năm qua. Biên lợi nhuận gộp từ kênh nội địa cũng thường cao và ổn định ở mức khoảng 8% -11% trong 5 năm qua.
Về triển vọng, SSI Research ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Tôn Đông Á trong năm 2021 có thể đạt mức cao nhất trong lịch sử - lần lượt là 25.300 tỷ đồng và 1.250 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 105% và 343% so với cùng kỳ.
Tầm nhìn đến năm 2022, sản lượng tiêu thụ của công ty sẽ tăng 5% lên mức 822 nghìn tấn. Sản lượng tiêu thụ nội địa ước tính phục hồi 60% trong khi sản lượng xuất khẩu có thể giảm 22%; biên lợi nhuận gộp có thể trở về mức bình thường là 9,1% do không còn lợi thế hàng tồn kho giá rẻ và tỷ trọng doanh thu từ thị trường xuất khẩu giảm xuống; lợi nhuận sau thuế năm 2022 ước tính sẽ ổn định ở mức 1.230 tỷ đồng.
SSI Research định giá cổ phiếu Tôn Đông Á dựa trên ước tính EPS năm 2022 là 10.683 đồng, hệ số P/E mục tiêu là 7,5 lần. Theo đó, giá mục tiêu trong 1 năm đối với cổ phiếu của Tôn Đông Á là 80.000 đồng/cổ phiếu.
So với các công ty cùng ngành, Tôn Đông Á có tỷ lệ đòn bẩy tài chính thấp hơn và biên lợi nhuận thấp hơn do ít phụ thuộc vào xuất khẩu hơn và tỷ trọng đóng góp của các sản phẩm GI thấp. Tuy nhiên, biên lợi nhuận của tôn mạ kẽm và tôn mà màu thường ổn định hơn, và công ty cũng có nền tảng doanh thu mạnh từ Mỹ với yêu cầu các đơn đặt hàng chất lượng cao.
Do đó, SSI Research kỳ vọng công ty có thể có lợi nhuận ổn định hơn so với các công ty khác trong năm 2022 khi xu hướng giá thép và sản lượng xuất khẩu trở về mức bình thường từ vùng đỉnh cao trong năm 2021.
SSI cũng đưa ra một số khuyến nghị về rủi ro với giá cổ phiếu Tôn Đông Á đến từ biến động của giá HRC do đây là yếu tố chiếm khoảng 80% chi phí sản xuất. Bên cạnh đó là các biện pháp bảo hộ tại thị trường xuất khẩu như thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, hạn ngạch nhập khẩu đồng thời là áp lực cạnh tranh trong nước mạnh hơn dự kiến.