Chứng khoán

Mỹ săn lùng mỏ kim loại hiếm sau động thái siết chặt của Trung Quốc, doanh nghiệp Việt chớp cơ hội từ lệnh miễn thuế

Ánh Nguyệt 04/05/2025 08:54

Việc khan hiếm nguồn cung vonfram toàn cầu đã mở ra cơ hội lớn cho công ty khoáng sản của Tập đoàn Masan (MSN).

Giá vonfram lên cao nhất một thập kỷ

Vonfram (Tungsten) là một kim loại chuyển tiếp hiếm, không thể thiếu trong nhiều ngành công nghiệp chủ chốt như chế tạo máy và chế tạo công cụ, công nghiệp sản xuất ô tô, hàng không vũ trụ, ngành dầu khí, ngành hóa chất… nhờ đặc tính cứng, chịu nhiệt và dẫn điện tốt. Theo Discovery Alert, giá Ammonium Paratungstate (APT) - sản phẩm trung gian quan trọng của vonfram đã tăng từ 335 USD/mtu vào tháng 2 lên 355 USD/mtu vào cuối tháng 4/2025, chạm mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.

Nguyên nhân chính của đợt tăng giá này đến từ việc Trung Quốc - quốc gia chiếm hơn 80% nguồn cung vonfram toàn cầu đã siết chặt xuất khẩu khoáng sản quan trọng, bao gồm vonfram từ ngày 1/12/2024. Động thái này đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá APT lên cao. Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản - vốn đang đẩy mạnh chiến lược an ninh khoáng sản đã tăng tốc tìm kiếm nguồn cung thay thế ngoài Trung Quốc.

Sự khan hiếm nguồn cung này đã mở ra “cánh cửa vàng” cho các nhà sản xuất vonfram ngoài Trung Quốc, trong đó Việt Nam, với mỏ Núi Pháo tại Thái Nguyên, nổi lên như một điểm sáng.

Mỹ săn lùng mỏ kim loại hiếm sau động thái siết chặt của Trung Quốc, doanh nghiệp Việt chớp cơ hội từ lệnh miễn thuế quan
Việt Nam sở hữu mỏ vonfram lớn thứ 2 trên thế giới

Công ty “nhà” Masan nắm lợi thế lớn

CTCP Masan High-Tech Materials (UPCoM: MSR) - công ty con của Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) hiện sở hữu và vận hành mỏ Núi Pháo - mỏ vonfram quy mô thứ 2 thế giới và cung cấp gần 30% tổng sản lượng vonfram ngoài Trung Quốc.

Trong năm 2024, MSR đã tái khởi động hoạt động nổ mìn và khai thác quặng tại mỏ, với sản lượng tăng từ 3.000m3/ngày (tháng 3) lên 15.000m3/ngày (tháng 7), sau khi được phê duyệt thiết kế mỏ và kế hoạch nổ mìn điều chỉnh. Cùng với việc tăng công suất khai thác, MSR triển khai hàng loạt sáng kiến tối ưu hóa chi phí, giúp giảm 5% chi phí đào-bốc xúc-vận chuyển, giảm 28% chi phí khoan nổ mìn và tiết kiệm khoảng 2,4 triệu USD chi phí nhân sự.

Một dấu mốc quan trọng trong chiến lược tái cơ cấu của MSR là việc thoái vốn khỏi H.C. Starck Holding GmbH (HCS) - công ty chuyên sản xuất vonfram công nghệ cao tại châu Âu và thu về 134,5 triệu USD. Thương vụ này giúp MSR tập trung nguồn lực cho các tài sản có biên lợi nhuận cao tại Việt Nam, đồng thời củng cố dòng tiền để đối phó với biến động kinh tế toàn cầu.

Mặc dù thoái vốn HCS, MSR vẫn duy trì quan hệ hợp tác chiến lược thông qua thỏa thuận bao tiêu dài hạn sản phẩm vonfram trung gian như APT và oxit vonfram với HCS, đảm bảo nguồn doanh thu ổn định. Đồng thời, MSR và công ty mẹ Masan vẫn sở hữu cổ phần và quyền lợi tài chính trong Nyobolt – startup tại Anh đang phát triển pin sạc nhanh sử dụng vonfram và niobi tại cực dương.

Vonfram tiếp tục là mảng chủ lực của MSR, đóng góp tới 81% tổng doanh thu trong năm 2024, tương đương 11.428 tỷ đồng. Theo dự báo từ Roskill (CRU), nhu cầu vonfram toàn cầu sẽ tăng trưởng trung bình 3 - 4%/năm đến năm 2030, nhờ sự phát triển của xe điện và công nghệ quốc phòng. Trong khi đó, giá vonfram được dự báo duy trì xu hướng tăng trong trung hạn, tạo nền tảng vững chắc để MSR mở rộng sản xuất và củng cố vai trò trong chuỗi cung ứng khoáng sản chiến lược toàn cầu.

Mỹ săn lùng mỏ kim loại hiếm sau động thái siết chặt của Trung Quốc, doanh nghiệp Việt chớp cơ hội từ lệnh miễn thuế quan
Khai thác vonfram đóng góp phần lớn vào doanh thu của MSR

Đặc biệt, sau khi Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng vào tháng 4/2025, toàn bộ danh mục xuất khẩu của MSR gồm oxit vonfram, bismut và acidspar không thuộc diện chịu thuế, giúp công ty duy trì lợi thế cạnh tranh rõ rệt trên các thị trường trọng điểm.

Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra, ông Ashley McAleese, Tổng Giám đốc MSR nhấn mạnh: “Từ năm 2024, chúng tôi tập trung tối ưu hóa vận hành và tăng cường kỷ luật tài chính để đảm bảo biên lợi nhuận ổn định. Trong năm 2025, công ty sẽ triển khai đồng bộ các sáng kiến trọng điểm, từ mở rộng khai thác, tối ưu hóa tài nguyên, đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhằm xây dựng năng lực cạnh tranh dài hạn và tạo giá trị bền vững cho tất cả các bên liên quan”.

>> Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi thế giới ‘khát’ vonfram

Bầu Đức rời ghế HĐQT: HAGL Agrico 'chết lâm sàng' sau nhiều năm cố gắng cứu của một tỷ phú

Cần 5.510.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án đường sắt, đề xuất trao thêm quyền cho Thủ tướng và địa phương

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/my-san-lung-mo-kim-loai-hiem-sau-dong-thai-siet-chat-cua-trung-quoc-doanh-nghiep-viet-chop-co-hoi-tu-lenh-mien-thue-quan-288555.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mỹ săn lùng mỏ kim loại hiếm sau động thái siết chặt của Trung Quốc, doanh nghiệp Việt chớp cơ hội từ lệnh miễn thuế
    POWERED BY ONECMS & INTECH