Doanh nghiệp

Trịnh Văn Quyết đưa 430 triệu cổ phiếu ROS khống lên sàn chứng khoán thế nào?

Hoàng Ngân 22/07/2024 13:44

Trịnh Văn Quyết đã huy động 4.300 tỷ đồng vốn điều lệ bằng những quy trình bất thường nhưng vẫn qua các vòng xét duyệt để đưa ROS lên sàn chứng khoán.

Sáng nay (22/7), TAND Thành phố Hà Nội mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, liên quan bị cáo Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm. Trong đó, 7 bị cáo là cựu cán bộ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Các đối tượng này bị truy tố tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".

'Muốn tạo điều kiện, muốn giúp đỡ, có thân quen' là lý do các cựu cán bộ đã giúp Trịnh Văn Quyết đưa 430 triệu cổ phiếu ROS lên sàn
Ông Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE). Ảnh: VnExpress

>> Trực tiếp: Đang xét xử Trịnh Văn Quyết

Các đối tượng bị cáo buộc biết rõ việc CTCP Xây dựng Faros (mã cổ phiếu ROS) của ông Trịnh Văn Quyết đã huy động 4.300 tỷ đồng vốn điều lệ bằng những quy trình bất thường và báo cáo tài chính có chênh lệch hàng trăm tỷ đồng nhưng không can thiệp. Khai nhận với cơ quan điều tra, các bị cáo nói do "Lo sợ công ty lớn, muốn tạo điều kiện, muốn giúp đỡ, có thân quen" nên dù biết là hành vi sai trái nhưng vẫn dung túng.

Ba giai đoạn để đưa 430 triệu cổ phiếu khống ''lên sàn''

Bước đầu, Xây dựng Faros phải đáp ứng điều kiện để đăng ký công ty đại chúng. Công ty phải báo cáo tài chính ba năm gần nhất (2014, 2015, 2016) và được một công ty kiểm toán độc lập chứng nhận. Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA) đã giúp Faros có được xác nhận kiểm toán gian dối. Đáng chú ý, CPA cũng là công ty kiểm toán xuất hiện trong vụ án lừa đảo liên quan tập đoàn Tân Hoàng Minh dẫn tới việc ông Lê Văn Dò, Tổng Giám đốc CPA giai đoạn 2021 đã bị phạt 2 năm tù treo.

Thời điểm đó, ông Lê Công Điền đang giữ chức Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng là người thẩm định hồ sơ, yêu cầu Faros giải trình 4 nội dung: quá trình tăng vốn, biến động cổ đông, báo cáo tài chính và điều lệ công ty. Nhưng Faros chỉ đưa ra giải trình về biến động cổ đông mà không nhắc tới các phần khác. Do đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục cử đoàn công tác, làm việc với CPA và lãnh đạo Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA).

Nhưng bị can Tỉnh và Tuấn (khi đó là Giám đốc CPA và kiểm toán viên) sau khi kiểm toán lại vẫn giữ nguyên ý kiến "chấp nhận toàn phần" đối với các báo cáo tài chính của Faros. Tháng 6/2016, ông Đỗ Như Tuấn - Tổng Giám đốc Faros vẫn dùng báo cáo này trình lên UBCK.

Lần này, ông Điền ký thông qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp nhận Faros là công ty đại chúng. Trong vụ án, ông Điền bị VKSND Tối cao truy tố về tội Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Ông Điền cho biết, khi nhận ra "bất thường" ông đã liên tục yêu cầu Faros giải trình nhưng bị công ty này lại nộp đơn khiếu nại, cho rằng ông gây khó khăn.

Theo cáo trạng, dù đã ký tờ trình chấp thuận cho Faros là công ty đại chúng, ông Điền và đơn vị mình phụ trách đã ít nhất 3 lần buộc Faros bổ sung, giải trình các tài liệu và có công văn "cảnh báo" với HoSE và HNSE về công ty đáng ngờ này.

Cụ thể, ông Điền gửi công văn 4298 đề nghị Faros, phải tìm công ty kiểm toán khác để kiểm toán lại, xác minh lại quá trình tăng vốn điều lệ do "không đủ cơ sở xác minh vốn thực góp".

Ông Điền cũng yêu cầu giải trình về việc quay vòng dòng tiền của để khống vốn góp của bà Trịnh Thị Minh Huế, cụ thể ông yêu cầu xác minh vì sao "tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền, ngay lập tức có lệnh chuyển tiền đi, liên tiếp 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi được thực hiện ngay trong ngày".

