Chứng khoán

Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Hành trình 10 năm nỗ lực không ngừng

Quốc Trung 26/09/2024 15:39

Chặng đường 10 năm nâng hạng thị trường chứng khoán là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ, hướng tới một thị trường minh bạch, ổn định và mở cửa cho dòng vốn ngoại.

cover-pc(3).jpg

Thị trường chứng khoán Việt Nam, hoạt động từ năm 2000, đã bước sang năm thứ 25 nhưng vẫn còn non trẻ so với các thị trường lớn như Mỹ (232 năm), Anh (223 năm), Nhật Bản (146 năm) hay Đài Loan (63 năm). Ngay cả trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Singapore đã có lịch sử giao dịch hơn 50 năm.

Trong quá trình phát triển, thị trường Việt Nam không ngừng mở rộng với số lượng doanh nghiệp niêm yết và vốn hóa tăng mạnh. Một trong những giải pháp then chốt mà Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tập trung trong 10 năm qua là nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.

Dù đã 6 năm kể từ khi được đưa vào danh sách theo dõi của các tổ chức quốc tế như FTSE và MSCI, Việt Nam vẫn nằm trong "danh sách chờ". Những vấn đề như nghẽn lệnh, hệ thống KRX và cơ chế pre-funding đã làm chậm tiến trình nâng hạng.

asset-5.png

Tại chương trình Insight Talk với chủ đề: "10 năm nâng hạng thị trường", ông Tô Trần Hòa - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và ông Nguyễn Khắc Hải - Giám đốc Khối Pháp chế và Kiểm soát Tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI mang đến những góc nhìn đa chiều về câu chuyện nâng hạng với dấu ấn 10 năm chuẩn bị của cơ quan quản lý và doanh nghiệp, câu chuyện của Thông tư 68, nỗi lo M&A doanh nghiệp khi dòng tiền nước ngoài đổ vào Việt Nam...

asset-18.png

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 24 năm hình thành và phát triển. Chúng ta dành 10 năm để vừa đổi mới vừa hướng đến mục tiêu nâng hạng. Đến nay, vì sao mục tiêu này này vẫn chưa thể hoàn thành?

Ông Tô Trần Hòa: Trả lời cho câu hỏi tại sao Việt Nam vẫn chưa thể nâng hạng thị trường trong một thập kỷ vừa qua, tôi cho rằng đó là sự thận trọng của cơ quan quản lý. Chúng ta không đặt mục tiêu nâng hạng nhanh bằng mọi giá bởi mục tiêu chính là phát triển thị trường chứng khoán ổn định, bền vững và minh bạch. Trong 10 năm qua, Chính phủ cũng như các bộ ngành, doanh nghiệp đã đồng lòng trong việc tìm ra các giải pháp nâng hạng, đi từng bước vững chắc và xuyên suốt.

asset-35.png

Sở dĩ chúng ta cần 10 năm chuẩn bị là để thị trường được nâng hạng bền vững, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý từng bước hoàn thiện các điều kiện cần như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng chính sách hướng tới sự minh bạch, công bằng cho các thực thể trên thị trường. Chúng ta phấn đấu đạt mục tiêu nâng hạng nhưng không để xuống hạng như trường hợp của Pakistan, sau 4 năm nâng hạng lại quay trở về vạch xuất phát. Hay như trường hợp của Argentina cũng tương tự.

asset-31.png

Việt Nam sẽ nhận được những lợi ích gì khi thị trường chứng khoán được nâng hạng?

Ông Tô Trần Hòa: Có nhiều yếu tố để kỳ vọng từ việc nâng hạng. Đầu tiên là thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đón một dòng tiền khổng lồ từ những tổ chức nước ngoài chuyên nghiệp, chất lượng. Mặt khác, việc nâng hạng cũng giúp nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; hỗ trợ một phần cho việc huy động vốn ra nước ngoài của Chính phủ. Yếu tố cuối cùng là giúp cải thiện thanh khoản; nâng cao năng lực, nhận thức và tính chuyên nghiệp của các thực thể trên thị trường trong đó có doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân.

Ông Nguyễn Khắc Hải: Dưới góc độ doanh nghiệp, nâng hạng thị trường đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ có lợi ích. Khi tổ chức nước ngoài vào, họ sẽ mang theo vốn, công nghệ, năng lực tài chính đi kèm. Đây là yếu tố các doanh nghiệp Việt Nam rất cần. Với nhóm công ty chứng khoán, khi chất lượng nhà đầu tư tăng lên, tình trạng biến động sẽ giảm đi, các chỉ số vận động bền vững giúp công ty chứng khoán gia tăng nguồn thu từ phí giao dịch hay các sản phẩm đầu tư chất lượng đáp ứng cho nhóm đầu tư trong và ngoài nước.

