Nhà tình báo là cận vệ trung thành của Bác Hồ: Khiến quân địch nghe tên đã kinh hồn bạt vía, tên tuổi nổi danh khắp chiến trường

21-04-2024 00:25|Quỳnh Như

Theo các cựu chiến binh Tây Tiến, ông là một người không cấp bậc, chức vụ, không giữ trọng trách trong quân đội, trong chính quyền mà tên tuổi trùm thiên hạ.

Trong kháng chiến chống Pháp từ Liên khu 3, Liên khu 4, Bình Trị Thiên, Việt Bắc... các chiến sĩ quân đội, nhân dân đều biết tên ông. Tên tuổi của ông vang mãi tới Nam Bộ xa xôi. Đặc biệt ở miệt Cống Thần, chợ Đại (Hà Nam), Hà Nội... bà con nhắc đến ông với thái độ khâm phục, kính nể, trân trọng - người đó là ông Tạ Đình Đề.

Trường hợp đổi vai kỳ diệu trong lịch sử

Tạ Đình Đề (bí danh Lâm Giang) sinh năm 1917 tại thôn Đại Định, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Ông Tạ Đình Đề thời trẻ. Ảnh tư liệu/Báo Dân Việt

Ông Tạ Đình Đề thời trẻ. Ảnh tư liệu/Báo Dân Việt

Năm 1936, ông cùng với cha và anh trai sang Vân Nam (Trung Quốc) làm việc tại Công ty Hỏa xa. Tại đây, ông tham gia Hội Ái hữu Cứu quốc do Việt Minh tổ chức. Tạ Đình Đề từng được cử đi học tại các trường hạ sĩ quan, Trường Đặc vụ và Trường đào tạo gián điệp ở Trung Quốc (nơi đào tạo sử dụng các loại vũ khí, chất nổ, lái xe, lái máy bay…)

Ông tốt nghiệp xuất sắc Trường Quân sự Hoàng Phố và được tổ chức phân công hoạt động tình báo cùng phái bộ Mỹ trong phe Đồng minh chống phát xít Nhật. Sau đó, Mỹ đưa ông đi đào tạo nhảy dù ở Ấn Độ và Mỹ. Năm 1944, ông được Mỹ và Tưởng Giới Thạch đưa về hoạt động tại Huế, Sài Gòn.

Đối với nhiều người, ông Tạ Đình Đề là một thần tượng, một người anh hùng đã in sâu vào tâm trí thời trẻ. Có thể nói tên tuổi và con người ông từ lâu đã là huyền thoại, hầu như ít nhiều ai cũng từng một lần nghe kể. Nhưng hấp dẫn và thú vị nhất có lẽ là chuyện ông được kẻ địch cử đi ám sát Bác Hồ nhưng được Bác cảm hóa rồi trở thành cận vệ cho Bác.

Chuyện kể rằng hôm ấy, Bác đã ngồi vào bàn ăn cơm nhưng chưa dùng vội mà quay sang nói với đồng chí bảo vệ thật to rằng cho Bác xin thêm đôi đũa và cái bát (chén) vì hôm nay Bác có khách. Dù ngạc nhiên nhưng đồng chí bảo vệ vẫn mang bát đũa ra đặt lên bàn, đoạn hỏi: “Thưa Bác, sao khách vẫn chưa đến à?”. Bác điềm nhiên trả lời: “Vị khách đã đến lâu rồi nhưng các chú không biết để tiếp đón đấy thôi”. Rồi Bác hướng mắt về phía buồng ngủ nói to: “Xin mời chú Tạ Đình Đề xuống xơi cơm với Bác!”

Bỗng nhanh như chớp, một người từ tầng hai nhảy xuống đất, lách nhanh vào phòng ăn và đứng ngay trước mặt Bác. Các chiến sĩ bảo vệ thủ thế, sẵn sàng đối phó để bảo vệ Bác nhưng Bác khoát tay rồi mỉm cười thân thiện với vị khách đặc biệt: “Trông chú dạo này già dặn hơn trước nhiều, song có phần gầy và đen hơn lúc mới ra trường. Chắc chú vất vả lắm?”… Nhìn ánh mắt nhân từ, bao dung của Bác, vị khách lễ phép đáp: “Thưa Bác, trước hết cháu xin bày tỏ lòng khâm phục của cháu đối với Bác… Cháu xin hứa chấm dứt công việc của địch giao cho và xin phục tùng dưới sự điều hành, sai bảo của Bác”.

Từ đó, ông Tạ Đình Đề trở thành người cận vệ trung thành của Bác - một trường hợp đổi vai kỳ diệu trong lịch sử nước ta.

Tay súng kiêu hùng

Tạ Đình Đề là người kín đáo nhưng chính đồng đội của ông ở Tây Tiến lại thường nhắc đến ông. Ví dụ, trong những trận đánh ở Mai Châu, các cựu chiến binh hay kể tài chỉ huy của hai Đại đội trưởng Quốc Tuyển và Vạn Thắng. Thế nhưng cả hai ông Quốc Tuyển và Vạn Thắng đều khẳng định: Công đầu thuộc về Tạ Đình Đề. Bởi vì, chính ông Tạ Đình Đề làm chiến sĩ quân báo dũng cảm luồn lách vào lòng địch, nắm chắc lực lượng và cách bố trí trận địa của địch, vạch đường tiến cho đồng đội.

Ngày nay, du khách đi trên con đường số 6 qua Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La) không còn thấy dốc cao, đèo hiểm. Quốc lộ 6 mở rộng thành nhiều làn xe chạy với tốc độ cao, hai bên hoa đào, hoa ban nở đầy lãng mạn. Khó ai ngờ rằng những ngày Tây Tiến, dốc Đẹt là con đường rừng độc đạo, hiểm trở, đèo dốc hun hút được ví von là con đường “bách nhân khứ, nhất nhân hồi” (trăm người tới, chỉ một người về).

Trong những câu chuyện của đoàn binh Tây Tiến thì chiến thắng dốc Đẹt đã đi vào huyền thoại: Chỉ với hai tay súng là Khu trưởng Hoàng Sâm và Tạ Đình Đề đã chặn đứng cả đội quân Pháp thiện chiến. Thậm chí, chỉ một mình Tạ Đình Đề được ví như con sư tử trên đỉnh dốc Đẹt với tài bắn súng thiện xạ bách phát bách trúng khiến quân Pháp không vượt qua nổi con dốc, đành co cụm về Chiềng Sại!

Hình ảnh Tạ Đình Đề hóa trang vào hoạt động ở Hà Nội thời kháng Pháp 1947. Ảnh gia đình cung cấp/Báo Tuổi Trẻ

Hình ảnh Tạ Đình Đề hóa trang vào hoạt động ở Hà Nội thời kháng Pháp 1947. Ảnh gia đình cung cấp/Báo Tuổi Trẻ

Sau trận dốc Đẹt, Trung đoàn 52 Tây Tiến được hình thành, đảm đương nhiệm vụ hoạt động trên địa bàn Tây Bắc. Tư lệnh mặt trận Hoàng Sâm trở về Khu bộ nhận nhiệm vụ mới - Tư lệnh Liên khu 3. Ông Tạ Đình Đề được Tư lệnh Liên khu 3 điều động về Liên khu, làm Phó ban Tình báo Liên khu kiêm Đội trưởng Đội biệt động Liên khu 3.

Đây là giai đoạn tên tuổi Tạ Đình Đề nổi danh trên các ngả đường kháng chiến, tiếng đồn từ Nam ra Bắc, từ Hà Nội đến các thành phố, từ đồng bằng đến khắp rừng núi Tây Bắc, Việt Bắc... Ông khiến cho quân Pháp trong thành Hà Nội phải kinh hồn bạt vía khi nghe tên. Chính quân Pháp trong nội thành cũng góp phần thêu dệt nên những huyền thoại “xuất quỷ nhập thần” của Tạ Đình Đề.

Sau này, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền cách mạng nước ta: Ủy viên Công chính UBND Cách mạng lâm thời huyện Thanh Oai, Phó ban Tình báo Liên khu 2 trực thuộc Bộ Tư lệnh Liên khu 2, Chủ nhiệm Tổng kho Biên giới Lạng Sơn, Trưởng đoạn Đầu máy Hà Nội, Trưởng ban Thể dục - Thể thao, kiêm Giám đốc Xưởng Dụng cụ Cao su Đường sắt trực thuộc Tổng Cục Đường sắt.

Biến cố cuộc đời Tạ Đình Đề

Ông Tạ Đình Đề cùng vợ và gia đình. Ảnh gia đình cung cấp/Báo Tuổi Trẻ

Ông Tạ Đình Đề cùng vợ và gia đình. Ảnh gia đình cung cấp/Báo Tuổi Trẻ

Tháng 11/1974, ông bị bắt tạm giam. Đến cuối năm 1975, sau một năm bị tạm giam, ông mới được phép gặp mặt gia đình trong khoảng thời gian ngắn.

Những ngày ngồi tù, dù bị khổ sở về điều kiện ăn ở, sức khỏe giảm sút, những ý nghĩ về việc bị bắt luôn ám ảnh trong đầu, ông vẫn tự động viên mình giữ niềm tin rằng, một ngày nào đó, sẽ có người minh oan cho mình, và ông sẽ được trả tự do.

Và điều ông mong mỏi rồi cũng đến. Tháng 6/1976, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa vụ án Tạ Đình Đề ra xét xử. Tại đây, tòa đã tuyên ông vô tội và minh oan cho ông.

Nhưng chưa hết nạn này đã vướng nạn khác, tháng 9/1985, ông lại bị bắt tạm giam lần hai để điều tra phúc thẩm vụ án năm 1974 của ông. Một năm sau, Tạ Đình Đề lại phải ngồi tù lần hai.

Đến tận năm 1987, ông mới được trả tự do nhưng chưa được minh oan. Mãi đến năm 1989, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao mới ký quyết định đình chỉ điều tra vụ án Tạ Đình Đề. Tháng 6/1992, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao mới chính thức ra công văn đình chỉ điều tra phúc thẩm vụ án Tạ Đình Đề, phục hồi mọi quyền lợi hợp pháp cho ông.

Ông Tạ Đình Đề trong những năm cuối đời. Ảnh tư liệu/Báo VTC

Ông Tạ Đình Đề trong những năm cuối đời. Ảnh tư liệu/Báo VTC

Vụ án oan Tạ Đình Đề kéo dài đằng đẵng 16 năm đã được làm sáng tỏ, ông đã được minh oan và phục hồi mọi quyền lợi.

Ngày 17/1/1998, ông Tạ Đình Đề qua đời, hưởng thọ 81 tuổi. Ghi nhận những đóng góp của ông cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Năm 2007, Chủ tịch nước đã truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho ông Tạ Đình Đề.

Tham khảo:

- Vẫn bất tận một Tạ Đình Đề - Báo Tiền Phong

- Những góc khuất trong cuộc đời Tạ Đình Đề - Báo VnExpress

- Huyền thoại về Tạ Đình Đề - Báo CAND

- Kỳ án hiện đại - Bài 1: Tạ Đình Đề hai lần bị xử - Báo Pháp Luật

- Người đi Tây Tiến mùa xuân ấy: Tạ Đình Đề tên tuổi trùm thiên hạ - Báo Thanh Niên

>> Vị Giáo sư từng là Chủ tịch Hiệp hội Y học các nước Đông Nam Á, trở thành Hiệu trưởng Trường Y sĩ Việt Nam khi mới 30 tuổi, được mệnh danh là lão thần trụ cột của nền y học Việt Nam

Người đầu tiên giữ chức Tổng Thanh tra Chính phủ: Người anh em chí thiết, cộng sự đắc lực của Bác Hồ, được truy tặng huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam

Vị tướng thân tình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Đội trưởng Đội du kích Ba Tơ, được Bác Hồ tặng 3 bảo vật

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nha-tinh-bao-la-can-ve-trung-thanh-cua-bac-ho-khien-quan-dich-nghe-ten-da-kinh-hon-bat-via-ten-tuoi-noi-danh-khap-chien-truong-d120944.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhà tình báo là cận vệ trung thành của Bác Hồ: Khiến quân địch nghe tên đã kinh hồn bạt vía, tên tuổi nổi danh khắp chiến trường
    POWERED BY ONECMS & INTECH