Các công ty viễn thông cần tập trung cung cấp dịch vụ 5G cho khách hàng doanh nghiệp (B2B) bên cạnh phân khúc khách hàng tiêu dùng (B2C) truyền thống.
Liên doanh viễn thông Vodafone Idea tại Ấn Độ cho biết ngành công nghiệp viễn thông toàn cầu đang phải vật lộn kiếm lợi nhuận từ 5G mặc dù tiềm năng của công nghệ này là rất lớn, đặc biệt đối với lĩnh vực doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch điều hành Gulshan Khurana của Vodafone Idea nói rằng các nhà mạng Ấn Độ, cũng như toàn ngành viễn thông thế giới, đều đang “trong cuộc đua ra mắt và tìm cách kiếm tiền từ 5G”.
“Kỷ nguyên mới với chúng ta không chỉ bao gồm B2C (khách hàng tiêu dùng), mà còn B2B (doanh nghiệp), chẳng hạn như ngành công nghiệp chế tạo, quốc phòng, khai mỏ, drone hay giáo dục”, lãnh đạo nhà mạng Vodafone Idea nói.
Đầu năm 2023, CEO nhà mạng Airtel, Gopal Vittal cũng chia sẻ rằng lĩnh vực kinh doanh này đang gặp khó khăn do thiếu ứng dụng sử dụng 5G, ví von công nghệ mới “như một siêu máy tính” nhưng không có phần mềm tương ứng.
Từ 4 đến 5 năm trở lại đây, các nhà mạng tại Ấn Độ đã mở rộng hoạt động dựa trên mạng lưới đám mây. “Nhưng giờ đây chúng ta cần có bước đi tiếp theo, không chỉ là những mạng ảo, mà cần tận dụng cả những tài nguyên mạng lưới để cung cấp những dịch vụ khác (micro-service) hay siêu tối ưu hoá”, Khurana cho biết.
Theo đó, đang có sự hội tụ giữa IT và lĩnh vực viễn thông, khi ngày càng nhiều ứng dụng nhà mạng được đặt trên trung tâm dữ liệu IT hoặc ứng dụng IT phát triển bởi nhà mạng. Ví dụ, những ông lớn công nghệ như Oracle, HPs, Dells, IBM,… đều hoạt động ở cả hai lĩnh vực này.
Vật lộn kiếm tiền từ 5G
Các chuyên gia tin rằng công nghệ 5G tiêu tốn ít năng lượng hơn sẽ giúp giảm chi phí vận hành và tiết kiệm hơn so với những công nghệ di động trước đây. Tuy nhiên, ngày càng nhiều lo ngại trong không gian nhà mạng về khả năng sinh lời của 5G.
Đầu năm 2022, Hiệp hội GSM dự đoán 5G có thể tạo ra doanh thu toàn cầu 960 tỷ USD vào năm 2030. Điều này đã thúc đẩy nhà mạng đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ.
Tháng 4/2019, Reuters đưa tin các công ty viễn thông sẽ đầu tư 275 tỷ USD cho công nghệ này tới năm 2026. Đến đầu tháng 3/2022, Bloomberg cho hay, nhiều nhà mạng lớn như AT&T, T-Mobile và Verizon đã chi hơn 100 tỷ USD để nâng cấp 5G, song lợi nhuận thu lại chưa đáng kể.
PwC nhận định các công ty viễn thông gặp khó trong việc kiếm tiền từ 5G do hiểu biết của khách hàng về công nghệ và thị trường còn hạn chế. Bên cạnh đó, bản thân nhà mạng cũng vật lộn trong việc tạo mạng lưới và chia sẻ doanh thu giữa các đối tác, bao gồm khách hàng, nhà mạng, người dùng cuối hay các yếu tố khác trong hệ sinh thái 5G.
Truy cập không dây cố định (FWA) và IoT là hai lĩnh vực tiềm năng lớn khi kết hợp với công nghệ 5G, có thể được ứng dụng trong nhiều trường hợp. Song chi phí kích hoạt các dịch vụ này và doanh thu tiềm năng vẫn còn mơ hồ với các công ty viễn thông.
FWA có thể cung cấp kết nối Internet đến khu vực nông thôn, cho phép truy cập mạng 5G tốc độ cao, song theo PwC, chi phí có thể cao hơn hàng chục lần trong khi tạo ra doanh thu ít hơn 30-40 lần so với kết nối di động thông thường.
Chi phí của dịch vụ IoT thậm chí còn khó ước tính hơn do phạm vi ứng dụng. Một số ứng dụng chỉ cần tốc độ dữ liệu thấp, trong khi các loại IoT thông minh thực hiện các tác vụ quan trọng, chẳng hạn như phẫu thuật từ xa hay quản lý dây chuyền sản xuất lại cần băng thông cao, độ trễ thấp và chúng có thể đắt gấp 70 lần so với di động truyền thống.
Báo cáo PwC vào tháng 1/2023 khảo sát 4.410 lãnh đạo điều hành viễn thông toàn cầu cho thấy, 46% CEO nói rằng hoạt động kinh doanh sẽ không hiệu quả về mặt kinh tế trong vòng 10 năm hoặc ít hơn.
(Theo Telecom, TechTarget)
SIM rác, SIM kích hoạt sẵn vẫn ngang nhiên mua bán công khai
Phó Giáo sư quê Quảng Nam sở hữu khối tài sản 13.400 tỷ đồng, điều hành 'đế chế' hơn 32.000 nhân sự