Nói cách khác, việc thị trường chứng khoán phát triển bền vững với dấu ấn khối ngoại sẽ giúp lợi nhuận của nhà đầu tư cá nhân bền vững hơn.

Tại sao 10 năm qua chúng ta nói về nâng hạng thị trường song đến thời điểm hiện tại mới đủ tự tin khẳng định thị trường có thể được nâng hạng? Tôi cho rằng đây là quãng thời gian chuẩn bị đủ kỹ lưỡng và có cân nhắc. Chúng ta không ngồi chơi! Từ cơ quan quản lý, các doanh nghiệp đến các thành viên thị trường đều đang từng bước đáp ứng các tiêu chí quan trọng của hai tổ chức là FTSE (hoàn thành 7/9 tiêu chí) và MSCI. Chúng ta cũng vừa mở đường để giải quyết hai tiêu chí còn lại liên quan đến ký quỹ trước giao dịch của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thông qua việc ban hành Thông tư 68. Đối với MSCI, chúng ta đã đáp ứng 8/18 tiêu chí.

Tôi cho rằng, đây là 10 năm giúp cho doanh nghiệp chuẩn bị thế và lực, giúp các hệ thống công nghệ thông tin dần bắt kịp với sự mở rộng nhanh chóng của thị trường.

asset-32.png
asset-19.png

Thông tư 68, ban hành ngày 18/9/2024, được xem là chìa khóa giải quyết hai vướng mắc cuối cùng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo tiêu chí của FTSE Russell. Ngoài vấn đề về Pre-funding mà nhiều nhà đầu tư đã biết, Thông tư này còn có điểm gì đáng chú ý?

Cụ thể, Việt Nam cho phép nhà đầu tư nước ngoài giao dịch ngay cả khi không đủ tiền mặt, thay vì thanh toán qua đối tác bù trừ trung tâm như các thị trường phát triển, với vai trò do các công ty chứng khoán đảm nhận.

asset-33.png

Ông Tô Trần Hòa: Việc chúng ta chọn một phương pháp khác với các thị trường phát triển là phương án phù hợp với bối cảnh hiện tại, đồng thời nhận được sự đồng thuận của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp cùng các pháp nhân trên thị trường.

Dù vậy, để được chính thức áp dụng, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn cần thêm 45 ngày kể từ khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư. Sở dĩ cần 45 ngày là bởi ngay từ khi xây dựng cơ chế trong Thông tư, chúng ta đã lên sẵn các kịch bản, lường trước các vấn đề cần giải quyết. Một trong đó là việc rà soát, hoàn thiện một số quy chế giữa các Sở Giao dịch và Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), để kịp thời gian áp dụng khi Thông tư 68 có hiệu lực.

Ông Nguyễn Khắc Hải: Trong một năm qua, các công ty chứng khoán đã tích cực tham gia vào việc góp ý xây dựng Thông tư 68 đồng thời xây dựng nguồn lực để sẵn sàng áp dụng khi Thông tư được áp dụng.

Các nguồn lực này bao gồm: (1) Năng lực vốn - tăng vốn nhằm đảm bảo năng lực thanh toán cho nhà đầu tư nước ngoài theo tiêu chí Non Pre-funding; (2) Năng lực quản trị - hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như đánh giá chất lượng khách hàng để xác định hạn mức cung cấp cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, đảm bảo theo đúng tỷ lệ đã được quy định trong Luật Chứng khoán; (3) Về mặt hệ thống - khi nhà đầu tư nước ngoài giao dịch nhiều, việc xử lý khối lượng lệnh tại các công ty chứng khoán cũng cần được nâng cấp, đảm bảo.

Với quy mô vốn hiện tại, liệu các công ty chứng khoán có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu giao dịch của tổ chức nước ngoài trong trường hợp thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng?

Ông Nguyễn Khắc Hải: SSI ước tính bình quân giá trị giao dịch tại thời điểm thị trường sôi động khi được nâng hạng sẽ đạt khoảng 40.000 tỷ đồng/phiên. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài sẽ chiếm khoảng 10%, tương đương 4.000 tỷ đồng theo cả hai chiều mua bán. Như vậy, các công ty chứng khoán sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ Non Pre-funding cho khoảng 2.000 tỷ đồng theo chiều mua của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

asset-38.png

Theo tính toán, với vị thế Top đầu, chỉ riêng SSI đã hoàn toàn có thể đáp ứng hạn mức này, chưa kể các công ty chứng khoán khác cùng tham gia.

asset-26.png

Việt Nam đang nỗ lực thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tìm cách đảm bảo dòng vốn này không làm ảnh hưởng đến sự tự chủ của thị trường trong nước. Từ góc độ của nhà quản lý, chúng ta đã có những chuẩn bị gì để giải quyết bài toán này?

