Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng trường hợp đã giảm thuế mà vẫn không kìm được giá xăng dầu thì có thể đề xuất cấp có thẩm quyền sử dụng các quỹ an sinh.
Tại phiên chất vấn diễn ra vào buổi sáng 16/3, đại biểu Trần Văn Sáu (đại biểu tỉnh Đồng Tháp) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: “Vì sao giá bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới biến động mạnh (44 - 60%), nhưng giá trong nước chỉ tăng 25 - 40%. Quá trình điều hành giá xăng dầu như vậy có gì mâu thuẫn, thiệt hại đó do ai gánh chịu?”.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương giải thích, giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá thế giới chủ yếu do sử dụng linh hoạt các công cụ bình ổn giá mà Quỹ bình ổn giá xăng dầu là một điển hình.
Cụ thể, tại nhiều kỳ điều hành, nhà điều hành đã trích 500 - 1.500 đồng/lít xăng, dầu tuỳ loại. Nhờ trích quỹ này nên giá xăng dầu trong nước mới thấp hơn thế giới.
Theo Bộ trưởng, bối cảnh thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước thì việc duy trì Quỹ bình ổn rất quan trọng, nhưng quỹ có hạn, hiện chỉ khoảng 600 tỷ đồng trong khi quỹ này tại nhiều doanh nghiệp đã âm lớn.
"Khi quỹ này không còn nhiều, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã đề xuất và Chính phủ cũng đã có Nghị quyết đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Nếu chính sách này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, áp dụng từ 1/4 tới thì hy vọng giá sẽ giảm", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Diên cũng nhìn nhận, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao thì sẽ nghiên cứu giảm tiếp các loại thuế, phí khác... Khi đã sử dụng hết công cụ thuế phí mà giá vẫn cao, có thể đề xuất cấp có thẩm quyền sử dụng các quỹ an sinh hỗ trợ các đối tượng nghèo, hỗ trợ thuế doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu để giữ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Giá xăng dầu hôm nay 22/11: lấy lại đà tăng
Cửa hàng xăng dầu ở Vũng Tàu bị tạm dừng 5 trụ bơm do có dấu hiệu gian lận