Không ít trường hợp sau khi khách thuê xe đã thanh lý hợp đồng, chủ xe bỗng nhiên nhận được thông báo xử lý vi phạm giao thông đường bộ từ cơ quan công an.
Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày nên lượng người có nhu cầu thuê xe tự lái tăng rất cao; các dịch vụ cho thuê xe tự lái hiện đang "cháy hàng". Tuy nhiên, đứng trước lợi nhuận từ việc cho thuê xe thì chủ xe còn phải đối mặt với rủi ro nhất định.
Dịch vụ thuê xe tự lái giá cao nhưng vẫn “cháy hàng”
Nhiều đơn vị kinh doanh ô tô tự lái ở Hà Nội đều rơi vào tình trạng "cháy" xe trước thềm nghỉ lễ 2/9. Nhu cầu tăng cao bởi đợt này nhiều người được nghỉ tới 4 ngày nên tranh thủ cùng gia đình về quê hoặc đi chơi.
Bên cạnh đó, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhu cầu du lịch và đi lại cũng tăng vọt, kéo theo nhu cầu thuê ô tô tự lái cũng tăng theo.
Tại thị trường Hà Nội nhiều điểm cho thuê ô tô tự lái trên các tuyến phố Phạm Hùng, Dương Đình Nghệ, Trần Khát Chân, Tây Sơn, La Thành, Lê Văn Lương… cho thấy, giá thuê đã bắt đầu rục rịch tăng lên từ 20- 40% so với ngày thường.
Hiện nay, dòng xe 7 chỗ như Toyota Innova, Toyota Fortuner đến thời điểm này đã kín lịch khách đặt thuê, trong khi đó ở phân khúc C dòng xe gia đình nhỏ là các dòng như Kia Moring, Huyndai i10 hay Mitsubishi Attrage, Nissan Sunny thời gian gần đây cũng đang được nhiều gia đình lựa chọn và cũng đang trong tình trạng “cháy hàng”. Khách hàng không xuống tiền đặt cọc trước thì cũng sẽ khó kiếm được xe trong dịp nghỉ lễ này.
Chi phí thuê ô tô tự lái cho những dịp lễ này khá cao do nhiều người sợ đi xe khách ngày lễ sẽ đông đúc, chèn ép và phải chờ đợi rất lâu.
Chủ xe hay khách hàng phải nộp phạt khi xe cho thuê bị phạt nguội
Không ít trường hợp sau khi khách thuê xe đã thanh lý hợp đồng, chủ xe bỗng nhiên nhận được thông báo xử lý vi phạm giao thông đường bộ từ cơ quan công an.
Chủ phương tiện cho thuê hay người thuê sẽ chịu trách nhiệm là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Theo Khoản 8 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:
"Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm; chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm".
Như vậy, trong trường hợp xe cho thuê, cơ quan chức năng chắc chắn sẽ liên hệ chủ xe cho thuê nếu bị phạt nguội vì đó là cơ sở thông tin duy nhất để cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt.
Dù không trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm giao thông nhưng chủ xe vẫn bắt buộc phải đến theo thông báo và có nghĩa vụ hợp tác với lực lượng cảnh sát giao thông để xác định người trực tiếp lái xe thực hiện hành vi vi phạm.
Để tránh xảy ra tranh cãi trong vấn đề nộp phạt vi phạm hành chính, có 2 phương án để xử lý trong trường hợp xe cho thuê tự lái dính phạt nguội.
Đầu tiên, chủ xe có thể liên hệ người thuê yêu cầu hoàn trả tiền nộp phạt nguội, nếu bên thuê không trả thì có thể khởi kiện dân sự.
Thứ hai, người cho thuê xe cần có thêm điều khoản đặt cọc đảm bảo trong hợp đồng. Sau khi nhận bàn giao xe thì quy định từ sau 15 - 30 ngày để nhận lại cọc. Trong thời gian đó, chủ xe có thể kiểm tra phạt nguội, nếu có phạt nguội thì sẽ xử lý thẳng vào tiền cọc.
Xem thêm: Các hãng hàng không bắt đầu mở ưu đãi bay dịp Quốc khánh 2/9
Xử lý nghiêm 'cò mồi' nhận đổi giấy phép lái xe
Người Việt Nam có cơ hội ngắm đợt mưa sao băng lớn nhất năm vào tối nay và rạng sáng mai