Ngôi chùa hơn 600 tuổi từng là viện Phật giáo lớn bậc nhất, được chúa Trịnh sắc phong là Đệ nhất danh lam vùng Đông Bắc
Đây đã từng là Đệ nhất danh lam, có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, kết cấu kiến trúc tinh xảo và có một lịch sử kháng chiến hào hùng.
Chùa Bắc Mã (Phúc Chí Tự) nằm ở xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đây là một trong những chùa am của thiền phái Trúc Lâm, được Đệ nhị tổ Pháp Loa xây dựng làm nơi tu học của tăng sinh trong quá trình tu học tại Quỳnh Lâm viện.
Còn theo văn bia tại chùa Quỳnh Lâm, địa điểm chùa Bắc Mã có thể được xây dựng từ thế kỷ XIII và nằm trong hệ thống các chùa tháp thuộc dòng thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Các chùa như Bắc Mã được coi như các địa điểm vệ tinh cho chùa Quỳnh Lâm, nhằm tiếp nhận sư sãi và là nơi tu tập thêm cho họ.
Chùa từng là một trong những viện Phật giáo lớn nhất ở miền Bắc. Nơi đây sở hữu khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, cùng kết cấu tinh xảo, khéo léo của kiến trúc cổ Việt Nam. Chùa Bắc Mã đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được những hiện vật thể hiện sự khéo léo kết hợp của nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc của các thời kỳ Trần, Hậu Lê, Nguyễn… Thời Lê trung hưng, chùa được chúa Trịnh sắc phong là Đệ nhất danh lam.
Theo các cụ cao niên ở Bắc Mã thì xưa chùa rất rộng lớn và linh thiêng. Theo các văn bia, thư tịch cổ thì chùa đã có từ thời Trần, được trùng tu lớn vào thời nhà Lê và Nguyễn. Đặc biệt, vào năm 1926, chùa được xây lại quy mô lớn hơn, thành một ngôi chùa rộng, đẹp. Tiếc rằng đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa bị thực dân phá dỡ hoàn toàn, chỉ còn một gò đất, nhiều tượng Phật quý bị đập nát.
Không chỉ là điểm đến tâm linh, chùa Bắc Mã được biết đến nhiều hơn là một cơ sở cách mạng thời kỳ tiền Cách mạng tháng Tám 1945. Tháng 4/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã triệu tập hội nghị quân sự cách mạng ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) quyết định thành lập 7 chiến khu trong cả nước. Thực hiện quyết định của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, Xứ ủy Bắc Kỳ đã đề ra chủ trương xây dựng Chiến khu Trần Hưng Đạo ở vùng Đông Bắc.
Chiến khu Trần Hưng Đạo bao gồm vùng duyên hải Bắc Bộ còn gọi là Đệ tứ Chiến khu hay Chiến khu Đông Triều. Trong thời gian chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chùa Bắc Mã là trụ sở đi về, hội họp của các thành viên ban lãnh đạo chiến khu, trạm đón nhận cán bộ Việt Minh, thanh niên yêu nước từ các nơi tìm đến. Chùa còn là trung tâm chuẩn bị về mặt hậu cần và địa điểm tập kết các lực lượng chủ yếu cho cuộc khởi nghĩa...
Chùa Bắc Mã là một tổng thể không gian kiến trúc quy mô được xây dựng trong một khuôn viên có diện tích tới 3 mẫu đất. Theo các văn bia, văn tự còn lưu giữ cho thấy lịch sử chùa Bắc Mã trên 600 năm và đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo.
Ngôi chùa nằm trên một thế đất đẹp, quay nhìn ra hướng tây. Các phía bắc, đông, nam của ngôi chùa giáp với làng xóm trù phú, nơi thiên nhiên ưu ái cho vùng đất địa linh nhân kiệt. Vườn chùa rộng và mát mẻ bởi cây cối cổ thụ tạo nét rêu phong cổ kính.
Chùa Bắc Mã là một tòa kiến trúc toàn vẹn và đẹp đẽ, trước cửa tiền đường được bố trí ba bậc lên xuống, phân đều khoảng cách bằng bốn con rồng chạm khắc tinh tế. Chính diện gian nhà tiền đường, phía trên cao treo một bức chạm nổi hình cuốn thư, trong lòng cuốn thư nổi lên bốn chữ “Phúc Chí Thiền Tự” sơn son thếp vàng. Đặc biệt, hai pho tượng Khuyến Thiện và Chừng Ác cao hơn 3m, mang đậm nét độc đáo của điêu khắc cổ…
Mái chùa được thiết kế uyển chuyển, mềm mại. Toàn bộ mái được lợp bằng ngói vẩy rồng đều đặn và được đỡ trên một bộ khung vững chắc… Giáp với tường phía đông là ngôi nhà lưu niệm trưng bày những hiện vật của Đệ tứ Chiến khu được thiết kế trang nghiêm và hài hòa…
Toàn bộ địa điểm ghi những dấu ấn lịch sử còn được định hình rõ rệt tạo nên một khuôn viên vừa đẹp vừa mang tính thiêng liêng được bao quanh bởi làng quê trù phú, mát mẻ. Những hiện vật còn lại tại chùa Bắc Mã như bia đá, con rồng, tháp... thể hiện tinh hoa nghệ thuật điêu khắc thời Trần, Hậu Lê, Nguyễn...
Với những giá trị trên, chùa Bắc Mã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 2379QĐ/BT ngày 5/9/1994 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).