Ngày 22/6, Quốc hội thảo luận dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi)

22-06-2023 00:30|NGUYỄN VIỆT

Sáng 22/6, theo chương trình Kỳ họp thứ năm, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ TT&TT giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trước đó, thảo luận tại tổ về dự án luật này đại biểu Quốc hội  Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) còn nặng về yếu tố kĩ thuật, cần luật hóa các nội dung mang tính kĩ thuật. Trong khi tác động xã hội của dự án Luật này là rất lớn cả về đối nội, đối ngoại.

nguyen-chu-hoi.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng).

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho biết, có nhiều ý kiến trong đó có các nước phát triển cho rằng trong quá trình ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghệ mà kiểm soát tốt sẽ phát huy được cơ hội, thúc đẩy sự phát triển, kể cả kinh tế - xã hội và các mặt khác nhưng nếu không kiểm soát tốt thì sẽ đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro, mặt trái của công nghệ.

“Do đó, cần cân nhắc quan điểm xây dựng luật là cố gắng luật hóa những nội dung kĩ thuật, còn nếu vẫn nặng về kĩ trị thì sẽ khó áp dụng”, đại biểu Nguyễn Chu Hồi nói.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi đánh giá, pháp luật điều chỉnh hành vi xã hội dựa trên điều chỉnh các nhóm quan trọng là chủ thể quản lý, kể cả nhà nước, đối tượng cần điều chỉnh và các yếu tố tác động đến chủ thể quản lý và đối tượng liên quan.

Nếu không làm rõ được các nhóm vấn đề này thì khi soạn thảo sẽ vẫn nghiêng về phía cơ quan quản lý. Đơn cử, ngay trong chính dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) lần này quyền được bảo đảm an toàn trong quá trình tham gia hoạt động viễn thông điều chỉnh rất ít.

Hay nói về quản lý nhà nước là liệt kê các nhiệm vụ quản lý nhà nước, nhưng lại thiếu quy định về chế tài xử lý chủ thể quản lý không thực hiện được nhiệm vụ.

“Như vậy, phải làm rất rõ các quyền và nghĩa vụ của chủ thể quản lý, quyền và nghĩa vụ của đối tượng bị điều chỉnh bởi pháp luật và điều chỉnh hành vi của những tác động vào cả hai chủ thể quản lý và đối tượng áp dụng. Khi đó, văn bản luật mới bảo đảm cân đối, bảo đảm các chủ thể công bằng trước pháp luật, bảo đảm cho hiệu quả luật khi được thông qua sẽ đi vào cuộc sống”, đại biểu Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

ta.-inh-thi.jpg
Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Hà Nội).

Đề cập về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) khẳng định, đây là điều khoản đã được quy định trong Luật Viễn thông hiện hành. Qua tổng kết đánh giá cho thấy, quỹ này vận hành cũng rất khó khăn. Trong quá trình thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, những kết quả tích cực trong thời gian vừa qua thì cần thiết phải duy trì quỹ. Loại ý kiến thứ hai là cần phải đánh giá kỹ hơn về sự đóng góp của quỹ.

Theo đại biểu Tạ Đình Thi, cần thiết phải duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Điều quan trọng là chúng ta phải huy động được nguồn lực và các cơ chế để chi tiêu cho quỹ này đáp ứng được yêu cầu thực sự hiệu quả.

Do đó, cần bổ sung vào trong dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) các nội dung quy định để đảm bảo nuôi dưỡng và huy động được nguồn thu cho quỹ cũng như cơ chế chi tiêu của quỹ đạt hiệu quả.

nguyen-phi-thng.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Hà Nội).

Đưa ra quan điểm về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhất trí với quan điểm của Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường là tiếp tục duy trì Quỹ này.

Việc này góp phần đảm bảo dịch vụ viễn thông ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Vấn đề đặt ra là cần đảm bảo quỹ hoạt động đúng mục đích là hỗ trợ cho những khu vực khó khăn, khu vực phi lợi nhuận.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Phi Thường hiện nay có một số ý kiến cho rằng, quỹ này sử dụng chưa hiệu quả và còn đang tồn dư rất nhiều. Do đó, trong lần sửa đổi Luật Viễn thông này, cần đặt thêm các chế định sử dụng hiệu quả Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích dành cho đối tượng nào.

Ngoài ra, cũng cần chú ý những hạng mục hạ tầng nào có thể dùng chung được thì sử dụng, nếu không sử dụng quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp hạ tầng viễn thông để thực hiện hạ cáp ngầm, các dịch vụ viễn thông dùng chung, chỉnh trang đô thị, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM...

Chuyên gia hiến kế cách thu hút 'đại bàng' công nghệ đến đầu tư trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

Đề xuất quy định về sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/ngay-22-6-quoc-hoi-thao-luan-du-an-luat-vien-thong-sua-doi-246185.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngày 22/6, Quốc hội thảo luận dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi)
    POWERED BY ONECMS & INTECH