Hành vi lừa dối khách hàng diễn ra không hề ít trong hoạt động kinh doanh hiện nay. Tuy nhiên, số vụ việc lừa dối khách hàng bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự trong thực tế rất hiếm.
Đây là chia sẻ của Luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng văn phòng luật sư Bách gia luật và liên danh với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Lừa dối khách hàng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của khách hàng cũng như xâm phạm trật tự quản lý thị trường, tuy nhiên, rất ít vụ việc được đưa ra xử lý hình sự. Quy định chế tài của pháp luật hiện nay điều chỉnh hành vi này như thế nào, thưa Luật sư?
Để ngăn chặn hành vi lừa dối khách hàng, pháp luật đã có quy định rất rõ về chế tài, hình thức xử lý.
Theo đó, về chế tài hành chính, hành vi lừa dối khách hàng có thể bị xử phạt được quy định tại Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng với mức phạt cao nhất 20 triệu đồng.
Không chỉ có vậy, từ lâu Bộ luật hình sự cũng đã quy định lừa dối khách hàng là tội phạm, cụ thể, tội lừa dối khách hàng được quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 1985; Điều 162 Bộ luật Hình sự 1999 và hiện nay là Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, số vụ việc lừa dối khách hàng bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự trong thực tế rất hiếm.
- Chế tài, hình thức xử lý đã có, vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng hành vi lừa dối khách hàng hiếm khi bị xử lý hình sự, thưa Luật sư?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, chẳng hạn như do trong các giao dịch hàng ngày, hàng hoá thường có giá trị không lớn hoặc hậu quả chưa đến mức bị khởi tố hoặc do khách hàng không tố cáo,…
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khác đến từ các quy định của điều luật. Bởi, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người nào đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải xác định hành vi của họ có thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm (bao gồm: khách thể, mặt khách quan; chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm) được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), lừa dối khách hàng được hiểu là hành vi mua bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác đối với khách hàng để thu lợi bất chính.
Ví dụ, trong lĩnh vực bảo hiểm, thời gian qua nhiều trường hợp khách hàng liên tiếng tố cáo doanh nghiệp bảo hiểm, tư vấn viên, đại lý đã lừa dối khách hàng, tư vấn không đúng, che giấu thông tin,... khi ký kết hợp đồng. Điển hình như mới đây có hơn 30 người đã đến Công an TP. Hồ Chí Minh nộp đơn tố cáo Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) liên kết với Công ty bảo hiểm Manulife Việt Nam. Trong đó, một số khách hàng cho biết, được tư vấn đầu tư gói “Tâm an đầu tư” với cam kết sẽ sinh lợi nhuận cao nhưng sau đó phát hiện đây thực chất là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, chứ không phải hợp đồng gửi tiết kiệm.
Hay như trước đó, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (diễn viên Ngọc Lan) cũng đã lên mạng tố bị tư vấn viên của Bảo hiểm MVI (thuộc Bảo hiểm Manulife) tư vấn mập mờ về gói bảo hiểm nhân thọ, khiến cô lầm tưởng rằng, mua 7 tỷ đồng, sau 10 năm sẽ nhận lại được 10 tỷ đồng, đồng thời, cô phải đóng phí bảo hiểm lên đến 74 năm…
Vậy, gian lận, gian dối, bẫy khách hàng ký hợp đồng trong trường hợp này có phải là “thủ đoạn gian dối khác” để có thể cấu thành tội danh theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự hay không? Chưa có văn bản nào hướng dẫn và quy định chi tiết về việc này.
Chưa kể hiện nay, trong các giao dịch về bảo hiểm, bất động sản… hợp đồng thường được ký giữa bên bán là pháp nhân, tuy nhiên, theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, thì pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các Điều: 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 mà không bao gồm Điều 198 tội lừa dối khách hàng.
- Vậy, để ngăn chặn hành vi lừa dối khách hàng tiếp diễn, Luật sư có đề xuất, kiến nghị gì?
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm minh hành vi lừa dối khách hàng bằng chế tài hình sự, theo tôi, cơ quan chức năng cần sửa đổi, bổ sung Điều 198 Bột luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) theo hướng quy định rõ hành vi “lừa dối” không chỉ dừng lại ở việc cân, đo, đếm, đánh tráo hàng hoá mà còn có cả các hành vi như che dấu thông tin, cung cấp thông tin không chính xác, tư vấn sai lệch về sản phẩm, dịch vụ,…
Đồng thời, nghiên cứu mở rộng đối tượng điều chỉnh về chủ thể thực hiện hành vi tội phạm đối với cả pháp nhân thương mại. Bởi thực tế hiện nay cho thấy, để tối đa lợi nhuận có không ít doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, cần phải có sự quyết tâm cao của các cơ quan chức năng, đặc biệt cơ quan tiến hành tố tụng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những sai phạm để xử lý nghiêm hành vi bao che, bỏ lọt tội phạm (nếu có) để răn đe.
- Xin cảm ơn Luật sư!