Ông Điền cũng gửi công văn đến Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội, là nơi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Faros trong 5 lần tăng vốn, từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, "để biết và quản lý theo thẩm quyền".

Theo cáo trạng, cấp dưới của ông Điền tại Vụ Giám sát công ty đại chúng cũng gửi công văn đến Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM và Hà Nội (HoSE và HNX) cảnh báo: Nếu Faros đăng ký niêm yết cổ phiếu, "đề nghị thẩm định hồ sơ chặt chẽ".

'Muốn tạo điều kiện, muốn giúp đỡ, có thân quen' là lý do các cựu cán bộ đã giúp Trịnh Văn Quyết đưa 430 triệu cổ phiếu ROS lên sàn
Bị can Lê Công Điền khi còn tại vị

Tiếp theo, Faros tiến hành đăng ký và lưu ký cổ phiếu tại VSD. VSD nhận thấy hồ sơ của Faros chưa đủ xác định vốn thực góp nên ra công văn chất vấn Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban chứng khoán Nhà nước (đơn vị của ông Điền), đề nghị xem xét và có ý kiến chỉ đạo. Trả lời, Vụ trưởng Điền cho hay, khi Faros tăng vốn 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, chưa phải là công ty đại chúng, không thuộc thẩm quyền quản lý xem xét của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tổng Giám đốc VSD khi đó là Dương Văn Thanh và Trưởng phòng Phạm Trung Minh bị cáo buộc "biết rõ" hồ sơ của Faros chưa đủ xác định vốn thực góp, nhưng vẫn đồng ý ban hành Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán cho công ty này, nhập 430 triệu cổ phiếu ROS nhập vào khu vực giao dịch của sàn HoSE từ ngày 24/8/2016.

Sau đó, hai bị can Thanh và Minh khai "do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận Faros là công ty đại chúng có vốn góp chủ sở hữu 4.300 tỷ đồng" nên cũng chấp nhận.

Bước cuối dùng để ROS niêm yết lên sàn HoSE thì Faros cần có vốn trên 120 tỷ đồng và trên 300 cổ đông. Thực tế công ty này lúc đó chỉ có 15 cổ đông, ông Quyết đã chỉ đạo em gái thêm danh sách cán bộ nhân viên để đạt con số 386 cổ đông.

Thời điểm này, khoản VĐL 4.300 tỷ của Faros tiếp tục bị yêu cầu giải trình theo công văn 4298 mà ông Điền yêu cầu làm rõ 5 nội dung trước đó. Faros đã thuê công ty kiểm toán ASC để tiến hành ''rửa'' báo cáo lần nữa. Phó Tổng Giám đốc ASC Trần Thị Hạnh và hai bị can của công ty kiểm toán CPA bị VKSND Tối cao truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Dù báo cáo tài chính của Faros vẫn có vấn đề, 6 thành viên Hội đồng niêm yết của HoSE vẫn chấp nhận. Chủ tịch HĐQT HoSE thời điểm đó, bị cáo Trần Đắc Sinh do có mối quan hệ quen biết với Trịnh Văn Quyết đã "nhiều lần trực tiếp chỉ đạo" 3 bị can cấp dưới "tạo điều kiện" để Faros sớm lên sàn.

Vượt qua ba giai đoạn kiểm duyệt trong 9 tháng, ngày 1/9/2016, 430 triệu cổ phiếu ROS chính thức lên sàn. HoSE trở thành phương tiện để anh em ông Quyết bán cổ phiếu khống cho hơn 30.000 nạn nhân, chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng.

Bảy cựu cán bộ bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán. Họ khai với cơ quan điều tra rằng "biết sai vẫn làm" vì muốn tạo điều kiện, giúp đỡ và có quan hệ thân quen với lãnh đạo Faros.

>> Phiên tòa sơ thẩm vụ Trịnh Văn Quyết: TAND TP Hà Nội chuẩn bị hội trường 'đón' người có liên quan

Trực tiếp: Đang xét xử Trịnh Văn Quyết

Hình ảnh dẫn giải cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và các bị cáo tới tòa

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/muon-tao-dieu-kien-muon-giup-do-co-than-quen-la-ly-do-cac-cuu-can-bo-da-giup-trinh-van-quyet-dua-430-trieu-co-phieu-ros-len-san-242724.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Trịnh Văn Quyết đưa 430 triệu cổ phiếu ROS khống lên sàn chứng khoán thế nào?
POWERED BY ONECMS & INTECH