Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đều đang phải vất vả để kiềm chế đà tăng của lạm phát.
Ngân hàng Trung ương Argentina (CBA) nâng lãi suất chuẩn lên 97% trong một nỗ lực để ghìm cương lạm phát vốn đã đạt đỉnh 30 năm.
Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đều đang phải vất vả để kiềm chế đà tăng của lạm phát.
Trong đó, Argentina là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức lạm phát vượt quá 100% vào tháng 4 - chỉ thấp hơn 2 quốc gia khác trên thế giới là Venezuela và Zimbabwe. Để so sánh, ở Mỹ lạm phát đang dao động dưới 5%.
Vì vậy, NHTW Argentina nâng lãi suất chuẩn thêm 6 điểm phần trăm lên 97%, với hy vọng sẽ thúc đẩy các khoản đầu tư vào đồng tiền của nước này. Lạm phát phi mã khiến dòng vốn đầu tư tháo chạy và dẫn tới cú giảm 23% của đồng Peso so với USD trong năm 2023.
Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Argentina vào tháng 10, ưu tiên lớn nhất của Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa là ngăn đà giảm giá trị của đồng peso và kiềm chế lạm phát.
Bộ trưởng Massa được coi là ứng viên độc lập tiềm năng trong cuộc bầu cử tới, sau khi tổng thống đương nhiệm hồi tháng 4 cho biết không có ý định tái tranh cử.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đợt nâng lãi này cũng không đủ để làm xoay chuyển thị trường Argentina.
"Chúng tôi có cảm giác chính phủ đang hoàn toàn mất kiểm soát lạm phát", Miguel Kiguel – Cố vấn tài chính và từng là cấp phó ở Ngân hàng Trung ương Argentina – nhận định.
"Tôi sợ rằng Chính phủ đã hành động quá muộn. Dĩ nhiên, việc nâng lãi là chiến lược chính để đối phó lạm phát, nhưng cần thời gian. Khi NHTW nâng lãi, tác động sẽ thể hiện sau 2-3 tháng. Thời gian này không hiệu quả với tình hình hiện tại của Argentina", ông kết luận.