Ông Tô Trần Hòa: Tôi cho rằng đây là một vấn đề quan trọng. Qua rà soát, hiện còn khoảng 900 doanh nghiệp chưa thực hiện việc công bố tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Trong năm tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ yêu cầu các doanh nghiệp này hoàn tất việc công bố, nhằm minh bạch thông tin.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, liệu có lo ngại về việc bị các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm khi thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam?

Ông Nguyễn Khắc Hải: Trong 10 năm qua, Việt Nam đã chuẩn bị nhiều tiêu chí, trong đó có các tiêu chí về định lượng (quy mô thị trường) và năng lực của doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nguồn lực từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Việc chuẩn bị này giúp doanh nghiệp không bị ngợp và có thể nâng cao năng lực để đón đầu cơ hội.

Nâng hạng thị trường chứng khoán là một cơ hội tốt cho doanh nghiệp. Chúng ta không lo ngại bị thâu tóm hoặc sáp nhập (M&A), bởi khi các tổ chức nước ngoài vào, họ vẫn cần dựa vào nguồn lực trong nước. Chúng ta, với sự hiểu biết sâu sắc về thị trường và văn hóa kinh doanh, sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc điều hành khi dòng vốn ngoại đổ vào. Tôi cho rằng, chúng ta chỉ cần làm đúng công việc của mình (quản trị doanh nghiệp minh bạch, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và chia sẻ lợi nhuận công bằng cho cổ đông). Khi đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ sẵn sàng giúp sức và hỗ trợ.

Ở một góc nhìn khác, vẫn có những thương vụ M&A xuất hiện khi các doanh nghiệp Việt đủ lớn và người sáng lập muốn chuyển sang lĩnh vực khác để đóng góp nhiều hơn. Khi đó, họ bán công ty cho nhà đầu tư nước ngoài, còn bản thân họ sẽ tiếp tục xây dựng những doanh nghiệp mới, tiếp tục huy động vốn từ nước ngoài. Một vòng lặp như thế, về tổng thể vẫn mang lại lợi ích cho cả hai bên.

asset-34(1).png

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dẫn đầu một số ngành đã kín room cho nhà đầu tư nước ngoài. Vậy làm cách nào để các nhà đầu tư quốc tế có thể tham gia vào những 'miếng bánh' tiềm năng này?

Ông Tô Trần Hòa: Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi đã ban hành các chính sách và thông tư hướng dẫn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, cũng như những ngành nghề hạn chế hoặc không hạn chế kinh doanh. Tuy nhiên, việc xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của từng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Khắc Hải: Trong 10 năm chuẩn bị, chúng ta đã chứng kiến nhiều thay đổi trong cơ chế quản lý. Từ quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài chỉ tối đa 49%, Luật Chứng khoán sửa đổi đi kèm Nghị định 155 đã mở rộng tỷ lệ này lên đến 100% (trừ các ngành có điều kiện hoặc liên quan đến an ninh quốc phòng). Tôi cho rằng các cơ quan quản lý vẫn cần rà soát lại danh mục ngành nghề cần phải bảo vệ song cũng nên có cơ chế thông thoáng hơn đối với một số lĩnh vực khác.

asset-27.png

Trong quá khứ, khi doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, chúng ta cần phải bảo vệ nhiều nhưng khi thị trường phát triển, doanh nghiệp đủ lớn, có những điều kiện chúng ta nên linh hoạt gỡ bỏ.

Tương tự, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự rà soát lại danh mục ngành nghề đăng ký kinh doanh. Không ít doanh nghiệp có xu hướng đăng ký hoạt động ở rất nhiều ngành nghề song có những ngành gần như không hoạt động; những ngành này lại nằm trong danh mục bảo hộ của Nhà nước dẫn tới việc doanh nghiệp bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Vì vậy, chúng ta cũng cần cân nhắc mức tỷ lệ, có cần nâng lên hay không, thậm chí có thể nới room lên 100% không? Nói cách khác, doanh nghiệp cần cởi mở hơn với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Trong tương lai, đâu sẽ là khẩu vị đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận thị trường Việt Nam?

Ông Nguyễn Khắc Hải: Trong thời gian tới, tôi cho rằng nhà đầu tư ngoại sẽ tiếp tục ưu tiên những ngành nghề mà Việt Nam có thế mạnh và những ngành mang tính chu kỳ khi bước vào uptrend. Theo đó, các doanh nghiệp cần đảm bảo minh bạch thông tin, quản trị rủi ro tốt để nắm bắt cơ hội thu hút vốn.

tai-day(2).jpg
asset-36.png

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nang-hang-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-hanh-trinh-no-luc-10-nam-khong-ngung-nghi-250538.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Hành trình 10 năm nỗ lực không ngừng
POWERED BY ONECMS & INTECH