Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý triệt để tài khoản ngân hàng không chính chủ
Đó là khẳng định của ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) tại “Hội thảo và Triển lãm An Toàn Thông Tin khu vực phía Nam 2023” tổ chức ở TP.HCM ngày 25/8.
Các hiện tượng lừa đảo trực tuyến đã được đặt ra: Người dùng có thể tạo tài khoản ngân hàng trực tuyến thông qua hình thức eKYC với hạn mức lên tới 100 triệu đồng, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng để tạo ra các tài khoản để đi lừa đảo tạo tình trạng hỗn loạn. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và công nghệ deepfake khiến cho tình hình lừa đảo trở nên phức tạp hơn. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xử lý vấn đề này thế nào?
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, năm 2021, NHNN đã có thông tư 16 hướng dẫn bổ sung về phương thức mở và sử dụng tài khoản thông qua hình thức eKYC.
Lường trước được các vấn đề công nghệ phát sinh, nên những yêu cầu về mặt kỹ thuật đối với việc sử dụng eKYC được đưa ra chi tiết; theo đó các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng công nghệ đảm bảo xác thực được khách hàng của mình. Chẳng hạn, khi khách hàng tạo tài khoản bằng eKYC bằng công nghệ hiện đại, phải đảm bảo được việc xác nhận giấy tờ tuỳ thân sử dụng khi mở tài khoản phải là giấy tờ thật. Thứ 2 là hình ảnh phải "sống". Tuy nhiên, hiện nay có những giải pháp công nghệ hiện đại như deepfake có thể qua mặt được giải pháp eKYC mà một vài tổ chức tín dụng đang áp dụng.
Thông tư 16 NHNN đã có quy định rất chặt như: Vào cuối ngày, tổ chức tín dụng phải hậu kiểm để loại bỏ các tài khoản được mở vi phạm các điều kiện đặt ra. Tỉ lệ tài khoản vi phạm bị loại ra bình quân hiện nay là trên 10%. Các tài khoản bị loại sau khi hậu kiểm do có nghi ngờ như giấy tờ tuỳ thân không đảm bảo, hình ảnh xác thực qua camera đáng nghi...
Ông Tuấn cũng giải thích "hạn mức 100 triệu khi quy định làm tài khoản eKYC" là hạn mức trong 1 tháng chứ không phải 1 ngày.
"Một điểm mọi người cần hiểu rõ về eKYC, là tất cả các vụ án, tất cả các hình thức lừa đảo gian lận qua tài khoản đã được các cơ quan phát hiện thì không có tài khoản nào là chưa xác thực. Như vậy, khi xác thực tại quầy, các tổ chức tín dụng vẫn còn có những cái cần phải tiếp tục kiện toàn", ông Tuấn nói.
Hiện nay, thanh toán viên của các tổ chức tín dụng chưa được đào tạo để kiếm chứng căn cước công dân, đặc biệt là căn cước công dân có chip. Nhiều đối tượng bị phát hiện có căn cước công dân nhìn còn đẹp và nét hơn thật.
Ngày 24/4/2023, Bộ Công an và NHNN là hai bộ đầu tiên cùng ký kế hoạch để có thể khai thác căn cước công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Để giải quyết được tình trạng gian lận tài khoản, NHNN đã yêu cầu đến hết năm 2023 các tổ chức tín dụng đảm bảo tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân phải khớp với số trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp không rõ, không đúng sẽ mời khách hàng đến để thực hiện xác thực tại chỗ. Đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng làm việc với các đơn vị được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) giới thiệu cung cấp các giải pháp đọc dữ liệu căn cước công dân gắn chip, việc này sẽ áp dụng từ đầu năm 2024, tại quầy cũng như trên Mobile Banking. Như vậy, khi khách hàng sử dụng giấy tờ đến giao dịch tại quầy sẽ có các thiết bị nhận diện thay cho giao dịch viên.
Theo đó, một thiết bị nhỏ gọn được đặt ngay tại quầy, người dân tới chỉ cần đưa căn cước công dân quét trực tiếp lên không tiếp xúc, hoặc sử dụng vân tay, hoặc sử dụng sinh trắc học bằng nhận diện khuôn mặt, thì sẽ tự động chuyển tiếp toàn bộ thông tin trên căn cước công dân gắn chip vào hệ thống Core của ngân hàng, khi họ tiến hành mở tài khoản hoặc các giao dịch tương tự.
Đối với Mobile Banking theo ông Phạm Anh Tuấn sẽ thông qua NFC để quản lý, theo ông tuy có hạn chế vì không phải điện thoại nào cũng tích hợp NFC, nhưng vì mục tiêu chống lừa đảo nên phải chấp nhận, trường hợp khách hàng không có điện thoại tích hợp NFC thì đến giao dịch tại quầy. Thông qua NFC sẽ đọc được toàn bộ thông tin của căn cước công dân gắn chip, việc này được thực hiện thông qua một công cụ được cài đặt trên ứng dụng mobile app của tổ chức tín dụng đó. Và khi đọc được thông tin đầy đủ và trùng với căn cước công dân đã đăng ký, thì khách hàng mới thực hiện được giao dịch.
Với các giải pháp trên, ông Phạm Anh Tuấn tin rằng sẽ giải quyết triệt để được việc mở tài khoản bằng giấy tờ giả, mở bằng các người định danh không chính chủ.
Về việc xử lý các tài khoản khi các tội phạm lừa đảo sử dụng chuyển tiền vào sau đó chuyển đi, NHNN cũng đang trong quá trình sửa quyết định 630. Cụ thể là đưa ra một hạn mức nhất định khi giao dịch, hạn mức này sẽ tương đối nhỏ so với 5-6 triệu đồng hiện nay. Khi đó, người thực hiện giao dịch phải xác thực khuôn mặt của mình trên mobile app, tổ chức tín dụng sẽ đối chiếu khuôn mặt với giấy tờ tuỳ thân khi mở tài khoản, nếu đúng sẽ cho thực hiện giao dịch, trường hợp không đúng phải ra tại quầy để cung cấp thông tin.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, Chính phủ vừa ra công điện, chỉ đạo NHNN cùng các Bộ, ngành quyết tâm xử lý các tài khoản ảo, tài khoản không chính chủ. Cục cảnh sát hình sự Bộ Công an (C02) đã thống nhất cùng NHNN làm việc với Bộ TT&TT để kết hợp, đối chiếu chủ của SIM và chủ của tài khoản có liên quan đến số điện thoại để sử dụng đăng ký mobile app của tổ chức tín dụng là một, trong trường hợp không đúng NHNN sẽ chỉ đạo ngưng cung cấp dịch vụ đối với chủ tài khoản mobile app.
Chuyển nhầm 95 triệu vào tài khoản 0401178… tại Sacombank, Công an thu hồi chỉ trong vài giờ
Chồng rủ vợ và bố vợ bán tài khoản ngân hàng, thu 9 triệu đồng nhưng bị phạt hơn 127 triệu đồng