Nga tiến hành thiết lập hành lang nhân đạo

02-06-2022 17:08|Hồng Nhung

Chỉ trong hơn 2 tuần vừa qua, giá lúa mì đã giảm mạnh tới gần 20% trước những thông tin khả quan về triển vọng xuất khẩu ở Biển Đen.

Nga và Ukraine được xem là vựa nông sản khổng lồ của thế giới, chiếm khoảng 30% xuất khẩu lúa mì và 19% nguồn cung ngô trên toàn cầu.

Trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra, sản lượng ngũ cốc thu hoạch ở Ukraine đạt mức kỷ lục 86 triệu tấn. Trung bình mỗi tháng, quốc gia này xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn qua các cảng ở Biển Đen nhưng hoạt động vận tải đã gần như đóng băng hoàn toàn trong 3 tháng qua.

Nguồn cung bị gián đoạn đã đẩy giá lúa mì và ngô đã tăng vọt vào đầu tháng 3 và duy trì ở mức cao nhất trong hơn 1 thập kỉ qua. Xuất khẩu ở 2 quốc gia sản xuất chủ chốt bị hạn chế cũng cảnh báo về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Trước tình hình này, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẵn sàng thiết lập hành lang nhân đạo, tạo điều kiện cho việc vận chuyển lương thực từ Ukraine qua các cảng biển, miễn là các hạn chế có động cơ chính trị từ phương Tây được dỡ bỏ.

Thị trường nông sản thế giới cũng đã ngay lập tức có những biến chuyển mạnh mẽ. Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), sau phiên giảm kịch sàn, giá lúa mì Chicago đóng cửa ngày 01/06 tiếp tục lao dốc xuống mức 1041 cent/giạ (~ 382.60 USD/tấn).

Tương tự với lúa mì, giá ngô cũng đã trải qua 2 phiên sụt giảm liên tiếp và mạnh nhất trong vòng hơn 3 tháng qua.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Putin tái khẳng định về khả năng nối lại xuất khẩu nông sản. Các cảng biển Đen của Ukraine đã bị phong tỏa khiến hơn 20 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt.

Cuộc đàm phán này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời điểm hiện nay khi những nỗ lực xuất khẩu thay thế bằng đường sắt của Ukraine đều không hiệu quả. Mỗi ngày, quốc gia này chỉ xuất khẩu được 20.000 tấn ngũ cốc qua đường sắt, tương đương với 600.000 tấn mỗi tháng.

Ngoài ra, Ukraine cũng đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch nên nếu hoạt động xuất khẩu được nối lại, các kho dự trữ hiện tại cũng sẽ được giải phóng để phục vụ cho mùa vụ mới. Có thể nói, động thái trên của Nga đã phần nào giúp xoa dịu bớt lo ngại về nguồn cung toàn cầu.

Bên cạnh xung đột vũ trang, các lệnh cấm vận cũng là một trong những yếu tố làm tăng thêm sức nóng của thị trường nông sản trong giai đoạn vừa qua.

Ấn Độ, quốc gia được kì vọng là nguồn cung thay thế cũng đã có động thái cấm xuất khẩu lúa mì vào giữa tháng 5. Nắng nóng nghiêm trọng xuất hiện từ giữa tháng 3 với mức nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trong 122 năm qua đã khiến năng suất lúa mì ở một số khu vực giảm tới 20 - 30% so với dự kiến. X

Xuất khẩu lúa mì niên vụ 2022/2023 được dự báo sẽ chỉ chạm mức 6 triệu tấn so với mức 8,2 triệu tấn trong niên vụ trước.

Ở Việt Nam, lúa mì không phải là lương thực chính nhưng lại là mặt hàng quan trọng trong chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi. Giá lúa mì tăng cũng kéo theo các loại nguyên liệu khác như ngô, đậu tương cũng tăng lên khiến cho các doanh nghiệp chăn nuôi chịu thêm sức ép về chi phí sản xuất.

Mới đây, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã thông báo tăng giá bán thêm 300-400 đồng/kg.

Với mức giá thức ăn chăn nuôi hiện nay thì ngành chăn nuôi vẫn gặp không ít thách thức kể cả khi giá nông sản sắp tới được dự báo sẽ điều chỉnh.

Chính vì thế nên các doanh nghiệp nhập khẩu nên đưa ra quyết định mua hàng hợp lí, không chỉ tranh thủ thời điểm thị trường phản ứng mạnh trong ngắn hạn mà còn cân nhắc các biện pháp thay thế và tự chủ trong dài hạn.

Nữ nghệ sĩ Việt sở hữu loạt biệt thự triệu đô ở Mỹ, U50 lẻ bóng nuôi 2 con

Nga dự kiến phát miễn phí vắc xin ung thư cho bệnh nhân

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nga-tien-hanh-thiet-lap-hanh-lang-nhan-dao-134284.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nga tiến hành thiết lập hành lang nhân đạo
    POWERED BY ONECMS & INTECH