Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT cần xây dựng và trình 3 Nghị định quy định chi tiết luật này trước ngày 15/4/2024.
Luật Viễn thông (sửa đổi) là một trong các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6. Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, Luật Viễn thông (sửa đổi) được đánh giá là đạo luật quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng tới lĩnh vực ICT.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Luật Viễn thông sửa đổi cùng với 2 luật khác lần lượt được thông qua các năm 2022, 2023 là Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi và Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, thể chế cho chuyển đổi số đã cơ bản hình thành và bước đầu được hoàn thiện.
Trong phân công mới đây của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị định được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, Bộ TT&TT được giao chủ trì soạn thảo 3 Nghị định và 2 Thông tư để hướng dẫn thực thi, góp phần đưa các chính sách mới của Luật Viễn thông sửa đổi vào cuộc sống.
Cụ thể, 3 Nghị định mà Bộ TT&TT cần hoàn thành soạn thảo, trình Chính phủ trước ngày 15/4 gồm: Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Viễn thông về quản lý kho số viễn thông, tài nguyên Internet; việc bồi thường khi nhà nước thu hồi mã, số viễn thông, tài nguyên Internet; đấu giá quyền sử dụng mã số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam ‘.VN’; Nghị định quy định chi tiết Luật Viễn thông về hoạt động viễn thông công ích.
Hai Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông sửa đổi sẽ được Bộ TT&TT xây dựng trong năm nay là Thông tư quy định chi tiết hoạt động bán buôn trong viễn thông; Thông tư quy định chi tiết về cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá, phương pháp định giá thuê sử dụng mạng cáp trong tòa nhà, giá thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông, tổ chức, cá nhân sở hữu công trình viễn thông. Thời hạn Bộ TT&TT ban hành 2 Thông tư này là trước ngày 15/5/2024.
Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), Luật Viễn thông sửa đổi mở rộng phạm vi điều chỉnh một số dịch vụ mới gồm dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet để phù hợp với xu thế chuyển đổi số, hội tụ giữa viễn thông và CNTT.
Việc quản lý 3 dịch vụ mới sẽ theo cách tiếp cận ‘quản lý nhẹ’ có độ mở, linh hoạt, hướng đến bảo vệ quyền lợi người sử dụng, bảo đảm an toàn, an ninh và tạo thuận lợi cho các dịch vụ phát triển; không hạn chế sở hữu nước ngoài đầu tư kinh doanh các dịch vụ mới, giảm bớt một số nghĩa vụ so với dịch vụ viễn thông truyền thống.
Để tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng viễn thông, Luật Viễn thông sửa đổi đã bổ sung quy định cho phép công trình viễn thông được xây dựng, lắp đặt trên tài sản công; tăng cường sử dụng chung hạ tầng liên ngành giữa viễn thông với các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
Luật cũng bổ sung trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng tòa nhà chung cư, công trình công cộng, khu chức năng... trong việc thiết kế, xây dựng, bố trí mặt bằng để xây dựng, lắp đặt hạ tầng viễn thông; bổ sung trách nhiệm của UBND các cấp, bộ ngành liên quan xử lý các hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp cơ sở hạ tầng viễn thông.
Về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, luật sửa đổi kế thừa duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, tuy nhiên bổ sung, hoàn thiện quy định để khắc phục bất cập trong hoạt động của Quỹ giai đoạn trước như: Bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động viễn thông công ích; quy định phương thức thực hiện; trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT, các bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh trong quản lý hoạt động viễn thông công ích.
Đối với vấn đề đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet, khắc phục các hạn chế của Luật Viễn thông năm 2009, Luật sửa đổi đã quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá. Việc lựa chọn mã, số viễn thông đấu giá sẽ do thị trường quyết định. Đồng thời, Luật quy định cụ thể giá khởi điểm cho từng loại mã, số viễn thông, tên miền Internet đưa ra đấu giá.
Một điểm mới của Luật Viễn thông sửa đổi là luật bổ sung quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác, ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo; nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao mà mình đã đăng ký sử dụng.
Chuyên gia hiến kế cách thu hút 'đại bàng' công nghệ đến đầu tư trung tâm dữ liệu tại Việt Nam
Đề xuất quy định về sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông