Ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo cùng quy mô hoành tráng đã trở thành một điểm đến không thể bỏ lỡ với các du khách khi tới xứ Đoài.
Chùa Khai Nguyên (hay còn được gọi là Cổ Liêu Tự) trụ tại xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Theo lịch sử bia ký, ngôi chùa này được xây dựng từ nửa đầu thế kỷ XVI. Qua nhiều thế kỷ không có trụ trì chăm nom, ngôi chùa xuống cấp, phần lớn đất chùa được cắt cho nhân dân canh tác. Tới năm 1990, chùa Khai Nguyên xuống cấp trầm trọng và gần như trở thành phế tích.
Năm 2003, được sự đồng thuận của người dân và các cấp chính quyền, đại đức Thích Đạo Thịnh về trông nom và từ đó tu bổ, cải tạo, xây dựng lại chùa Khai Nguyên để đáp ứng nhu cầu tu học của tăng ni, cũng như tín đồ phật tử thập phương. Năm 2015, đại đức Thích Đạo Thịnh bắt đầu cho dựng pho đại tượng Phật A Di Đà, với thông điệp vì hòa bình thế giới.
Mặc dù được xây thêm rộng rãi, khang trang trên nền móng chùa cũ và được tôn tạo lại, nhưng phong cách kiến trúc của chùa vẫn mang dấu ấn kim cổ rất đặc sắc mà không mất đi giá trị lịch sử. Vì thế có thể nói, chùa Khai Nguyên là nơi kim cổ giao hòa. Các gian thờ chính được bố trí theo kiểu “tiền Phật hậu Tổ”, cuối là Tăng đường cùng tả vu, hữu vu, tháp Báo Ân, gác chuông, gác trống…
Phía trước chùa là một hồ nước lớn hình chữ nhật, quanh năm nước xanh như ngọc. Trên mặt hồ có lầu gác mô phỏng hình dáng chùa Một Cột. Đây là gian thờ Địa Tạng Vương Bồ tát, nơi có bộ kinh Địa tạng quý, thu hút sự quan tâm của nhiều Phật tử.
Điểm nhấn của ngôi chùa là pho đại tượng Phật A Di Đà cao khoảng 72m (được ghi nhận là cao nhất Đông Nam Á), phần đế rộng hơn 1.200m2, được xử lý bằng công nghệ ép cọc bê tông dự ứng lực nên rất vững chắc.
Bức tượng được tạo tác vô cùng tinh xảo với hình tượng Đức Phật A Di Đà uy nghiêm trong tư thế kiết già, gương mặt toát lên vẻ từ bi, trí tuệ. Trên tay trái của ngài là một đóa sen hồng chớm nở, tay phải ở tư thế Giáo hóa thủ ấn. Giữa hai lòng bàn tay của đức Phật đều có hình bánh xe Pháp luân đắp nổi, thể hiện những triết lý sâu xa của Phật giáo. Riêng phần đế là bông sen khổng lồ, với 3 lớp gồm 56 cánh hoa. Pho tượng thể hiện đầy đủ những nét đặc trưng của văn hóa Phật giáo Việt Nam...
Đại tượng được thiết kế 16 tầng với chiều cao 72m, trong đó có 12 tầng được thiết kế đặc biệt có thang máy, thang bộ. Mỗi tầng được trang trí một phong cách thờ phụng riêng.
Bước vào tầng 1 đại tượng là nơi được an trí chư vị lịch đại Tổ sư. An tọa chính giữa trên cao nhất là tôn tượng Trúc Lâm Tam Tổ, Sở tổ Điều Ngự Phật Hoàng Trần Nhân Tông; kế bên là đệ nhị tổ Pháp Loa và đệ tam tổ Huyền Quang. Tầng 2 của đại tượng Phật được an trí và tôn thờ 33 hóa thân của đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Trên tường và trần là những tác phẩm nghệ thuật có hoa văn, họa tiết cầu kỳ, tinh xảo đòi hỏi người thợ có kỹ thuật cao. Tầng 3 được tôn thờ Đức Đại Nhật Như Lai và Ngũ Phương Phật.
Tầng 4 được xây dựng với tâm nguyện cầu mong cho nhân loại được bình an, hạnh phúc, trường thọ... Vì vậy toàn bộ tầng 4 được tôn thờ Đức Phật Dược Sư và cảnh giới cõi Tịnh Lưu Ly phương Đông, quốc độ giáo hóa của Đức Phật Dược Sư.
Đặc biệt, tầng 12 của đại tượng được an trí và tôn thờ trái tim của Đức Phật A Di Đà, được tạc bằng chất liệu ngọc bích Nephrite Canada nguyên khối, có trọng lượng hơn 1 tấn. Đây chính là một trong những kiệt tác linh thiêng và nổi bật nhất của đại tượng.
Ngoài ra, chùa Khai Nguyên còn thu hút du khách bởi hệ thống tượng Phật gồm 1.975 pho lớn nhỏ trong gian Tam Bảo, tạo nên hình thái kiến trúc độc đáo. Chùa hiện lưu giữ một số di vật có giá trị lịch sử như: hai tấm bia đá có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 19 (năm 1759) và Gia Long thứ 14 (năm 1815), một quả chuông đồng niên hiệu Tự Đức thứ 22 (năm 1870). Đây là nguồn sử liệu quý cho thấy những giá trị văn hóa – lịch sử của chùa Khai Nguyên.
Với lối kiến trúc độc đáo cùng quy mô hoành tráng, chùa Khai Nguyên đã trở thành một điểm đến không thể bỏ lỡ với các du khách khi tới xứ Đoài. Không chỉ là một nơi để mọi người tới vãn cảnh và cầu phúc, đây còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động Phật giáo có ý nghĩa.