Ngân hàng chấp nhận giảm tốc để gia cố bộ đệm dự phòng

18-05-2023 09:51|Băng Di

Chủ động tăng cường trích lập dự phòng sớm là cách mà các ngân hàng củng cố nguồn lực, gia cố bộ đệm để chống chọi với rủi ro tín dụng.

Trong 2 năm qua, nhiều ngân hàng đã chủ động trích lập đầy đủ cho nợ cơ cấu và đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao kỷ lục.

Dù đây vẫn được coi là bộ đệm dự phòng giúp các ngân hàng chống chịu với những cú sốc trong tương lai nhưng việc trích lập dự phòng tăng cao đang “ăn mòn” lợi nhuận ngân hàng. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các ngân hàng dè dặt hơn khi đặt ra các mục tiêu kinh doanh trong năm nay?

Gia cố bộ đệm dự phòng rủi ro

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, CAR - hệ số an toàn vốn của các ngân hàng Việt Nam không chỉ ở mức thấp, mà còn cải thiện chậm so khu vực.

Theo chuyên gia Lực, áp lực tăng vốn với các ngân hàng Việt Nam đang ngày càng lớn trong bối cảnh rủi ro, bất ổn trên thế giới gia tăng và sức khỏe doanh nghiệp trong nước xấu đi.

Do vậy, việc bảo đảm CAR, cùng chuyện tăng vốn đang trở thành vấn đề ưu tiên của nhiều ngân hàng năm nay.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối nghiên cứu và phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho hay, năm ngoái, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân của các ngân hàng là 34%, song năm nay đa phần các ngân hàng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 11-15%.

Cùng với việc chấp nhận giảm tốc lợi nhuận, năm nay, hàng loạt ngân hàng TMCP vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ.

Ngân hàng chấp nhận giảm tốc để gia cố bộ đệm dự phòng

VPBank dự kiến tăng thêm khoảng 12.207 tỷ đồng, để đưa vốn điều lệ lên 79.339 tỷ đồng; TPBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 6.199 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng, MB đặt mục tiêu tăng vốn thêm 9.023,5 tỷ đồng lên mức 53.683 tỷ đồng…

Nếu các phương án tăng vốn được thực hiện thành công, năm nay, bộ đệm tài chính của các ngân hàng sẽ tiếp tục được nâng cao, giúp ngân hàng có thêm tiềm lực để chống đỡ với khó khăn.

“Khi rủi ro tăng cao, việc các ngân hàng chú trọng tăng vốn và tăng quản trị chất lượng tài sản hơn là chạy theo tăng trưởng là chiến lược hợp lý”, ông Thành nhận định.

Dè dặt mục tiêu tăng trưởng...

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2022 tăng khoảng 32% so với cùng kỳ năm trước nhưng sang đến năm 2023, mức tăng sẽ chậm lại, dự báo chỉ đạt từ 10-11%.

Bên cạnh đó, nhóm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chỉ ra những yếu tố tác động đến lợi nhuận ngân hàng năm nay như chi phí vốn tăng nhưng tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng có thể thu hẹp nhẹ trong 1-2 quý tới.

Ngân hàng chấp nhận giảm tốc để gia cố bộ đệm dự phòng

Trong đó, VDSC lưu ý nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước sẽ chứng kiến mức độ suy giảm NIM nhiều hơn so với các ngân hàng thương mại cổ phần khác bởi nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn.

Thậm chí, VNDirect cho rằng sẽ có ngân hàng chủ động “hi sinh” một phần biên lãi ròng để có thể nhận được hạn mức phân bổ tín dụng cao hơn trong tương lai.

Bởi trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết các ngân hàng có lãi suất cho vay thấp hơn sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn các ngân hàng khác.

Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, có khoảng 56-75% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý 1 và cả năm 2023. Mức độ kỳ vọng này đã thấp hơn so với năm 2022.

BVSC: Lãi suất huy động vẫn cao hơn so với mặt bằng trước dịch Covid-19

Doanh nghiệp than lãi vay quá cao - khó khăn đủ bề, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng lý giải

Gói hỗ trợ lãi suất 2% "ế chỏng chơ": Một tỉnh chỉ mới giải ngân được 46 triệu đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngan-hang-chap-nhan-giam-toc-de-gia-co-bo-dem-du-phong-183651.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Ngân hàng chấp nhận giảm tốc để gia cố bộ đệm dự phòng
POWERED BY ONECMS & INTECH