Suốt hàng trăm năm qua, ngôi làng này vẫn chỉ có duy nhất một chiếc quan tài và được sử dụng cho tất cả người dân trong làng khi khuất núi.
Tập tục kỳ lạ dành cho người mất
Long Sơn là ngôi làng nằm cách biệt với đất liền, thuộc địa phận phường 12, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày nay, hệ thống giao thông đã được hoàn thiện để kết nối Long Sơn với thế giới bên ngoài nhưng những tập tục cùng quan niệm tín ngưỡng kỳ lạ của người dân nơi đây vẫn vậy, vẫn như một “thế giới bí ẩn” tách biệt với cuộc sống bên ngoài.
Điều khác lạ ở Long Sơn chính là chuyện về những người chết ở đây, khi đem chôn đều được dùng chung... một chiếc quan tài. Nghĩa là, từ trăm năm qua, làng này chỉ có duy nhất một chiếc quan tài, ai ra đi về cõi vĩnh hằng thì đều được khâm liệm bằng chiếc quan tài đó trước khi nằm lại vĩnh viễn nơi đất mẹ thân yêu, họ được quấn bằng một chiếc chiếu.
Và, kỳ lạ hơn nữa là tất cả những người chết ở Long Sơn, dù giàu hay nghèo, dân thường hay chức vị thì đều lặng lẽ đưa ma chứ không kèn, không trống, không điếu văn hay bất cứ một hình thức nghi lễ rườm rà hay thông thường nào. Người thân, họ hàng đều lặng lẽ đưa người đã khuất về nơi an nghỉ vào những buổi chiều, buổi tối khuất bóng hoàng hôn sau đó âm thầm đi về, rất lặng lẽ.
Có lẽ, khi bỏ qua tất cả các nghi lễ, bỏ qua những quan niệm sinh, tử bình thường ở cõi nhân gian thì chuyện hàng ngàn thân xác, suốt bao đời qua cùng nhau nằm chung một cỗ quan tài cũng là một chuyện khá đặc biệt và ít nhiều sẽ khiến người ta run sợ.
Nói về điều này, cô Ba Kiềm - người dân tại xã Long Sơn chia sẻ: “Do quan niệm của đạo Ông Trần (tức người lập làng Long Sơn) là sống thì đồng sàng, đồng mộng, đồng cam cộng khổ nên chết cũng phải nằm đồng quan, tức là chung một chiếc quan tài, để thể hiện rằng mọi người sinh, tử trong cõi nhân gian này là hoàn toàn bình đẳng. Đó chính là điều giáo huấn cuối cùng của đời người mà đạo Ông Trần muốn gửi đến con cháu”.
Mặc dù không có quan tài nhưng trên bia mộ, nơi được xây kiên cố ngay sau khi chôn luôn có một… bài thơ đưa tiễn. Đó là những bài thơ của những người thân với người đã nằm xuống nơi đó như con khóc thương cha, vợ khóc chồng, anh chị em khóc nhau hay thậm chí cả những người không quen biết cũng làm thơ tiễn biệt nhau nữa.
Hơn 100 năm qua, cuộc sống đổi thay nhiều nhưng người dân Long Sơn vẫn giữ được những nét đẹp đời thường như thời ông Trần còn sống. Đó là việc đám tang chôn cất trong vòng 24 giờ kể từ khi người chết lâm chung và người thân không bao giờ coi ngày giờ, khâm liệm, cúng bái hay lễ nghi gì mà xả tang ngay tại mộ.
Chuyện cưới hỏi cũng khác đời thường
Theo tiết lộ của người dân trong làng, chuyện trai gái dựng vợ gả chồng ở Long Sơn cũng rất khác so với các cặp đôi uyên ương trẻ ở nơi khác bởi ở đây không bao giờ tổ chức lễ cưới, hỏi cũng như rước dâu, phù rể gì. Nếu đôi bạn trẻ nào tìm hiểu, muốn cùng nhau xây dựng hạnh phúc trăm năm chỉ cần sắm chút lễ cau trầu rồi mời gia đình hai bên đến nói chuyện là xong. Ngoài ra, bà con họ hàng, lối xóm có thể mang bánh, trái cây đến chúc phúc chứ tuyệt nhiên không bao giờ đứng ra tổ chức liên hoan tiệc tùng, mời mọc họ hàng trai gái hai bên.
Kỳ lạ hơn nữa, ngay cả việc chọn lựa ngày để thành hôn, để vu quy cũng không được phép lựa chọn ngày lành tháng tốt như thường, hàng ngàn cặp vợ chồng từ xưa đến nay ở Long Sơn chỉ toàn gặp nhau và động phòng hoa trúc vào một đêm tân hôn cố định, đó là ngày 1 và ngày 16 hàng tháng theo lịch âm mà thôi. Thế nên, nhiều cặp vợ chồng về sinh sống với nhau mà cứ lặng lẽ, âm thầm như chưa từng cưới hỏi vậy.
Dù lễ cưới có vẻ giản đơn nhưng ở Long Sơn rất ít khi xảy ra chuyện li hôn, li dị hay những bất hòa trong cuộc sống vì họ đều cho đó là điều cấm kỵ, làm tổn hại đến tinh thần nên trừ những trường hợp hi hữu, các cặp vợ chồng ở đây đều sống khá hòa thuận, bình yên. Và, cũng vì những giới luật của mình mà con cháu đời sau của Ông Trần, những người sinh sống ở trên đảo Long Sơn luôn hết lòng yêu thương, giúp đỡ nhau.
Với họ, tất cả những nghi lễ, những quan niệm “rườm rà” của cuộc sống, của chuyện ma chay, cưới hỏi đều không là một cái gì đó quá lớn lao. Có lẽ, chính vì những quan niệm, những tập tục sinh hoạt vô cùng độc đáo của cộng đồng mình như thế mà bao năm qua, Long Sơn vẫn luôn là một “ốc đảo” biệt lập với thế giới rộng lớn bên ngoài theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của nó.
Chia tay làng đảo Long Sơn, men theo con đường nhựa phẳng lỳ từ khu Bến Đá để trở lại quốc lộ 51, nhìn lại làng đảo yên bình nằm nép dưới ngọn núi Nứa xanh ngát như từ ngàn năm qua cùng bao điều kỳ bí vẫn khiến nhiều du khách khi tới đây không khỏi ngỡ ngàng, dù vừa mới tận mắt, tận tai nghe được. Đây đúng thực là một ngôi làng vô cùng độc đáo trong hàng vạn những ngôi làng ở khắp đất nước Việt Nam này.
>> Ngôi làng cổ đẹp như tranh vẽ vỏn vẹn 400 cư dân, bỗng dưng nườm nượp du khách nhờ 1 bộ phim