Ngọn núi chỉ cao 100m nằm giữa ngã ba sông ở miền Bắc Việt Nam, được ví như ‘cảnh tiên chốn trần gian’ và là nơi hiếm hoi lưu giữ nhiều áng văn cổ trong gần 7 thế kỷ
Ngọn núi này được xếp hạng “di tích cấp quốc gia đặc biệt”, là tọa độ thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến khám phá.
Núi Non Nước (hay còn gọi là Dục Thúy Sơn) là một ngọn núi nằm bên ngã ba sông Đáy và sông Vân thuộc phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình. Nơi đây không chỉ được mệnh danh là “tiên cảnh chốn trần gian” mà còn được gọi là "bảo tàng thơ ca" với hơn 40 bài thơ của danh nhân được khắc trên vách đá.
Chứng nhân lịch sử
Nằm ở vị trí quan trọng bên dòng sông Đáy, sông Vân, quốc lộ 10 và là nơi hợp lưu của nhiều tuyến đường lớn, núi Non Nước đã trở thành nơi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại nhất của đất nước ta.
Trong thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt, núi Non Nước chính là trạm tiền tiêu của kinh thành Hoa Lư. Sau đó, nơi đây lại chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực từ triều đại nhà Đinh sang nhà Tiền Lê trong lịch sử nước ta. Ở bến Vân Sàng nằm dưới chân núi, hoàng hậu Dương Vân Nga đã trao Long Bào cho tướng quân Lê Hoàn, và chờ đợi ngày tướng quân Lê Hoàn đánh đuổi giặc xâm lược nhà Tống lần thứ nhất trở về, mở ra chiến thắng vang dội trong lịch sử dân tộc.
Còn trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc thực dân, núi Non Nước là nơi để tập hợp tinh thần yêu nước, đấu tranh của nhân dân chống lại giặc ngoại xâm. Cụ thể, năm 1929, chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi Lương Văn Tụy (1914 -1932) đã anh dũng xung phong vượt bom đạn để cắm ngọn cờ búa liềm trên núi Non Nước.
Đặc biệt, ít ngọn núi nào lại có hơn 40 bài thơ được tạc vào vách núi và hàng trăm bài vịnh cảnh của nhiều danh nhân qua các triều đại, nào là Trần Anh Tông, Phạm Sư Mạnh, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Cao Bá Quát, Nguyễn khuyến…
Trải qua biết bao nhiêu năm tháng và thời tiết khắc nghiệt, ấy vậy mà những tác phẩm để đời đó vẫn còn nguyên vẹn đến ngày hôm nay.
Tham quan những gì tại núi Non Nước?
Năm 1962, núi Non Nước được xếp hạng di thắng cấp quốc gia, nay là di tích cấp quốc gia đặc biệt, dần dần trở thành tọa độ thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến check-in với những hạng mục nổi bật như:
183 bậc đá
Leo lên 183 bậc đá để lên đỉnh núi bằng phẳng với đầy cây xanh, nơi bạn có thể nhìn thấy những dòng sông đẹp mê hồn, những đám mây tuyệt đẹp và bầu trời từ trên cao.
Trên đỉnh còn có tượng đài chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi Lương Văn Tụy và lầu đón gió từ thế kỷ 14 - nơi Trương Hán Siêu ngồi cùng các văn sĩ khác để nói chuyện và ngâm thơ.
Chùa Non Nước
Đây là một ngôi chùa cổ tọa lạc dưới chân núi Non Nước. Ngôi chùa này chính là một di tích lịch sử, chứng kiến quá trình chuyển giao chế độ từ nhà Đinh sang nhà Lê. Bên cạnh việc thưởng thức những bài thơ cổ khắc trên vách đá của các vị cao nhân, du khách còn cảm nhận được vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của sông Đáy bao quanh ngôi Chùa, con sông đã từng đi qua biết bao nhiêu thời kỳ lịch sử.
Đứng nhìn từ xa du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc yên bình, yên ắng của vùng quê Việt Nam. Đây chắc chắn là một điểm đến bạn không thể bỏ qua nếu đã đặt chân đến tham quan núi Non Nước.
Đền thờ Trương Hán Siêu
Đền thờ Trương Hán Siêu nằm dưới chân núi Non Nước bên cạnh dòng sông Đáy nên luôn có khí hậu mát mẻ, xung quanh được bao phủ bởi rừng cây xanh mát. Nơi đây được xây dựng lên để thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu. Đền được thiết kế theo dáng chữ Đỉnh, bên trên có hai con rồng chầu mặt nguyệt.
Mỗi dịp Tết đến, đền sẽ tổ chức ngày hội khai bút và tặng chữ cho học sinh cũng như người dân địa phương. Bởi vậy, du khách thường đến tham quan đền thờ rất đông vui để xin chữ và thắp hương cầu an cho gia đình mình.
Núi Non nước tọa lạc ngay trong thành phố Ninh Bình, nên du khách có thể dễ dàng di chuyển và tìm tới đây. Hơn nữa, từ thủ đô Hà Nội đến thành phố Ninh Bình chỉ khoảng 100km, nên bạn có thể tới núi Non Nước tham quan và quay về trong ngày.