Nhà xưởng, cơ sở kinh doanh bị bão phá hỏng, ai sẽ được bảo hiểm bồi thường?
Bão số 3 vừa đi qua, tài sản của người dân bị hư hại phần lớn là văn phòng, nhà cửa, xưởng sản xuất,... Những thiệt hại này được quy định ra sao trong các hợp đồng bảo hiểm, có phải cứ mua bảo hiểm là được bồi thường?
Trao đổi với VietNamNet, đại diện truyền thông một công ty bảo hiểm lớn tại Việt Nam cho biết, bão số 3 gây thiệt hại về tài sản cho người dân, doanh nghiệp như nhà xưởng, máy móc, phương tiện giao thông,... Doanh nghiệp này đang thống kê tổn thất của khách hàng và chưa có thông tin cụ thể.
“Từ đêm qua (7/9) đến nay, chúng tôi liên tục nhận được thông báo của khách hàng về thiệt hại tài sản. Các bộ phận chuyên môn đang tiến hành thống kê, tổng kết và chưa có con số cuối cùng. Sau khi thống kê đầy đủ, chúng tôi sẽ triển khai các bước tiếp theo. Thiệt hại chủ yếu tập trung vào các loại tài sản như nhà xưởng, ô tô...”.
Tuy nhiên, việc doanh nghiệp bảo hiểm có bồi thường cho khách hàng hay không còn tùy vào điều khoản ghi trong hợp đồng bảo hiểm.
"Tùy từng hợp đồng của khách hàng có tham gia các quyền lợi như thế nào. Còn những điều khoản theo quy định chung của bảo hiểm thì doanh nghiệp nào cũng như nhau”, vị này nói.
Một nhân viên công ty cho thuê tài chính thuộc nhóm ngân hàng Big4 chia sẻ, thông thường, khách hàng thuê tài chính tại công ty để mua tài sản sẽ được công ty yêu cầu mua bảo hiểm tài sản.
Tuy nhiên, trong một hợp đồng bảo hiểm, sẽ có vô vàn điều khoản. Nếu khách hàng mua bảo hiểm mà không có điều khoản bồi thường trong những trường hợp như thiên tai, bão lũ thì khách hàng phải chịu thiệt hại; còn nếu mua, khách hàng sẽ phải chịu thêm phí bảo hiểm.
“Bảo hiểm quan trọng nhất đối với ô tô là trường hợp xe bị thủy kích (ngập nước). Quy định này có trong điều khoản BS02 (điều khoản bổ sung) trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp xe bị thủy kích mà hợp đồng bảo hiểm có điều khoản này thì chủ xe sẽ được bồi thường. Phí bảo hiểm đối với điều khoản này dao động từ 0,01-0,02% giá trị tài sản.
Trường hợp cây đổ đè lên xe trong gió bão thì tùy từng công ty bảo hiểm. Có công ty bảo hiểm mở rộng phạm vi bảo hiểm, khách hàng có thể chọn lựa mua thêm và phải trả thêm phí bảo hiểm”.
Thông thường, với những tài sản có giá trị nhỏ, chủ tài sản sẽ bỏ qua điều khoản này. Nhưng với những tài sản có giá trị lớn, chủ tài sản sẽ không tiếc tiền để mua thêm, kể cả điều khoản bảo hiểm trong trường hợp tài sản bị trộm cắp phụ tùng. Có hãng bảo hiểm cấp thêm dịch vụ như vậy đối với những chiếc xe sang.
Tuy nhiên, khi mua bảo hiểm tài sản, quan trọng nhất không phải bên nào mua mà là bên nào thụ hưởng khi có bồi thường.
“Đối với những tài sản như nhà xưởng, máy móc công trình, ô tô,... khi khách hàng vay tiền để mua sẽ được công ty cho thuê tài chính yêu cầu mua bảo hiểm bắt buộc. Khách hàng sẽ phải mua bảo hiểm đó và phải chịu thanh toán phí bảo hiểm. Nhưng khi xảy ra tổn thất, người được thừa hưởng bồi thường là bên cho vay, tức là chủ tài sản thực sự, trừ trường hợp khách hàng đã tất toán khoản vay”, nhân viên công ty cho thuê tài chính cho hay.
Người này cũng nói thêm, có rất nhiều hình thức bảo hiểm, đối với những công trình nhà xưởng, máy móc,... mức độ bảo hiểm cao nhất là bảo hiểm cho mọi rủi ro. Khi xảy ra rủi ro, kể cả thiên tai bão lũ, công ty bảo hiểm sẽ phải bồi thường. Nhưng phí bảo hiểm sẽ rất cao nên các doanh nghiệp tư nhân thường bỏ qua loại hình bảo hiểm này.
Với những máy móc trị giá từ 2-3 tỷ đồng, phí bảo hiểm lên đến hàng chục triệu đồng nên không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng chi tiền bảo hiểm.
Theo Khoản 26 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô. Theo đó, bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng. Tại hợp đồng bảo hiểm vật chất/quy tắc bảo hiểm xe cơ giới quy định rất rõ các rủi ro được bảo hiểm, phạm vi bồi thường và cả các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Xe bị ngập nước do thiên tai là trường hợp bất khả kháng (bao gồm nhưng không giới hạn bão lũ, lụt, sét đánh, giông tố, động đất, sóng thần,... ) đều thuộc trường hợp được bảo hiểm. Trường hợp ngập lụt gây ra cho cả một vùng rộng lớn khiến xe có mua bảo hiểm vật chất bị ngập nước gây ra thiệt hại thuộc trường hợp được bảo hiểm bồi thường thiệt hại. |
>>Trường hợp ô tô bị cây đè có được công ty bảo hiểm đền bù?
Mưa do ảnh hưởng của bão số 3 sẽ kéo dài đến khi nào?
Thủ tướng chỉ đạo 5 mục tiêu và các giải pháp cấp bách sau bão số 3