Với kế sách lấy thông tin, làm nội ứng giết giặc độc đáo, bà được coi là nữ tình báo đầu tiên của chính sử Việt Nam.
Được bao quanh bởi những rặng ruối cổ thụ, sừng sững như một toà thành, từ lâu Di tích lịch sử đình Ruối thờ Kiến Quốc phu nhân Lương Thị Minh Nguyệt cùng chồng là Đinh Công Tuấn nằm tại thôn Ngọc Chuế, xã Yên Nghĩa, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã trở thành điểm tham quan nổi tiếng của mảnh đất thành Nam.
Theo các bậc cao niên trong làng, rặng cây ruối đã được trồng ngay từ khi lập đình. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến nay, hàng ruối vẫn phát triển xanh tốt, giúp cho ngôi đình giữ nguyên nét mộc mạc, cổ kính nhưng không kém phần trang nghiêm.
Rặng ruối được chia thành 3 tầng với chiều dài khoảng 250m, rộng hơn 5m, cao đến 10m, chia làm 2 cổng ra vào. Cổng chính được tạo hình nghệ thuật với chiều cao 10m khiến tổng thể di tích càng thêm nguy nga, tráng lệ. Cổng này được mở mỗi khi có hội. Những ngày thường, người dân sẽ di chuyển qua cổng phụ.
Theo các tư liệu lịch sử, năm 1406, nhà Minh đem 20 vạn quân sang xâm lược nước ta. Năm 1407, tướng giặc Mộc Thạnh sai quân lấy đất núi Thiên Kiện (núi Bô), đập phá tháp Chương Sơn (xã Yên Lợi ngày nay) vận chuyển về cánh đồng Lai Cách (xã Yên Thọ) để đắp thành Cổ Lộng nhằm án ngữ đường thủy trên sông Đáy và đường bộ Thiên Lý từ Bắc vào Nam.
Trước cảnh ấy, bà Lương Thị Minh Nguyệt cùng chồng là ông Đinh Công Tuấn ở cách thành Cổ Lộng khoảng 3km đã bàn với chồng tìm cách tiêu diệt giặc ngoại xâm. Bằng cách mở quán bán hàng tại chân thành Cổ Lộng, bà Lương Thị Minh Nguyệt đã âm thầm nắm cách bố trí phòng bị của giặc, ghi chép thành sơ đồ. Khi Lê Lợi tiến quân ra Đông Quan, bà tìm đến dâng tấm sơ đồ vẽ kho lương thực và vũ khí, đề xuất kế sách hạ thành.
Một đêm cuối năm Bính Ngọ 1426, trong tiết trời giá rét, bà đem theo một số thôn nữ trẻ vào thành mang rượu, thịt bán cho giặc. Quân giặc không đề phòng, sau khi ăn uống no say liền chui vào túi để ngủ. Bà và các thôn nữ nhanh chóng thắt thật chặt các miệng túi. Khi thành chỉ còn lại đám lính nhỏ canh gác, bà mở cửa thành để ông Đinh Công Tuấn cùng binh lính phục sẵn dẫn đại quân xông vào. Thành Cổ Lộng nhanh chóng thất thủ.
Sau khi chiến thắng giặc Minh, vợ chồng bà không nhận chức quan vua Lê Thái Tổ ban mà chỉ xin ban ruộng đất và miễn sưu thuế 3 năm cho nhân dân trong vùng. Vợ chồng bà Lương Thị Minh Nguyệt sống trong cảnh bình yên của quê nhà thì bất ngờ ngày 25/11/1443 Âm lịch, cả hai bỗng dưng không bệnh mà qua đời. Vua Lê cho lập đền thờ Kiến Quốc ở làng, đem thi thể 2 người an táng sau đền, ban cho thôn 100 mẫu ruộng tốt để làm việc tế tự.
Năm 1902, đời vua Thành Thái năm thứ 13, đền được trùng tu quy mô lớn, đổi đền thành đình Kiến Quốc. Do trước đình có dậu bằng những cây ruối cổ thụ to che chắn cho ngôi đình hàng mấy trăm năm nay nên nhân dân quen gọi là đình Ruối. Đình sau nhiều lần trùng tu vẫn giữ được nét kiến trúc cổ truyền thống.
Tiền đường đình Ruối gồm 5 gian với 4 bộ vì làm theo kiểu chồng rường giá chiêng. Hệ thống vì kèo, các xà chạm khắc công phu với các đề tài tứ linh, tứ quý. Xà dọc tại gian giữa được chạm lưỡng long chầu nguyệt có những lớp đao mác nhiều tầng tiêu biểu của phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII).
Hậu cung gồm 4 gian được ngăn cách với bên ngoài bằng một hệ thống cửa. Vì kèo phía trên làm kiểu chồng rường. Tất cả các con rường chạm khắc công phu chủ yếu là họa tiết hình rồng tạo sự uy nghiêm, linh thiêng cho nơi đặt ngai và bài vị vợ chồng Kiến Quốc phu nhân.
Hàng năm, vào tháng 11 Âm lịch, nhân dân địa phương nô nức mở hội để tưởng nhớ Kiến Quốc phu nhân Lương Thị Minh Nguyệt. Lễ hội được diễn ra gồm nhiều hoạt động nổi bật như lễ yên vị nhà thờ tổ, lễ rước bánh lên đền, lễ chiếu văn, lễ rước Thánh về đình, lễ dâng hương...
Với những giá trị về lịch sử và văn hóa, đình Ruối được Nhà nước chính thức công nhận là Di tích Quốc gia vào năm 1992.