Theo các chuyên gia, Mỹ có thể thay thế được nguồn cung dầu từ Nga nhưng chỉ trong ngắn hạn.
Ngày 8/3/2022, Chính phủ Mỹ đã chính thức ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ Nga. Với trữ lượng ước tính lên tới 35 tỷ thùng, Mỹ là một trong những quốc gia có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới và có khả năng tự chủ năng lượng. Theo nhiều chuyên gia, thế mạnh này giúp Mỹ không cần phụ thuộc vào dầu nhập khẩu từ Nga.
Bob Yawger, Giám đốc điều hành ngân hàng Mizuho Americas cho biết, hiện nay, nước Mỹ đang nhập khẩu 450 nghìn thùng dầu/ngày từ Nga, chủ yếu là các sản phẩm chưa chưng cất xong và sau đó sẽ phải qua các công đoạn xử lý ở nhà máy.
Tuy nhiên, trong khi Mỹ không nhập khẩu lượng dầu với số lượng lớn từ Nga như châu Âu, lệnh cấm lại được ban hành vào thời điểm nhạy cảm. Tỷ lệ lạm phát tháng 2/2022 của Mỹ đã lên tới 7,9% mức cao nhất trong vòng 40 năm. Việc thiếu hụt nguồn cung bổ sung từ Nga trong ngắn hạn sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát lên thị trường Mỹ.
Hiện tại Mỹ đang đàm phán với cả Venezuela và Iran với hi vọng sẽ sớm có được nguồn cung thay thế từ hai quốc gia xuất khẩu dầu mỏ này. Tuy nhiên, sẽ mất nhiều tháng trước khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ hoàn toàn và trong thời gian này Mỹ vẫn sẽ chịu sức ép lạm phát.
Điều này có thể buộc Cục dự trữ Liên bang Mỹ phải tăng lãi suất mạnh hơn và sớm hơn dự kiến khiến cho quá trình hồi phục kinh tế của nước này thêm phần khó khăn.
"Nếu mọi người phải trả thêm 4 USD một gallon họ sẽ phải nghĩ kĩ hơn trước khi mua một chiếc xe chạy xăng. Nó sẽ khiến nhu cầu ô tô trên thị trường sụp đổ", ông Bob Yawger nhận định.
Theo các chuyên gia, ngay cả khi tăng lãi suất, Mỹ vẫn có khả năng đứng trước sức ép lạm phát cao nếu không giải quyết được bài toán nguồn cung dầu thô và cần sớm có biện pháp gia tăng lượng dầu trên thị trường.