Nhận định chứng khoán tuần từ 6 - 10/12: Tích lũy quanh vùng 1.440 - 1.450 điểm

06-12-2021 07:39|Hữu Kiên

VN-Index diễn biến giằng co trong phiên 3/12/2021 trước khi giảm mạnh về cuối phiên với các nhịp giảm gối đầu. Thanh khoản gia tăng trong phiên giảm sâu cho thấy rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh trong những phiên tới đang có phần lấn át. Mặc dù vậy, theo CTCK KB Việt Nam (KBSV), chỉ số đang dần lùi về điểm đỡ gần tại quanh 1.410 điểm - tương ứng với MA50 nên có thể kỳ vọng việc xuất hiện một nhịp hồi phục kỹ thuật tại đây.

Nhìn lại chứng khoán tuần 29/11 - 3/12:

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động tiêu cực trong tuần giao dịch từ 29/11 đến 3/12. VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ở mức 1.443,32 điểm -giảm 49,71 điểm (-3,3%) so với tuần trước đó. HNX-Index cũng giảm 9,36 điểm (-2%) xuống 449,27 điểm. UpCOM-Index giảm 2,23 điểm (-2%) xuống 112,11 điểm.

Thanh khoản thị trường dù giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn duy trì ở mức rất cao. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 36.121 tỷ đồng/phiên - giảm 9% trong đó giá trị khớp lệnh bình quân giảm 7,7% và đạt 33.976 tỷ đồng/phiên.

Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân vẫn đổ mạnh vào thị trường để cân lại lực bán lớn từ khối ngoại và nhóm tự doanh công ty chứng khoán.

Theo dữ liệu từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước có tuần mua ròng thứ 5 liên tiếp trên HOSE với giá trị giảm 29% so với tuần trước đó và đạt 3.364 tỷ đồng trong đó có 3.791 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh. Tính chung cả 5 tuần giao dịch vừa qua, cá nhân trong nước mua ròng tổng cộng 17.661 tỷ đồng (17.275 tỷ đồng đến từ khớp lệnh).

Tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) giao dịch tích cực trở lại khi chấm dứt chuỗi 3 tuần bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng nhẹ 261 tỷ đồng. Dù vậy, nếu tính về khớp lệnh thì dòng vốn này vẫn bán ròng 488 tỷ đồng.

Giao dịch của khối ngoại vẫn theo chiều hướng rất tiêu cực khi có tuần bán ròng thứ 5 liên tiếp với giá trị giảm nhẹ 3,6% so với tuần trước và ở mức 3.181 tỷ đồng. Tính chung cả 5 tuần vừa qua, dòng vốn ngoại sàn này bán ròng tổng cộng 10.898 tỷ đồng.

Khối tự doanh cũng giao dịch tiệu cực khi bán ròng 444 tỷ đồng. Nếu tính theo giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn này mua ròng trở lại 75 tỷ đồng sau 4 tuần bán ròng liên tiếp.

Về diễn biến giá cổ phiếu, phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu có biến động không tốt trong tuần giao dịch vừa qua. Trong top 30 vốn hóa toàn thị trường chứng khoán chỉ có vỏn vẹn 3 mã tăng giá. VIC của Vingroup (VIC) gây bất ngờ khi tăng hơn 7% và là mã có đóng góp quan trọng nhất giúp kìm hãm đà giảm của VN-Index. Ngày 3/12, Hội đồng Quản trị Vingoup phê duyệt chuyển nhượng toàn bộ 51,52% vốn góp trong Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, trụ sở tại Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng, Việt Nam (VinFast Việt Nam) cho VinFast Trading and Investment Pte.Ltd., một công ty con của Tập đoàn Vingroup có trụ sở chính tại Singapore (“VinFast Singapore”).

Hai mã khác tăng giá trong top 30 vốn hóa cũng thuộc ngành bất động sản là THD của Thaiholdings (THD) và NVL của Novaland (NVL) với lần lượt 1,4% và 0,27%.

Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng giảm mạnh nhất với VCB (-7,1%), CTG (-3,8%), BID (-7,6%), VPB (-8,9%), MBB (-6,6%), TCB (-7%), ACB (-5,9%), SHB (-7,8%), STB (-9,2%), ACB (-5,9%), LPB (-9,83), MSB (-9,9%), OCB (-9,54%), SSB (-5,6%), EIB (-6,25%) …

Nhóm cổ phiếu tài chính khác là công ty chứng khoán cũng có tuần bị bán mạnh với CTS (-13%), ORS (-12,8%), FTS (-12,4%), TVB (-12,2%), BSI (-9,2%), HCM (-8,6%), VND (-6,4%), SSI (-5,6%), SGR (-3,1%), VCI (-6,7%)…

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đa số cũng gây thêm sức ép với VRE (-7,6%), VJC (-7%), PLX (-6,1%), GAS (-5,3%), ( MSN (-4,1%), VHM (-3,7%) VNM (-2,83%), HPG (-2,75%), SAB (-2%), chỉ còn VIC khởi sắc với mức tăng 7,1%, NVL nhích nhẹ 0,2%.

Nhận định chứng khoán tuần 6 - 10/12:

Các chuyên gia chứng khoán

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: Phiên giảm mạnh cuối tuần vừa rồi theo tôi do tổng hòa của nhiều yếu tố trong đó tác nhân đầu tiên lo ngại biến thể mới Omicron lây lan, đặc biệt được cộng hưởng bởi thông tin đã có những ca nhiễm biến thể mới đầu tiên tại một số nước Đông Nam Á.

Trường hợp biến thể mới lan tới Việt Nam sẽ là một đòn đánh bồi thêm với nền kinh tế khi chúng ta mới ở giai đoạn đầu hồi phục sau khi quý III sụt giảm nặng nề. Bên cạnh đó, Fed đang phát đi thông điệp sẽ đẩy nhanh quá trình cắt giảm chương trình mua tài sản và nâng lãi suất sớm hơn dự kiến. Chính những điều này khiến không chỉ VN-Index mà các kênh tài sản khác trên thế giới đều bị bán khá mạnh, nhất là kênh tiền ảo với mức sụt giảm 2 chữ số cuối tuần qua.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS): Tâm lý thị trường Việt Nam đã bị dao động mạnh sau khi biến chủng Omicron gây chao đảo nhiều thị trường quốc tế lớn trong những ngày qua. Việc lo ngại thị trường tài chính thế giới quay lại giai đoạn khó khăn như năm ngoái cùng với việc chứng khoán trong nước đã có chuỗi tăng rất mạnh trong tuần trước đó đã dẫn đến hoạt động bán tháo ồ ạt nhằm hạn chế rủi ro và chốt lời của nhà đầu tư.

Thị trường tuần tới sẽ vẫn còn trạng thái tâm lý nặng nề và nhiều khả năng xu hướng điều chỉnh còn tiếp tục vài phiên trước khi chạm các vùng hỗ trợ mạnh.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam: Tôi cho rằng, nguyên nhân tác động trực tiếp gây ra phiên giảm mạnh này chủ yếu là do rủi ro đã liên tục gia tăng lên nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong xuyên suốt 2 tuần qua. Đồng thời, các cổ phiếu “đầu cơ” đã có hiện tượng giảm kịch sàn và mất thanh khoản trong ba phiên giao dịch gần đây, điều này đã khiến xuất hiện hiệu ứng bán tháo “domino” trong phiên thứ 6 khi xuất hiện tình trạng giải chấp ở nhóm cổ phiếu đầu cơ.

Ngoài ra, nguyên nhân gián tiếp đến từ biến chủng Omicron và đà bán ròng mạnh của khối ngoại cũng khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn trong ngắn hạn.

Chỉ số VN-Index đã xuyên thủng các mức hỗ trợ quan trọng trong ngắn hạn, tôi cho rằng điều này đã khiến xu hướng ngắn hạn của chỉ số này trở nên tiêu cực hơn cho nên thị trường có thể sẽ còn giảm trong tuần tới và kiểm định lại các ngưỡng hỗ trợ kế tiếp 1.420 – 1.425 điểm.

Các công ty chứng khoán

CTCK KB Việt Nam (KBSV): Xuất hiện một nhịp hồi phục kỹ thuật

VN-Index diễn biến giằng co trong phiên 3/12 trước khi giảm mạnh về cuối phiên với các nhịp giảm gối đầu. Thanh khoản gia tăng trong phiên giảm sâu cho thấy rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh trong những phiên tới đang có phần lấn át. Mặc dù vậy, chỉ số đang dần lùi về điểm đỡ gần tại quanh 1.410 điểm - tương ứng với MA50 nên có thể kỳ vọng việc xuất hiện một nhịp hồi phục kỹ thuật tại đây.

Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể kê lệnh mua trở lại 1 phần vị thế trading khi VNIndex về lại vùng hỗ trợ đã đề cập nhưng ưu tiên cho các cổ phiếu sẵn có trong danh mục.

CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS): Tích lũy quanh vùng 1.440 - 1.450 điểm

Vùng 1.430 - 1.440 điểm vẫn đang đóng vai trò ngưỡng hỗ trợ cho xu hướng tích lũy của chỉ số. Tuy nhiên dòng tiền yếu trên thị trường và những lo ngại xung quanh biến chủng Omicron khiến cho triển vọng tăng điểm của chỉ số trong những tuần cuối năm trở nên “mong manh” hơn. Thanh khoản từng phiên và cả tuần đều sụt giảm so với tuần trước cho thấy dòng tiền đã rút ra một phần và có xu hướng chờ đợi các vùng giá chiết khấu hơn rồi mới quay trở lại.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, VCBS vẫn kỳ vọng diễn biến của các chỉ số trong một vài tuần tới sẽ dần ổn định và củng cố thêm nền tích lũy quanh vùng 1.440 - 1.450 điểm. Mặc dù vậy, giai đoạn này sẽ phù hợp với những nhà đầu tư theo chiến lược “lướt sóng” ngắn hạn hơn là trường phái đầu tư dài hạn.

Mặt khác, VCBS cho rằng, một mặt bằng giá mới đang dần được thiết lập kể từ thời điểm VN-Index vượt 1.400 điểm. Theo đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân với tỷ trọng nhỏ để tích lũy dần những mã cổ phiếu có nền tảng tài chính tốt và tiềm năng tăng trưởng tích cực trên cơ sở kỳ vọng về sự phân hóa giữa các cổ phiếu dựa trên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý cuối cùng của năm 2021 này.

CTCK Bản Việt (VCI): Kiểm định hỗ trợ ngắn hạn tại 1.440 điểm

Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của tất cả các chỉ số đều chuyển xuống mức tiêu cực khi ngưỡng hỗ trợ MA20 bị vi phạm. Hiện tại, hỗ trợ tiếp theo của các chỉ số là vùng đáy hình thành trong tháng 11 cũng như hỗ trợ MA50 ngày.

VCI dự báo trong phiên giao dịch tới, thị trường sẽ tiếp tục quán tính giảm vào đầu ngày để chỉ số VN-Index kiểm định hỗ trợ ngắn hạn tại 1.440 điểm và thậm chí là đường MA50 ngày tại 1.425 điểm. Lực cầu được kỳ vọng sẽ có sự hồi phục từ vùng giá thấp từ vùng hỗ trợ để giúp đối trọng lại với áp lực bán ra và dẫn tới một nhịp hồi phục kỹ thuật sau đó. Ở kịch bản này, VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ vừa đánh mất tại 1.470 điểm tạo bởi đường MA10 ngày. Ngược lại, ở kịch bản kém khả quan hơn nếu VN-Index đóng cửa dưới MA50 tại 1.425 điểm, chỉ số này có thể tiếp tục bị bán tháo xuống hỗ trợ thấp hơn tạo bởi đường MA100 ngày quanh 1.380 điểm.

CTCK Mirae Asset (Mirae Asset): Rơi về trạng thái giảm điểm

Áp lực bán sau khi VN-Index vượt 1,500 điểm cùng với lo ngại về biến chủng Covid mới đã khiến VN-Index rơi vào diễn biến điều chỉnh. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của chỉ số là 1.430 điểm và thấp hơn là 1.400 điểm. Mirae Asset đánh giá xu hướng ngăn hạn của VN-Index là rơi về trạng thái giảm điểm.

Nhận định chứng khoán 16 - 20/12: Cân nhắc khả năng VN-Index lùi về 1.240 điểm

VN-Index giảm 4 phiên liên tục, về lại 1.262 điểm

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhan-dinh-chung-khoan-tuan-tu-6-1012-tich-luy-quanh-vung-1440-1450-diem-128927.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhận định chứng khoán tuần từ 6 - 10/12: Tích lũy quanh vùng 1.440 - 1.450 điểm
    POWERED BY ONECMS & INTECH