Ngôi chùa ngoài thờ Phật, thờ thần, còn có bàn thờ dành riêng để tưởng nhớ các liệt sĩ là nhà báo, phóng viên đã anh dũng hi sinh.
Chùa Âu Lạc còn có tên gọi là Âu Lạc cổ tự hay chùa Da, tọa lạc ở làng Lộc Đa trước đây, nay là xóm Hòa Tiến, xã Hưng Lộc, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Chùa được xây dựng vào thời vua Thành Thái (1889 - 1907). Tên cũ là chùa Âu Lạc nhưng do ở cạnh cây Da cổ thụ, bên một giếng cổ, nên nhân dân gọi nôm là chùa Da.
Trước đây, trong vùng có rất nhiều rắn hổ, mỗi khi có tiếng chuông là lũ rắn lại ngóc đầu lên, quay về hướng chùa như để bái tạ. Hay như khi chùa chưa được tôn tạo, chỉ là một vùng cây cối um tùm nhưng nếu ai vào đây lấy củi, chặt cây về dùng, là hôm sau phải đưa trả lại. Trong vùng, cũng có đền Trìa là một ngôi đền nổi tiếng linh thiêng. Nên dân gian có câu “Thánh đền Trìa, Bụt chùa Da” là để nói về sự linh thiêng của hai nơi này.
Chùa Âu Lạc còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Trong những năm 1930 - 1931, đây là nơi hội họp bí mật của Chi bộ Lộc Đa. Cũng tại đây đã chứng kiến cuộc biểu tình của nhân dân làng Lộc Đa, Đức Thịnh, Dũng Thượng,... chống thực dân Pháp, đòi tự do, dân chủ. Đặc biệt trong phong trào Xô viết, các ông Hoàng Văn Bá, Dương Xuân Kiên, là các đảng viên Chi bộ Lộc Đa đã lấy chiếc trống trong chùa đưa đi đánh, cổ vũ tại cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 ở Bến Thủy. Sau này, chiếc trống trở thành hiện vật lịch sử, hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.
Nằm trên khuôn viên diện tích 10.000m2, chùa Âu Lạc từng có 3 gian làm bằng gỗ lim, lợp ngói âm dương. Năm 1964, chùa bị tháo dỡ, các tượng Phật, đồ tế khí đều bị thất lạc, chứng tích còn lại là giếng nước và nền móng của ngôi chùa cổ.
Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, chùa Âu Lạc bị xuống cấp và hư hỏng, có lúc chỉ còn lại là dấu tích. Đến năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4927/QĐ-UBND ngày 19/10/2017 cho phép khôi phục, tôn tạo chùa Âu Lạc (chùa Da). Kể từ đó đến nay, dưới sự dẫn dắt, tu học của Đại đức trụ trì Thích Đồng Tuệ, chùa đi vào hoạt động ổn định, là nơi để nhiều du khách thập phương và Nhân dân trong vùng đến vãn cảnh, chiêm bái.
Từ ngày chùa được phục dựng và tôn tạo lại, đây là nơi thờ tự của 511 liệt sĩ là phóng viên, nhà báo của các cơ quan truyền thông, báo chí trên cả nước đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Nhà báo Văn Hiền, nguyên Phó Tổng biên tập báo Nghệ An là người đã dùng 15 năm sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu về thông tin các liệt sĩ là phóng viên, nhà báo của cả nước đã hi sinh trên các chiến trường đưa về thờ ở đây. Trong 511 liệt sĩ là nhà báo, phóng viên trong cả nước được thờ phụng tại chùa chỉ có 15 liệt sĩ được tìm thấy phần mộ.
Nơi thờ các liệt sĩ còn trưng bày nhiều kỷ vật thiêng liêng của các phóng viên, nhà báo như bút, máy ảnh, mũ,… Trong đó có 1 chiếc bút Kim Tinh của một phóng viên hi sinh năm 1963 để lại; 1 chiếc máy ảnh của một nhà báo trước lúc hi sinh gửi lại đồng đội cất giữ.
Đến đây ngoài bái Phật, thắp hương cho các liệt sĩ là phóng viên, nhà báo hi sinh trên chiến trường, du khách thập phương còn được chiêm ngưỡng bức tượng Quan Âm thiên tổ thiên nhãn nghìn tay nghìn mắt bằng gỗ Long não khá lớn, được làm rất tinh xảo. Mùi hương từ gỗ tỏa ra, trong không gian tĩnh lặng sẽ làm cho tinh thần của mỗi người trở nên thư thái lạ thường khi đặt chân tới đây.