Ngành bất động sản được hưởng lợi gì từ gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng?

05-01-2022 16:04|Trang Linh

Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng sẽ tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế với nhiều ngành được hưởng lợi trong đó có bất động sản.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình này được áp dụng chủ yếu trong 2 năm 2022-2023. Mục tiêu của chương trình là giúp nền kinh tế có mức tăng trưởng trung bình 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025. Hiện tại, năm 2021 - năm đầu tiên của giai đoạn - tăng trưởng GDP là 2,58%.

Theo báo cáo về Đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phục hồi kinh tế sẽ gồm chính sách tài khóa và tiền tệ, trị giá khoảng 350.000 tỷ đồng.

Trong đó, tổng quy mô chính sách tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng (riêng hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư hạ tầng hơn 220.000 tỷ đồng). Về chính sách tiền tệ, báo cáo nêu rõ đặt mục tiêu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5 - 1% trong hai năm.

Dự báo một số chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 – 2023 sẽ tác động tích cực đến bất động sản.

Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam nhận định, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng là một giải pháp giúp tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế với nhiều ngành có cơ hội được hưởng lợi, trong đó có bất động sản. Những chính sách về tài khóa, tiền tệ, đẩy mạnh đầu tư công trong thời gian tới sẽ gián tiếp tác động đến toàn thị trường.

Ông phân tích, gói hỗ trợ sẽ gồm nhiều giải pháp như: Miễn, giảm thuế phí, hỗ trợ giảm lãi suất và phục vụ an sinh xã hội… Do đó sẽ giúp giảm lãi suất vay ngân hàng, doanh nghiệp không gánh thêm chi phí mà được giảm bớt chi phí và cũng không làm hạn chế tín dụng.

goi-phuc-hoi-kinh-te.jpg
Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam.

Đó cũng là nhận định của ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Vietnam.

Ông cho rằng, các gói hỗ trợ kích thích kinh tế sẽ là một trong những động lực quan trọng để phát triển sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng nói chung. Mặc dù vậy, sẽ khó có gói hỗ trợ riêng trực tiếp cho thị trường bất động sản, nhưng doanh nghiệp bất động sản sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ những công trình đầu tư công như hạ tầng giao thông, xã hội, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất - kinh doanh cần thêm mặt bằng, người lao động hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ… từ đó thúc đẩy sức mua.

Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nan 2021 diễn ra vào ngày 5/12/2021 bàn về phục hồi kinh tế do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản bày tỏ, gói hỗ trợ để phục hồi phát triển kinh tế là cần thiết và đó cũng là mong muốn của hầu hết các doanh nghiệp, song cần lưu ý về việc triển khai, sử dụng sao cho hiệu quả.

Cũng khoảng thời gian trên, bàn về gói hỗ trợ kích thích kinh tế, ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương bày tỏ lo lắng và nhấn mạnh, không nên giải ngân quá ồ ạt vì có thể gây áp lực lên lạm phát, hình thành bong bóng bát động sản và tài sản tài chính.

pho-truong-ban-kinh-te-trung-uong.jpg
Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương (Ảnh: Quốc Chính).

Theo ông Phong, chính sách tài khóa là nền tảng để cứu các doanh nghiệp yếu kém, còn chính sách tiền tệ là quan trọng cho doanh nghiệp phục hồi.

“Điều quan trọng là phải hạ được lãi suất cho vay. Chính sách tiền tệ phải mang tính phổ quát, hạn chế sử dụng chính sách tiền tệ mang tính phân biệt vì sẽ dẫn đến méo mó tín hiệu. Bên cạnh đó, việc giải ngân từ tài khóa cần đều đặn tránh giật cục, bởi, tiền từ tài khóa khi chi tiêu sẽ quay trở lại hệ thống ngân hàng để cung cấp tiền nhàn rỗi cho hệ thống, qua đó giảm áp lực tăng lãi suất tiền gửi”, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định và nhấn mạnh.

Sự cần thiết của việc hài hoà giữa chính sách tài khoá và tiền tệ cũng được nhiều chuyên gia đề cập đến, trong đó có ông Vũ Sỹ Cường (giảng viên Học viện Tài chính).

Theo ông này, tác động của chính sách tài khóa hay tiền tệ tới các biến số vĩ mô của nền kinh tế rất phức tạp. Việc kết hợp hai chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ khắc phục hạn chế về độ trễ của mỗi chính sách, tính linh hoạt, phù hợp với năng lực ngân sách và bảo đảm tính ổn định của mỗi chính sách.

Nguy cơ lạm phát tăng mạnh ở Việt Nam hiện nay là chưa nhiều do nền kinh tế vẫn đang dưới sản lượng tiềm năng, đồng VND lên giá phần nào bù đắp giá nhập khẩu tăng. Tuy nhiên, nguy cơ này sẽ cần được cẩn trọng hơn rất nhiều nếu xu hướng giá xăng tiếp tục tăng trong năm 2022.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nganh-bat-dong-san-duoc-huong-loi-gi-tu-goi-phuc-hoi-kinh-te-350000-ty-dong-121287.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Ngành bất động sản được hưởng lợi gì từ gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng?
POWERED BY ONECMS & INTECH